Từ tháng 5 đến tháng 12/2021, Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) đã huy động được 2.179 tỷ đồng trái phiếu |
Theo tìm hiểu, trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 12/2021, Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) đã huy động được 2.179 tỷ đồng trái phiếu, phần lớn được đổ vào 2 dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A và 1B.
Cụ thể, ngày 19/5/2021, doanh nghiệp này đăng ký phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu, bao gồm 3 lô trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm) và 1 lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng (kỳ hạn 4 năm). Kết thúc đợt phát hành, số tiền thực tế Vietracimex thu về từ việc phát hành trái phiếu là 420 tỷ đồng, với sự thu xếp của CTCP Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).
Vào ngày 28/9/2021, doanh nghiệp tiếp tục huy động được 470 tỷ đồng trái phiếu (kỳ hạn 1.694 ngày). Toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ được dùng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A do Cà Mau 1A làm chủ đầu tư. Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu bao gồm: quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội thuộc sở hữu của Vietracimex; quyền tài sản gắn liền với hợp đồng BCC ký kết giữa Vietracimex với Cà Mau 1A.
Cùng thời gian 28/9/2021, Vietracimex đã phát hành 3 lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1B. Bên cạnh đó, trong kỳ, doanh nghiệp của đại gia Võ Nhật Thăng cũng đã phát hành thêm 4 đợt trái phiếu trị giá 789 tỷ đồng khác. Thời điểm trước đó, trong vòng 2 năm (từ đầu tháng 12/2018 đến cuối 2020), Vietracimex cũng đã huy động thành công 3.400 tỷ đồng qua kênh trái phiếu; trong đó từ đầu tháng 12/2018 đến cuối tháng 3/2019, doanh nghiệp phát hành 4 đợt trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, với tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ riêng tập đoàn mẹ Vietracimex trong giai đoạn từ cuối 2018 đến nay đã huy động được 5.579 tỷ đồng trái phiếu.
Bên cạnh pháp nhân lõi Vietracimex, các thành viên của tập đoàn này cũng rất tích cực trên thị trường trái phiếu. Từ ngày 31/8 - 30/11/2021, CTCP Năng lượng Hòa Thắng đã phát hành thành công 880 tỷ đồng trái phiếu - kỳ hạn 12 năm 4 tháng. Đây là đợt phát hành thứ nhất trong kế hoạch phát hành 2 đợt trái phiếu nhằm huy động 1.880 tỷ đồng của Hòa Thắng để đầu tư vào dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 tại Bình Thuận. Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu bao gồm: Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2; 103,4 triệu cổ phần phổ thông do Hòa Thắng phát hành; và các quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Được biết, toàn bộ tài sản nêu trên cũng được sử dụng để bảo đảm cho lô trái phiếu trị giá 220 tỷ đồng mà Hòa Thắng phát hành vào cuối năm 2019. Số trái phiếu này có kỳ hạn lên tới 14 năm, lãi suất áp dụng cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 10%/năm.
Trong giai đoạn từ 2019 - 2021, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 và Hồng Phong 2 cũng đã huy động thành công 4.150 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Phần lớn các lô trái phiếu này đều được đảm bảo bởi quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Dòng tiền chục nghìn tỷ dồn dập chảy về hệ sinh thái Vietracimex qua đường trái phiếu |
Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội, được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Vietracimex là một tập đoàn kinh tế đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và các ngành Dịch vụ khác… Được biết, người đại diện theo pháp luật của Vietracimex là ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Victracimex vốn là một Tổng Công ty Thương mại của Bộ Giao thông Vận tải, đã được cổ phần hóa theo Quyết định số 217/2004/QĐ-TTg ngày 31/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Vietracimex hiện có nhiều dự án, nhiều khu đất ở Hà Nội, TP. HCM, Phú Quốc, và những dự án thủy điện, dự án giấy… quy mô nghìn tỷ. Vietracimex có 15 công ty thành viên, hoạt động ở 04 mảng: BĐS, năng lượng, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa của đơn vị này đã diễn ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Theo Kết luận thanh tra số 111/TB-TTCP ngày 20/01/2016 của Thanh tra Chính phủ, cho thấy có nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa phần góp của Nhà nước tại Doanh nghiệp. Cụ thể là việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật trong việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường (ngày 03/06/2006).
Dự án Hinode City Minh Khai (Hà Nội) của Vietracimex (Nguồn: Internet) |
Tháng 10/2018, theo Thanh tra Chính phủ, dự án Hinode City nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỷ đồng. Cùng với đó, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án không đúng quy định.
Không chỉ dừng lại ở sai phạm trong quá trình cổ phần hoá, bị khách hàng “tố” khuất tất trong huy động vốn hợp tác đầu tư tại dự án Kim Chung - Di Trạch (dự án Hinode Royal Park), “chây ì” khoản nợ chậm nộp tiền sử dụng đất và xây dựng sai phép tại dự án Hinode City, Vietracimex còn vướng vào không ít “lùm xùm” liên quan đến sai phạm tại các dự án năng lượng.
Tại dự án Nhà máy thủy điện Tả Thàng, tỉnh Lào Cai, Vietracimex đã vướng nhiều sai phạm nghiêm trọng khi chưa thực hiện việc thuê đất, thậm chí không có GCNQSDĐ đã tiến hành triển khai xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động; bị người dân khiếu nại triền miên vì khuất tất trong đền bù GPMB; nợ 46,9 tỷ đồng tiền thuế, phí.
Về tình hình tài chính, Theo Nhadautu.vn, Vietracimex (công ty mẹ) năm 2019 ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.561 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước; nhưng lại tăng bình quân 80,9%/năm trong giai đoạn 2014 – 2019. Tương tự, lãi thuần công ty cũng ở mức tích cực. Sau khi lỗ 1,3 tỷ năm 2016, công ty lãi 17,9 tỷ năm 2017; 60 tỷ năm 2018 và 41 tỷ năm 2019.
Dù vậy, nếu xét về con số tuyệt đối, doanh thu và lợi nhuận của Vietracimex chưa cho thấy sự tương xứng với quy mô tài sản. Có thể thấy, dù nắm trong tay số tài sản lên tới hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng lãi thuần (từ hoạt động kinh doanh chính) của Vietracimex cũng chỉ dao động từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng mỗi năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Vietracimex (công ty mẹ) tại ngày 31/12/2019 đạt 19.265 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 5.635 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22,8% và 0,7% so với thời điểm đầu năm. Mặt khác, có thể thấy doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao với khoảng 13.630 tỷ đồng là tổng nợ phải trả.
Link nội dung: https://biztoday.vn/hang-chuc-nghin-ty-chay-ve-he-sinh-thai-vietracimex-qua-duong-trai-phieu-316140.html