Tại MBS’s Talk 22 với chủ đề "Cơ hội đầu tư tốt nhất năm 2022", ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân Chứng khoán MB (MBS) đã đưa ra những kịch bản cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2022.
Theo ông Sơn, chứng khoán Việt Nam hiện tại có nhiều nét tương đồng với thị trường năm 2018. Thời điểm đó, VN-Index từng chứng kiến cú giảm sâu nhất là 27% do ảnh hưởng những chính sách của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, sau đợt giảm chỉ số này tăng 3 tháng liên tiếp từ cuối tháng 6 đến tháng 10. Đặc biệt, một sự đồng pha lớn có thể quan sát trên đồ thị là thị trường tạo đỉnh vào đầu tháng 4 trong cả năm 2018 và năm 2022.
Theo phân tích của chuyên gia, VN-Index đã chứng kiến 3 pha giảm mạnh trong năm 2018. Nếu xét từ đầu năm 2022 đến nay, chúng ta đã trải qua đã trải qua 2 pha giảm và đang có có một nhịp hồi khá giống với thời điểm trước đó.
Tuy nhiên, một điểm đáng quan ngại trong thời điểm hiện tại là việc thị trường không hút được dòng tiền mạnh mẽ như năm 2018 trong khi nhà đầu tư tổ chức đẩy mạnh xả hàng, tăng tỷ trọng tiền mặt.
Ông Sơn nhận định, thị trường có thể có nhịp phục hồi nhưng sẽ không tăng mạnh mẽ như năm 2018. Trong trường hợp thế giới có biến động, thị trường có thể chứng kiến một phiên giảm thứ 3 trước khi thực sự tạo đáy. So với mức thanh khoản năm 2018 cũng có sự đồng pha.
Nhận định về thị trường nửa cuối năm 2022, vị chuyên gia MBS đã đưa ra hai kịch bản trong đó:
Kịch bản 1, nếu nền kinh tế thế giới không suy thoái thì kịch bản thị trường vẫn sẽ tích cực trong thời gian tới.
Cụ thể, mức đáy của VN-Index có thể là vùng 1.150 - chân sóng C và hướng tới mức cao nhất 1.350 điểm và các đáy dần đều lên. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý thời điểm này chiến lược phòng thủ vẫn cần được ưu tiên nên không thể mua cao bán cao hơn. Do đó, kế hoạch phù hợp trong nửa cuối năm là bán ở vùng kháng cự cao và mua khi thị trường quay về ngưỡng hỗ trợ mạnh.
Với kịch bản 2, thị trường có thể gặp khó khăn hơn khi dòng tiền bị thu hẹp bởi những chính sách thắt chặt của Fed, chân sóng C là vùng 1.068 điểm thì đáy thị trường được xác lập. Thị trường sẽ có những nhịp sideway ở vùng 1.200 điểm từ 6 – 8 tháng.
Nhóm điện – tiêu dùng, bán lẻ có triển vọng tăng trưởng lớn
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, hiện tại là thời điểm thích hợp cho các hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán.
Khi VN-Index ở vùng 1.400 hay 1.500 điểm, mặc dù doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động kinh doanh rất tốt nhưng định giá quá cao khiến cho việc đầu tư khó có lời. Sau đợt sụt giảm vừa rồi, nhiều cổ phiếu đã về mức định giá hấp dẫn, gia tăng cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư.
“Tại thời điểm hiện nay, tôi nhìn thấy được rất nhiều cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng với mức định giá tốt cho dài hạn”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia MBS lấy ví dụ về nhóm bất động sản, sau 2 năm dịch bệnh COVID-19, nguồn cung về nhà ở cũng như đất nền giảm đi rất nhiều tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có dự án triển khai và bán ngay lập tức.
Với mảng điện, tăng trưởng tiêu thụ điện năm nay chắc chắn sẽ cao so với năm trước do nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận bằng lần so với cùng kỳ nhưng giá giảm 15 - 20%.
Tương tự, doanh nghiệp tiêu dùng, bán lẻ có kết quả kinh doanh quý I rất ấn tượng đồng thời quý II và III năm trước, nhóm này bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh thì năm nay sẽ phục hồi mạnh. Rất nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất như dệt may phục hồi khá tốt sau dịch bệnh.
Hay như doanh nghiệp sản xuất thiết bị đồ dùng học tập, năm trước học sinh phải ở nhà thì năm nay đã trở lại trường học giúp tiêu thụ thiết bị đồ dùng học tập tăng cao hơn.
Riêng với nhóm ngân hàng, ông Tuấn khuyến nghị nhà đầu tư đầu tư hết sức chọn lọc và nên lựa chọn ngân hàng được cấp room tín dụng cao.
Link nội dung: https://biztoday.vn/2-kich-ban-thi-truong-va-nhom-nganh-tiem-nang-voi-dinh-gia-tot-cho-dai-han-315203.html