Giá vàng xuống ngưỡng 68 triệu đồng/lượng
Rạng sáng ngày 26/5, giá vàng trên thị trường thế giới giao dịch tại 1.855 USD/ounce, giảm 11,9 USD/ounce so với mức giá cùng thời điểm hôm trước. Riêng giá vàng kỳ hạn tháng 6/2022 giảm mạnh 22 USD/ounce, giao dịch ở mức 1.843 USD/ounce.
Khách hàng giao dịch tại một cửa hàng trên phố Hoàng Cầu. Ảnh: Thanh Hải
Giá vàng trong nước đầu giờ ngày 26/5 cũng “lao dốc” với mức giảm mạnh nhất là 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Với mức giảm này, giá vàng SJC trong nước hiện đang đẩy xuống quanh ngưỡng 68 triệu đồng/lượng mua vào và 69 triệu đồng/lượng bán ra.
Trước đó, do giá vàng thế giới từ 9 - 17 giờ ngày 25/5 đi xuống, cộng với sức mua yếu nên giá vàng SJC giảm mạnh 800.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 69,1 triệu đồng/lượng. So với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng đến nay đã giảm hơn 5 triệu đồng mỗi lượng.
Nửa tháng qua, giá vàng thế giới đã ghi nhận đà giảm sâu khi giảm đến gần 50 USD/ounce, do chịu áp lực từ sự phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp tháng 5/2022 cho thấy tất cả các thành viên của FED đều đồng ý việc tăng lãi suất 0,5 điểm % là phù hợp tại cuộc họp sắp tới, đồng thời ủng hộ kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán. Nghĩa là FED có thể sử dụng các công cụ của mình để giảm cung tiền vào nền kinh tế.
Các chuyên gia dự báo, giá vàng có thể tiếp tục giảm do chịu áp lực của lập trường “diều hâu” của FED trong thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhiều ý kiến cho rằng, FED có thể sẽ hy sinh tăng trưởng kinh tế để đưa lạm phát vào tầm kiểm soát. Theo người đứng đầu chiến lược hàng hóa Ole Hansen tại Ngân hàng Saxo, thị trường kim loại quý còn một số rào cản kỹ thuật để vượt qua. Chuyên gia này cho rằng, để giá vàng có thể bứt phá, kim loại quý này cần phải phá vỡ rào cản quan trọng tiếp theo ở mức 1.868 USD/ounce.
Suy thoái kinh tế, giá vàng sẽ tăng trở lại?
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn kỳ vọng, về lâu dài kim loại quý sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh vàng được coi là kênh "tránh bão" an toàn. Thông thường, giá vàng phụ thuộc vào cách thị trường sẽ phản ứng với lạm phát, chính sách của ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị. Sự biến động cao đã ảnh hưởng đến giá thị trường chứng khoán kể từ đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Mỹ dự báo còn tiêu cực. Nhiều tín hiệu cho thấy lạm phát Mỹ chưa đạt đỉnh và có thể tiếp tục tăng cao hơn.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá, lạm phát và các cú sốc giá đang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khả năng cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể diễn ra trong thời gian tới. Ngoài ra, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng cảnh báo tăng trưởng và lạm phát đang đi ngược chiều nhau.
Về lâu dài, lãi suất tăng lên lại khiến kinh tế Mỹ suy giảm, qua đó kéo đồng USD đi xuống và vàng khi đó được hưởng lợi. Trong khi đó, đồng USD cũng chịu áp lực giảm khá mạnh khi mà đồng euro được dự báo tăng giá. Chủ tịch ECB Christine Lagarde thông báo, lãi suất tại khu vực sử dụng đồng EURO có thể sẽ ở mức cao nhất vào cuối quý III/2022.
Và tình hình địa chính trị căng thẳng sẽ dẫn đến việc vàng trở thành một công cụ bảo hiểm rủi ro trên quy mô lớn hơn. “Nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng trong năm nay, khi lãi suất tăng và lạm phát cao” - chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures dự báo.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã liên tục mua ròng vàng trong mấy phiên gần đây, sau một thời gian liên tục bán ròng. Phiên thứ hai tuần này, quỹ mua thêm gần 4 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên hơn 1.068 tấn.
Ông Louise Street, nhà phân tích cấp cao EMEA tại WGC nhận định, năm 2022 có nhiều hỗn loạn, được đánh dấu bởi các cuộc khủng hoảng địa chính trị, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng. Chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures thì dự báo, vàng sẽ dễ dàng quay trở lại mức 2.050 USD/ounce.
Giá vàng trong nước giảm, nhưng vẫn cao ngất ngưởng so với thế giới
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 68 - 69,02 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 68 - 69,02 triệu đồng/lượng. Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 68 - 69 triệu đồng/lượng. Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 68,05 - 68,95 triệu đồng/lượng. So với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng đến nay đã giảm hơn 5 triệu đồng mỗi lượng. Tuy nhiên so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn tới 17,5 triệu đồng/lượng.
Do không có sự liên thông, nên khi giá vàng thế giới liên tục giảm đã tạo ra khoảng chênh lệch rất lớn so với giá vàng trong nước. Giới chuyên gia đã không ít lần đưa ra khuyến cáo, giá vàng thế giới và Việt Nam chênh lệch cao sẽ tạo nguy cơ buôn lậu vàng làm thất thoát nguồn ngoại tệ, vì giới buôn lậu mua rẻ trên thị trường nước ngoài và bán trong nước với giá cao.
Trước đây, khi chênh lệch này ở mức 4 triệu đồng/lượng đã được xem là cao nhưng hiện giờ đã vượt 17 triệu đồng/lượng. Nhiều người tỏ ra sốt ruột khi tình trạng vàng trong nước đắt hơn vàng thế giới quá lớn nhưng các cơ quan quản lý, cụ thể là NHNN lại chưa có một động thái mạnh mẽ nào nhằm kiểm soát tình trạng này.
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đã nhiều lần gửi kiến nghị lên NHNN về việc thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng NHNN không sản xuất vàng miếng, không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền mà nên cấp phép cho một số DN đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiệp hội còn kiến nghị thành lập sở giao dịch vàng quốc gia để tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Sở giao dịch vàng ra đời với mục tiêu giảm thiểu giao dịch vàng vật chất, huy động được nguồn vàng từ trong dân, tăng dự trữ vàng quốc gia, giảm thiểu tình trạng thanh toán mua bán vàng bằng tiền mặt, tăng thu thuế kinh doanh vàng cho Nhà nước và loại bỏ những sàn vàng chui bất hợp pháp.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã góp phần chống "vàng hóa" nền kinh tế nhưng đến thời điểm hiện tại thì những quy định về độc quyền vàng miếng đã không còn phù hợp khi chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước cao kỷ lục. Trong điều hành thực tế, phải có điều chỉnh để thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới, thể hiện ở việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng sao cho hợp lý. Hơn nữa, chúng ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường thì phải xây dựng một thị trường vàng theo những thông lệ quốc tế.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vang-van-la-kenh-tranh-bao-an-toan-314394.html