Theo Bleeping Computer, kẻ gian tạo một sàn tiền điện tử có tên BitVex và nói rằng người dùng có thể gửi tiền số để thu về 30% lợi nhuận mỗi ngày, thậm chí có thể hơn nếu số tiền gửi càng lớn.
Ở phần giới thiệu, trang này nêu các đồng sáng lập bao gồm tỷ phú Elon Musk, CEO Binance Changpeng Zhao và CEO quỹ đầu tư Ark Invest Cathie Wood. Tuy nhiên, những tên tuổi này chưa bao giờ thông báo là người sáng lập BitVex.
Để tăng độ "uy tín", nền tảng thậm chí còn đăng nhiều video deepfake về các nhân vật nổi tiếng trong giới tiền số như Musk, Wood, Brad Garlinghouse, Michael Saylor và Charles Hoskinson lên các nền tảng video như Vimeo, YouTube. Một số tài khoản YouTube thậm chí đã bị tấn công chiếm quyền điều khiển để phát những video này.
Chẳng hạn, trong video "phỏng vấn Musk" trên YouTube, nhân vật có khuôn mặt giống tỷ phú công nghệ Mỹ nói đã đầu từ 50 triệu USD vào BitVex. Tuy nhiên, khi xem kỹ video, phần lồng tiếng, biểu cảm khuôn mặt lẫn nội dung phỏng vấn được Bleeping Computer nhận xét là "ngớ ngẩn đến mức hài hước".
BitVex cho phép người dùng đăng ký và gửi tiền số. Giống như hầu hết các trò gian lận tương tự, website hiển thị các lần rút tiền gần đây của nhiều loại tiền điện tử khác nhau nhằm tạo sự tin tưởng. Dù vậy, một phân tích cho thấy đây chỉ là các đoạn mã JavaScript được hiển thị ngẫu nhiên và sẽ thay đổi sau mỗi lần làm mới trang.
Hiện trò lừa đảo này chưa quá thành công khi mới có 1.700 USD tiền số đã được gửi vào địa chỉ của kẻ lừa đảo. Tuy nhiên, do các địa chỉ này thường xuyên thay đổi, kẻ tấn công có thể đã thu về số tiền nhiều hơn.
Đây không phải là lần đầu tên tuổi của Elon Musk và người nổi tiếng trong giới tiền số bị lợi dụng. Tháng 1 năm ngoái, kẻ gian tạo website giả mạo nói về việc Musk tặng tiền điện tử, sau đó lừa hàng nghìn người và kiếm về hơn 580.000 USD chỉ sau một tuần.
Đầu tháng này, một video deepfake thảo luận và kêu gọi đầu tư tiền số giữa Elon Musk, Jack Dorsey và Cathie Wood đăng trên YouTube cũng khiến nhiều người tưởng thật. Kẻ gian sau đó đã thu về 1,3 triệu USD từ nạn nhân.
Với việc tiền số ngày càng phổ biến, các trò lừa đảo liên quan đến loại hình này cũng tăng mạnh thời gian qua. Theo thống kê của Chainalysis đầu năm nay, tổn thất do tội phạm liên quan đến tiền số năm 2021 đã tăng 79% so với 2020, lên 14 tỷ USD, chủ yếu do hành vi trộm cắp và lừa đảo tăng đột biến. Trong đó, lừa đảo là hình thức phổ biến nhất, sau đó là trộm cắp - hầu hết xảy ra thông qua việc hack các doanh nghiệp tiền điện tử.
Link nội dung: https://biztoday.vn/dung-deepfake-elon-musk-de-lua-tien-so-312658.html