Mâu thuẫn trước mắt giữa các nước phương Tây tập trung vào vấn đề viện trợ vũ khí. Đức đã cho thấy nước này không sẵn sàng cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine thông qua các nước láng giềng, chủ yếu là Ba Lan và Cộng hòa Séc. Ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss cảnh báo phương Tây không nên thoái lui và nhượng bộ, tái khẳng định tính cấp thiết của việc viện trợ vũ khí cho Kiev.
Ảnh: AFP
“Chúng ta cần đảm bảo việc cung cấp vũ khí hạng nặng vẫn tiếp tục đến Ukraine. Nước này cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chúng ta. Và chúng tôi cũng đang xem xét cách nâng cấp cho Ukraine để đảm bảo rằng họ có được trang bị tiêu chuẩn của NATO. Hiện tại Ukraine đang sử dụng rất nhiều thiết bị của Liên Xô cũ. Chúng tà cần đảm bảo rằng nước này có thể tự bảo vệ mình trong tương lai”, bà Liz Trus nói.
Ngoài việc bất đồng trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, các lãnh đạo EU còn bất đồng về việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga. EU đang thảo luận về gói các biện pháp trừng phạt Nga thứ 6, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Động thái này đòi hỏi sự nhất trí chung, nhưng Hungary hiện phản đối ý tưởng này với lý do nền kinh tế của nước này sẽ bị ảnh hưởng quá nhiều. Thủ tướng Orban khẳng định, Hungary không tán thành với những quyết định mà EU đưa ra về các lệnh trừng phạt Nga. Nhà lãnh đạo Hungary cũng nhận định, các lệnh trừng phạt này có thể gây tổn hại cho đất nước của ông như dẫn đến giá cả tăng cao và làm suy yếu nền kinh tế. Do đó Hungary sẽ cần các khoản đầu tư khẩn cấp từ EU để thay thế.
“Chúng tôi quan tâm đến hợp tác và đối thoại với EU nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu họ tính đến lợi ích của chúng tôi. Không thể chấp nhận được việc họ phớt lờ chúng tôi và đưa ra các đề xuất đi ngược lại lợi ích của Hungary và ngược lại với các đề xuất trước đây. Các biện pháp trừng phạt mà EU đưa ra cho đến nay đã gây ra nhiều rắc rối cho nền kinh tế châu Âu hơn là cho Nga. Dù sao thì tôi cũng không coi chúng là một công cụ tốt”, Thủ tướng Hungary nhấn mạnh.
Hiện có một số đề xuất để giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine như Italy đề xuất một kế hoạch “4 điểm” mà theo đó, giai đoạn đầu tiên sẽ là ngừng bắn có giám sát và “phi quân sự hóa” ở tiền tuyến hay Iran đã đề nghị tổ chức các cuộc đối thoại giữa Nga và Ukraine. Tuy vậy, cả Nga và Ukraine đều không mặn mà với những đề xuất này. Chính vì vậy, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn rất cần sự nhượng bộ của tất cả các bên. Hiện cuộc xung đột này đang gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới, nghiêm trọng nhất là cuộc khủng hoảng về lương thực vì cả hai nước đều là quốc gia xuất khẩu lương thực và năng lượng lớn./.
Link nội dung: https://biztoday.vn/trung-phat-nga-khong-hieu-qua-phuong-tay-quay-ra-tranh-cai-314593.html