Một cơ sở sản xuất miến ở Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với trang thiết bị nhìn qua không đảm bảo vệ sinh môi trường
Cụm công nghiệp nửa vời
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây là cụm làng nghề Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, Yên Sở, Đắc Sở của huyện Hoài Đức. Tại đây, người dân địa phương nổi tiếng với nghề sản xuất miến dong, mì gạo, tinh bột sắn (mì) và mạch nha, mật mía để cung cấp cho các làng làm bánh kẹo. Nguồn nguyên liệu cho các làng này là củ dong riềng, củ đao, củ đót, củ sắn..., được trồng và thu gom từ các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa.
Để ngâm ủ các loại củ, ở đây hầu như xưởng nào cũng phải xây những bể xi măng lớn, kết hợp các loại thùng tôn to nhỏ. Sau 2-3 ngày ngâm ủ với nhiều công đoạn, nước được xả thẳng xuống kênh thoát nước, từ làng chảy thẳng ra đồng ruộng nên gây ô nhiễm, mùi nồng nặc.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương, từ năm 2012, UBND TP Hà Nội và huyện Hoài Đức cùng chính quyền các xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai... đã quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu với quy mô 12,05ha để tập trung các cơ sở sản xuất vào một chỗ, nhằm tạo thuận lợi cho thu gom, xử lý chất thải, nước thải. Nhưng tới nay, cụm công nghiệp làng nghề ở đây chỉ thu hút được số ít các cơ sở sản xuất hộ gia đình, chủ yếu là cơ khí, đồ mộc.
“Bây giờ muốn vào được cụm công nghiệp, ít ra mỗi lô đất phải tới 2-3 tỷ đồng, chưa kể tiền xây nhà xưởng, nên với các hộ sản xuất nhỏ như chúng tôi không thể chịu được chi phí nhiều như vậy”, ông Lê Sinh Tú (65 tuổi), chủ một cơ sở làm miến dong ở Dương Liễu, chia sẻ.
Không chỉ có vậy, nan giải nhất là xử lý được nguồn nước thải và chất thải. Tại Hoài Đức, từ năm 2013, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng với công suất 8.000m3/ngày đêm, với vốn đầu tư hơn 231,5 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là tiếp nhận nguồn nước thải ở các xã Đắc Sở, Yên Sở, Dương Liễu, Sơn Đồng..., sau đó tiến hành xử lý làm sạch trước khi xả ra sông Nhuệ. Nhưng nhà máy này đến nay vẫn “đắp chiếu” dù đã xây dựng nhiều năm nay.
Gặp chúng tôi ngay ở cổng nhà máy, ông Nguyễn Đăng Ty ở xã Sơn Đồng, là người được thuê trông nom, bảo vệ công trình, cho biết: “Đến nay, nhà máy đã thi công xong 99%, nhưng vẫn chưa thể hoạt động vì dự án chỉ còn sót lại một đoạn kênh ngắn chưa thi công được nên nước xả đen ngòm từ các nơi đưa về không thể hút lên để xử lý. Do vậy, nước thải từ các làng nghề ở đây vẫn đổ thẳng ra sông Đáy khiến dòng sông tại đây biến màu đen kịt, hôi thối nồng nặc”.
Với gần 130 làng nghề, trong đó có 48 làng được TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống, đến nay, huyện Thường Tín đã xây dựng được 10 cụm công nghiệp làng nghề với tổng diện tích gần 200ha. Trong đó, cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự có diện tích trên 7,3ha, được đầu tư xây dựng với quy mô hiện đại, đáp ứng theo các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý chất thải, khuôn viên cây xanh, hệ thống điện sản xuất, đèn chiếu sáng. Đến nay, tại cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự đã lấp đầy 100% cơ sở cơ sản xuất, kinh doanh lâu dài, góp phần tăng nguồn thu nhập và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Tuy nhiên, tại cụm công nghiệp này lại để xảy ra tràn lan các vi phạm về trật tự xây dựng. Nhiều công trình nhà dân cao tầng kiên cố được xây dựng hiện đại thay cho các cơ sở sản xuất. Thậm chí, tại đây còn có cả nhà hàng, quán ăn nhưng chính quyền địa phương chỉ xử lý qua loa, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Cùng chung tình trạng trên là cụm làng nghề xã Tân Hội, Liên Hà của huyện Đan Phượng. Tại đây, nhiều nhà kiên cố được xây dựng từ 2-3 tầng, khá phổ biến. Bên cạnh đó là nhà hàng, quán ăn san sát, thay vì nhà xưởng, hoạt động sản xuất của làng nghề.
Theo ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, thành phố hiện còn 800 làng nghề, hoạt động chủ yếu là chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn. Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22.000-25.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển của các làng nghề và cụm công nghiệp làng nghề là ô nhiễm môi trường gia tăng do mặt bằng chật hẹp, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ sản xuất còn hạn chế và thiếu vốn đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường.
Hoang phí
Trở lại với xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, trước tình trạng ô nhiễm do các cơ sở nấu nhôm và thu gom phế liệu gây ra, đầu năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã lập cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá với diện tích 29,6ha. Nhưng tới nay, mới có khoảng 20 nhà xưởng được xây dựng tại cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, còn lại là những lô đất cỏ mọc um tùm, rất hoang phí.
Một số hộ sản xuất ở Mẫn Xá cho biết, trước khi thực hiện xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, các hộ dân được trả tiền đền bù 150 triệu đồng/360m2 đất ruộng để nhà đầu tư lấy đất xây cụm công nghiệp và nhà đầu tư “hứa” chỉ lấy 4 triệu đồng/m2 tiền thuê đất tại cụm công nghiệp trong 50 năm. Tuy nhiên, xây dựng xong cụm công nghiệp, chủ đầu tư đưa ra giá thuê đất tới 9-10 triệu đồng/m2 khiến người dân bức xúc và không thể chịu nổi được chi phí rất lớn nếu chuyển ra cụm công nghiệp.
“Ai cũng biết di chuyển ra cụm công nghiệp thì làng xã, nhà cửa đỡ ô nhiễm hơn, nhưng người dân biết lấy tiền ở đâu? Giờ ra đó xây xưởng làm ăn phải có vài tỷ đồng, trong khi trước đây họ đền bù đất ruộng cho chúng tôi rẻ mạt quá”, ông Nguyễn Xuân Hà (62 tuổi), một người dân ở Mẫn Xá, bức xúc.
Không chỉ có vậy, qua tìm hiểu, dù cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá đã xây xong nhưng đến giờ hệ thống xử lý rác thải và nước thải vẫn chưa hoàn chỉnh. Do vậy, nhiều người dân bày tỏ lo ngại về việc nảy sinh thêm “Mẫn Xá thứ 2” ngay trong chính cụm công nghiệp này. Bởi lẽ theo quy hoạch, vị trí bãi thải cũ tại Mẫn Xá sẽ là nơi xây dựng trạm thu gom xỉ thải phát sinh của các cơ sở tái chế phế liệu nhôm với diện tích lên đến 3,8ha, nhưng dự án vẫn chỉ nằm trên giấy vì chưa thể giải phóng mặt bằng.
Câu chuyện xử lý ô nhiễm môi trường ở Mẫn Xá đang nảy sinh nhiều mâu thuẫn, khi chính quyền vận động nhân dân hiến đất nông nghiệp để xây dựng cụm công nghiệp sản xuất tập trung, nhưng xây dựng xong, người dân không thể di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào cụm công nghiệp vì rất nhiều vấn đề nêu trên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mẫn Văn Truyền, Bí thư Đảng ủy xã Văn Môn, cho rằng, xét đến cùng, địa phương không thể không có trách nhiệm trong việc này, ít nhất về trách nhiệm tuyên truyền để thay đổi nhận thức.
“Người dân lâu nay quen với quy mô sản xuất hộ gia đình, nhưng khi di chuyển lên cụm công nghiệp phải có tiền thuê đất, cho tới kinh phí xây xưởng và nhiều vấn đề phát sinh khác. Đây chính là những rào cản khiến nhiều hộ sản xuất dù rất muốn chuyển vào cụm công nghiệp nhưng đành chịu. Cùng với đó, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng chưa thực sự quyết liệt trong việc xử lý những cơ sở gây ô nhiễm”, ông Truyền chia sẻ.
Ông Truyền cho biết thêm, để giải quyết căn nguyên ô nhiễm ở Mẫn Xá, UBND huyện Yên Phong đã có quy hoạch khu tập kết bã xỉ rộng 3,8ha do chính UBND huyện làm chủ đầu tư và hiện đang triển khai. Đồng thời, huyện cũng quy hoạch thêm khu 3,1ha nằm trong cụm công nghiệp để xử lý nước thải công nghiêp. Thời gian tới, nếu thực hiện xong 2 khu thu gom, xử lý chất thải trên thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở địa phương mới có thể giải quyết được căn cơ.
Link nội dung: https://biztoday.vn/mat-trai-lang-nghe-va-cum-cong-nghiep-lang-nghe-bai-2-bien-tuong-cum-cong-nghiep-lang-nghe-316303.html