Phụ huynh than trời vì giá sách giáo khoa tăng phi mã

Phụ huynh 'than trời' vì giá sách giáo khoa tăng phi mã Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá sách giáo khoa (SGK) cho năm học mới 2022 - 2023 khiến nhiều phụ huynh 'than trời' vì mức tăng phi mã.

Giá sách khoa tăng “phi mã”

Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT) mới đây công bố giá SGK mới của lớp 3, 7, 10 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo", áp dụng từ năm học 2022-2023. So với sách hiện hành, giá các bộ sách này cao hơn từ 2-3 lần.

Cụ thể, bộ SGK lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá sách mới công bố là hơn 180.000 đồng/bộ (cao hơn gấp 3 lần).

Bộ SGK lớp 7 hiện hành có giá bìa là gần 120.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh) thì bộ SGK mới cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh là gần 210.000 đồng/bộ. Giá của bộ SGK lớp 10 hiện hành với 13 môn học được niêm yết là 164.000 đồng thì giá SGK mới lớp 10 từ 246.000 đồng/bộ đến 300.000 đồng/bộ.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới), môn ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 trở lên. Môn ngoại ngữ cũng là môn học có số đầu SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt nhiều nhất. Nhưng hiện các đơn vị xuất bản đều chưa công bố giá sách ngoại ngữ. Nếu tính cả SGK tiếng Anh, giá một bộ sách mới sẽ còn cao hơn nữa.

Giá sách năm học 2022 - 2023 tăng gấp 2 - 3 lần so với giá sách cũ

Lý giải về giá sách tăng, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, sách mới được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh họa sinh động, hấp dẫn; khổ sách 19 x 26,5 cm, chất liệu giấy đẹp hơn. Đơn vị này cũng cho hay thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đơn vị luôn đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu.

Trước đó, sáng 25/5, thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong những ngày gần đây, dư luận xã hội có nói nhiều đến việc giá sách giáo khoa tăng 2-3 lần.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sở dĩ bộ sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ là do sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ. Các quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành sách là các doanh nghiệp hoàn toàn tự đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, trước lý giải của người đứng đầu ngành giáo dục, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng và cho rằng không phù hợp.

Phụ huynh than trời vì giá sách tăng

Việc sách giáo khoa tăng giá gấp 2-3 lần so với sách cũ, đa số phụ huynh đều cho rằng, mỗi năm phải mua một bộ sách giáo khoa mới với mức giá tăng cao là lãng phí, gây áp lực lớn cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Thu Hương (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) cho biết, giá sách tăng cao, ngoài sách chính, phụ huynh còn phải mua thêm cho con sách bài tập để con làm bài trực tiếp vào sách (thay vì làm vào vở) gây tốn kém.

“Với những gia đình có đủ điều kiện hoặc ít khó khăn thì việc thêm một chút để mua SGK mới cho con học là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với những gia đình lao động nghèo, thu nhập bấp bênh, việc bỏ cả triệu bạc để mua SGK, đồ dùng học tập cũng như nộp các khoản đầu năm như đồng phục, bảo hiểm… là cả một nỗi lo lớn.

Tôi cho rằng SGK thì quan trọng là nội dung bên trong thế nào chứ không phải cứ in dày, in to, giấy đẹp rồi tăng giá phi mã... dẫn tới gánh nặng lại đổ lên đầu phụ huynh”, chị Hương cho hay.

Sách giáo khoa tăng giá trở thành áp lực với không ít phụ huynh

Nỗi niềm của chị Hương cũng là lo lắng của chị Lê Thi Kim Liên (Vĩnh Phúc) khi có con chuẩn bị lên lớp 7 và lớp 10.

"Nhà tôi có hai cháu đều ở nhóm lớp mà năm nay sẽ phải mua SGK với giá tăng cao. Với gia đình tôi thì quả thật là khó khăn, không dễ xoay sở vì ngoài tiền SGK, vào năm học mới còn rất nhiều chi phí cho các con như sách tham khảo, dụng cụ học tập, cặp sách, đồng phục...

Điều kiện gia đình đã không có, lại thêm dịch bệnh kéo dài suốt 3 năm qua khiến thu nhập bấp bênh, việc giá SGK tăng cao như vậy tôi thấy không phù hợp", chị Liên bày tỏ.

Chia sẻý kiến khi biết thông tin giá sách tăng, anh Nguyễn Văn Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: "Tôi cho rằng sách giáo khoa nên là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước. Hiện nay, giá sách được quyết định theo thị trường thì việc giá tăng là không tránh khỏi. Tôi tự hỏi nếu lấy lý do quy luật thị trường thì lúc giá xăng, giá vật liệu giảm, liệu giá sách có giảm theo không? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu năm nay SGK tăng giá gấp 2-3 lần, năm sau lại tăng tiếp 2-3 lần vì thả nổi theo quy luật thị trường?

Người chịu thiệt cuối cùng là các bậc phụ huynh, học sinh. Giá SGK tăng gấp 2-3 lần, chưa kể sách bồi dưỡng, tham khảo được "gợi ý", cùng với hàng loạt chi phí sinh hoạt tăng theo. Rõ ràng đó là một gánh nặng không hề nhỏ đối với các gia đình vào đầu năm học, làm giảm cơ hội được tiếp cận kiến thức đối với các em học sinh gia đình khó khăn".

Anh Nam cũng cho rằng việc nâng cao chất lượng nội dung, chất lượng giấy hay hình thức thể hiện là cần thiết, nhưng ngành giáo dục nên có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp bởi SGK là mặt hàng "thiết yếu", bất cứ học sinh nào cũng phải mua.

Link nội dung: https://biztoday.vn/phu-huynh-than-troi-vi-gia-sach-giao-khoa-tang-phi-ma-314063.html