Phố Phùng Hưng ngập sâu sau cơn mưa chiều 29/5. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Liên quan đến cơn mưa kéo dài trong khoảng 2 giờ đồng hồ diễn ra chiều qua (29/5) khiến nhiều tuyến phố ở thủ đô Hà Nội - “đường biến thành sông,” xe cộ chìm trong biển nước, đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trương) cho biết đây là hiện tượng mưa dông nhiệt có cường độ lớn, vượt qua kỷ lục được thiết lập từ năm 1986.
Sau cơn mưa trên, dự báo khu vực miền Bắc nói chung và khu vực Hà Nội vẫn sẽ còn tiếp tục xuất hiện mưa lớn, nhiều khả năng sẽ xảy ra mưa đá, ngập úng...
Nguy cơ mưa lớn do dông nhiệt
Lý giải về nguyên nhân dẫn tới cơn mưa lớn chiều 29/5, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết do ảnh hưởng của rãnh thấp bị nén nên ngày hôm qua nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng tăng lên. Theo đó, hiện tượng mưa dông nhiệt đã xuất hiện ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và nam đồng bằng Bắc Bộ, sau đó dịch chuyển đến Hà Nội, gây mưa to với cường suất lớn trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Theo số liệu ghi nhận được, tại trạm Láng (Hà Nội), lượng mưa đo được từ lúc 14-16 giờ là 138mm (trong đó lượng mưa 1 giờ lúc 16 giờ là 70mm). Trong khi đó, số liệu lịch sử có được tại trạm Láng cho thấy lượng mưa tích lũy trong 1 giờ ngày 15/7/1999 đạt 114,9mm; lượng mưa tích lũy trong 2 giờ ngày 18/6/1986 đạt 132,5mm.
Đáng nói hơn là, trạm Láng chưa phải là nơi có mưa lớn nhất, bởi theo số liệu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, lượng mưa lớn nhất vào chiều 29/5, được ghi nhận ở Cầu Giấy với cường độ 182,5mm. Ngoài ra, tại quận Tây Hồ, lượng mưa ghi nhận được lên tới 160,5mm; quận Hoàng Mai 139,6mm,...
Như vậy, trận mưa dông nhiệt vào chiều 29/5, khiến "đường phố biến thành sông," được nhận định là một trong những kỷ lục mưa dông nhiệt được thiết lập ở Hà Nội.
Theo giới chuyên gia khí tượng, dông nhiệt thường xuất hiện vào buổi chiều tối trong mùa Hè, sau một ngày nắng nóng. Dông nhiệt hình thành do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra, xuất hiện thời gian ngắn nhưng thường kèm các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, mưa rất lớn, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng. Các hiện tượng này rất nguy hiểm, nhất là với những người đang ở ngoài đường trong thời gian này.
Thực tế nhiều năm tại Việt Nam cũng cho thấy dông nhiệt thường xuất hiện vào mùa Hè, khoảng từ tháng Tư đến tháng Mười hàng năm. Với diễn biến trên, cơ quan khí tượng dự báo thời gian tới miền Bắc sẽ xuất hiện mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Trước mắt, từ nay đến ngày mai (31/5), do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén qua khu vực bắc bộ nên ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-120mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt; ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Thủ đô Hà Nội dự báo có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to, có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Mưa lớn ngập đến nửa chiếc ôtô trên phố Nguyễn Gia Thiều (quận Hoàn Kiếm). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Chủ động giải quyết thoát nước
Theo phân tích của giới chuyên gia quy hoạch kiến trúc, nguyên nhân chính của thực trạng ngập úng ở Hà Nội, bên cạnh việc mưa dông nhiệt kéo dài gây ra lượng mưa lớn; vấn đề mấu chốt là do hệ thống thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu, không đủ "sức chịu tải," trong khi hồ ao bị lấp rất nhiều, không có hệ thống hồ điều hòa nên sức chứa nước không đủ...
Chưa kể, hàng trăm dự án khu đô thị được xây dựng và đi vào hoạt động nhưng lại thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực dẫn tới những tình trạng như tắc đường, ngập úng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trước thực trạng trên, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng để giải quyết bài toán trên, bên cạnh rà soát, nâng cao chất lượng hệ thống cấp thoát nước, thành phố cần những chính sách mạnh mẽ và đồng bộ hơn, như xã hội hóa cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình hạ tầng - đổi lấy một số quyền lợi nhất định để nhanh chóng có nguồn vốn, đầu tư cho hệ thống thoát nước.
Ngoài ra, Hà Nội cũng cần bố trí những không gian thích hợp, cần thiết để xây dựng các hồ điều hòa đồng thời tăng cường năng lực các trạm bơm đầu mối; ứng dụng các phần mềm mô phỏng về hệ thống thủy văn của đô thị, cho phép mô phỏng, theo dõi các số liệu về mực nước ở trong các cống, hồ điều hòa... để chủ động phòng, chống úng ngập mỗi khi mưa.
Về giải pháp trước mắt, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết dự báo năm 2022, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường. Do đó, các trạm bơm trên hệ thống đã bảo dưỡng, sửa chữa để chủ động đề đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập khi dự báo thời tiết sẽ có mưa, nhất là đề phòng những trận mưa lớn.
Đặc biệt, để tránh tình trạng ngập úng kéo dài, công ty đã triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý và vận hành các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Cổ Nhuế, Đồng Bông II… để hạ mức nước trên hệ thống, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước và sẵn sàng đón các trận mưa tiếp theo.
Theo đó, các thông tin về lượng mưa, chế độ vận hành trạm bơm, cửa phai và tình hình úng ngập sẽ luôn được cập nhật theo thời gian thực về Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước và lên phần mềm HSDC Maps./.
Link nội dung: https://biztoday.vn/sau-con-mua-ky-luc-36-nam-o-ha-noi-canh-bao-se-co-mua-da-ung-ngap-315620.html