Doanh nghiệp bất động sản “chùn tay” phát hành trái phiếu sau sự kiện Tân Hoàng Minh

Sau sự kiện Tân Hoàng Minh, sang tháng 4/2022, lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh khi chỉ ghi nhận 820 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản “chùn tay” phát hành trái phiếu sau sự kiện Tân Hoàng Minh  - Ảnh 1.

Hiện nay các doanh nghiệp đang trì hoãn kế hoạch phát hành nhằm chờ đợi hướng dẫn cụ thể hơn từ Chính phủ. Ảnh: IT

Trong báo cáo trái phiếu doanh nghiệp vừa công bố, SSI Research nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản vẫn được vận hành tương đối bình thường trong quý I/2022.

"Tuy nhiên sau các động thái có phần cứng rắn từ Chính phủ trong việc lập lại trật tự và tăng cường tính minh bạch, công khai thì hiện nay các doanh nghiệp hiện đang trì hoãn kế hoạch phát hành nhằm chờ đợi hướng dẫn cụ thể hơn từ Chính phủ", chuyên gia SSI Research nêu.

Động thái cứng rắn từ Chính phủ, doanh nghiệp bất động sản "chùn tay"

Cụ thể, dữ liệu từ SSI Research cho thấy, quý vừa qua tổng lượng trái phiếu phát hành (tính cả riêng lẻ và phát hành ra công chúng) đạt 61,9 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng khối lượng phát hành trong quý I/2021 là tương đối thấp khi các doanh nghiệp điều chỉnh phương án phát hành nhằm phù hợp với các văn bản pháp luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 như Luật Chứng khoán 2019 hay Nghị định 153/2020 và Nghị định 155/2020.

Nếu so sánh theo quý, lượng phát hành trong quý I đã giảm hơn 74% so với quý IV/2021.

Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản vẫn tích cực đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý I với tổng khối lượng là 38,2 nghìn tỷ đồng (chiếm  tới 62% tổng lượng phát hành) và tập trung chủ yếu trong tháng 1 và 3 (trước khi xảy ra sự kiện Tân Hoàng Minh).

Tuy nhiên, sang tháng 4, lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh, khi chỉ ghi nhận 820 tỷ đồng trái phiếu phát hành so với mức bình quân theo tháng trong năm 2021 là 26.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) thường chưa đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong quý I nên chỉ ghi nhận phát hành mới 9.700 tỷ đồng và tăng tốc phát hành trở lại trong tháng 4 (18.600 tỷ đồng).

Doanh nghiệp bất động sản “chùn tay” phát hành trái phiếu sau sự kiện Tân Hoàng Minh  - Ảnh 2.

Khối lượng phát hành TPDN theo quý (nghìn tỷ đồng). Nguồn SSI Research

Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn cũng được các doanh nghiệp thực hiện với khối lượng lớn. Trong 3 tháng đầu năm 2022, khối lượng mua lại trước hạn là 12.800 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý I.

SSI đánh giá nhìn chung, tác động tiêu cực của các sự kiện gần đây đã được nhìn thấy tương đối rõ ràng khi các đợt phát hành trái phiếu giảm. Hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong 2 tháng trở lại đây hoặc là những doanh nghiệp niêm yết lớn hoặc là các tổ chức tín dụng và định chế tài chính, vốn đã chịu sự quản lý chặt chẽ từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.

Doanh nghiệp bất động sản “chùn tay” phát hành trái phiếu sau sự kiện Tân Hoàng Minh  - Ảnh 3.

Cơ cấu phát hành theo loại hình trái phiếu (%). Nguồn: SSI Research

"Trên thực tế, việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu cũng giúp các doanh nghiệp bất động sản chủ động hơn cho nguồn vốn vay trung và dài hạn với khối lượng lớn, đặc biệt phù hợp trong giai đoạn đầu của phát triển dự án bất động sản. 

So với phương thức truyền thống là tín dụng từ NHTM, phát hành trái phiếu mang lại cho doanh nghiệp nhiều ưu điểm như không cần thế chấp tài sản và được chủ động trong việc sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng.

Trong khi đó, điều kiện và thủ tục vay vốn qua ngân hàng phức tạp hơn và khoản vay có giới hạn nhất định do các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn từ Ngân hàng Nhà nước (hệ số rủi ro cho vay bất động sản tăng, tỷ lệ LDR, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm)", chuyên gia của SSI cho hay.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ kém sôi động hơn trong quý II

Theo dự báo của SSI Research, mặt bằng lãi suất tiền gửi được kỳ vọng nhích tăng, nhờ vậy lợi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo khi mà hơn 70% trái phiếu doanh nghiệp phát hành có lãi suất thả nổi. 

Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ướng lớn và áp lực lạm phát trên thế giới có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, làm tăng kỳ vọng lãi suất với các đợt phát hành trái phiếu mới. Đó là chưa kể đến việc nhà đầu tư sẽ phải tính lại mức độ rủi ro của ngành bất động sản trong năm 2022.

SSI Research cũng lưu ý rằng môi trường lãi suất trong năm 2022 được kỳ vọng vẫn tích cực khi chính sách tiền tệ của Việt Nam có độ trễ so với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, cũng như Chính phủ nhấn mạnh 2022 và 2023 là hai năm hồi phục, do vậy áp lực lên chi phí tài chính khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp là chưa nhiều.

Mặt khác, số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 2 năm 2022-2023 ước khoảng 540 nghìn tỷ đồng và chiếm khoảng 36% lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến vẫn rất dồi dào.

Doanh nghiệp bất động sản “chùn tay” phát hành trái phiếu sau sự kiện Tân Hoàng Minh  - Ảnh 5.

Nhóm các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng trong Quý 1/2022. Nguồn SSI Research

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến từ các chuyên gia về dự thảo sửa đổi lần thứ 5, bổ sung Nghị định 153 và thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường, với nhiều quy định chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận hơn đến kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, ngoài việc quy định chi tiết hơn và chặt chẽ hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký/thay đổi/hủy bỏ giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán để phát triển thị trường thứ cấp; dự thảo còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng, có thể tác động mạnh đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

"Nhìn chung, bản dự thảo sửa đổi số 5 đề cao tính minh bạch và chống lại các rủi ro gian lận trong quá trình phát hành trái phiếu. Tuy nhiên bản chất hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phải dựa trên nguyên tắc lợi nhuận – rủi ro đem lại. Các quy định như trong dự thảo sửa đổi số 5 sẽ khiến cho kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu riêng lẻ khó khăn hơn trước", SSI Research nêu quan điểm.

Link nội dung: https://biztoday.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-chun-tay-phat-hanh-trai-phieu-sau-su-kien-tan-hoang-minh-312705.html