Cao tốc bị mất trộm nhiều thiết bị: Chủ đầu tư nói nhà thầu chịu trách nhiệm

Chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành cho hay dự án hiện đạt 80% khối lượng thi công. Gói thầu J2 là hạng mục cầu cạn đã làm xong, nhưng chưa bàn giao, do đó trách nhiệm quản lý thuộc về nhà thầu.

nap-tru-den-chieu-sang-bi-cay-pha-1653905284.jpg
Nắp trụ đèn chiếu sáng bị cạy phá - Ảnh: V.P

Ngày 29-5, liên quan đến việc dây điện chiếu sáng, tấm chống chói... của gói thầu J2 dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành bị trộm cắp, một lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết gói thầu J2 là hạng mục cầu cạn đã làm xong, nhưng chưa bàn giao nên chưa phải là tài sản của VEC. 

Do vậy trách nhiệm quản lý, bảo quản tài sản trên gói thầu này thuộc về nhà thầu.

"Tình trạng mất cắp thiết bị xảy ra rải rác trong vài năm qua chứ không phải đến nay mới xảy ra. VEC đã đề nghị nhà thầu tăng cường người tuần tra, trông coi tài sản tại gói thầu để ngăn ngừa việc trộm cắp" - lãnh đạo VEC cho biết.

Theo lãnh đạo VEC, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã đạt 80% khối lượng thi công nhưng phải dừng lại từ giữa năm 2019 do vướng mắc về chính sách liên quan đến nguồn vốn.

Trong đó, gói thầu J2 có tổng chiều dài 4,761km gồm cầu Sông Chà và cầu cạn qua huyện Cần Giờ đã hoàn thành và đang chờ nối vào gói thầu J1, J3.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 28-5, ban điều hành gói thầu J2 cho hay gói thầu này hoàn thành nhưng đến nay chưa được nghiệm thu bàn giao. Để bảo vệ tài sản, thiết bị, nhà thầu đã thuê bảo vệ trực tại vị trí lên xuống, tuy nhiên các vụ mất trộm vẫn xảy ra.

Việc mất trộm các thiết bị gây phát sinh chi phí cho nhà thầu. Cụ thể, đường cáp điện chiếu sáng trên cầu Sông Chà (đoạn ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) bị mất trên 80%. Cùng với đó, 57 tấm lưới chống chói lắp trên dải phân cách, 10 cột chống chói bị mất và hàng loạt trụ đèn chiếu sáng bị cạy phá, cắt dây cáp... 

Hiện vụ việc đã được nhà thầu trình báo cơ quan chức năng địa phương.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư có tổng chiều dài khoảng 57,8km với tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng. Dự án được sử dụng 3 nguồn vốn gồm: vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng.

Dự án khởi công vào tháng 7-2014, dự kiến khai thác vào năm 2018. Trong quá trình thực hiện, dự án gặp một số vướng mắc về nguồn vốn dẫn đến tiến độ hoàn thành điều chỉnh đến năm 2020, đến nay dự kiến cuối năm 2023 mới xong.

Dự kiến ngày 10-6, Quốc hội sẽ bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc để giải ngân nguồn vốn vay cho dự án này.

Link nội dung: https://biztoday.vn/cao-toc-bi-mat-trom-nhieu-thiet-bi-chu-dau-tu-noi-nha-thau-chiu-trach-nhiem-315719.html