Việt Nam hiện có hàng trăm khu công nghiệp, thu hút trên 16 triệu công nhân, hàng năm tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách. Thế nhưng, chỗ ở của công nhân chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến làn sóng người lao động về quê trốn Covid-19 vừa qua, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất - kinh doanh và an sinh xã hội. Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo phát triển kinh tế và chất lượng sống cho người lao động đang là vấn đề bức thiết được Đảng, Nhà nước đặt ra.
Ẩm thấp, bốc mùi là thực trạng đang diễn ra tại nhiều khu nhà trọ công nhân hiện nay.
Bài 1: “Ổ chuột” giữa phố thị
Trở lại nơi ở sau đợt về quê trốn Covid-19, nhìn phòng trọ ẩm thấp, ngột ngạt là nơi trú ngụ của cả gia đình, nữ công nhân Sóc Nương (làm việc tại Đồng Nai) ngượng nghịu: “Chỉ là nơi nằm tạm bợ cho qua đêm”. Nhưng họ đã “sống tạm” như thế hơn một thập kỷ.
“Sống tạm” qua đêm
Ban ngày quần quật ở công xưởng, thì đêm về là thời gian “hồi sức” đối người công nhân. Nhưng thực tế không được như vậy đối với vợ chồng chị Thạch Thị Hồng Sa (35 tuổi, quê ở tỉnh Trà Vinh, đang làm việc tại Công ty TBS Group -TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Tan ca chiều khi trời chỉ còn le lói ánh hoàng hôn, đón vội đứa con, hai vợ chồng chị phải vội ghé chợ cóc ven đường mua thực phẩm nấu cơm tối.
Chợ cóc, nên mọi thứ đều rẻ hơn nơi khác, thế nhưng, chị Sa vẫn phải trả giá từng đồng cho một ít rau và vài lạng thịt. “Rau này về hai vợ chồng ăn, còn thịt để dành cho con. Phải tằn tiện, chứ hơn 15 ngày nữa mới có lương”, chị Sa bộc bạch.
Bình thường em đi làm suốt ngày, tăng ca đến gần 21 h mới về, nên chỗ ở chỉ để ngủ qua đêm. Những ngày đi làm còn đỡ, ngày Chủ nhật ở nhà mới thấm sự bức bí của chỗ ở này. Tụi em phải lén ra ngoài đường ngồi hít thở khí trời. Nếu thuê phòng trọ thoáng hơn chút thì mắc lắm, riêng tiền thuê phòng phải hơn 1 triệu đồng/người/tháng, tụi em không đủ tiền trả.
Đặng Thị Phương Linh (công nhân Công ty Pouyuen Vietnam)
Căn phòng trọ của vợ chồng chị Sa nằm trong một khu nhà trọ tuềnh toàng, lối đi ở giữa bốc mùi và chỉ đủ một xe chạy vào.
Căn phòng chị thuê chưa đến 10 m2 với tiền thuê 1 triệu đồng/tháng, là nơi sinh hoạt của cả nhà. Giờ là mùa mưa, nhưng tiết trời ở Bình Dương vẫn như hắt lửa vào người. Cây quạt máy nhỏ xíu luôn được mở số lớn nhất chỉ tạm giảm nóng cho ba người chen nhau nằm. Chỗ nấu ăn và sàn nước ngay trước phòng vệ sinh, trên tường kê tấm gạch đựng bếp gas và nồi cơm điện.
“Làm ăn ở quê khó khăn, làm gì cũng khó. Lúa năm hai vụ thì khi trúng, khi thất. Cũng nuôi tôm mà đâu có trúng, tôm búng đi đâu hết”, chị Sa kể lý do vì sao nhà có ao tôm, có ruộng lúa, nhưng vợ chồng chị vẫn phải tha hương kiếm sống.
Hơn 15 năm rời quê lên Bình Dương làm việc, nhưng hai vợ chồng chẳng tích cóp được bao nhiêu. Chị Sa kể, lương hai vợ chồng mỗi tháng gộp lại gần được 15 triệu đồng. Trong khi đó, tiền nhà trọ, kể cả điện nước hết gần 1,5 triệu đồng; tiền gửi con nhỏ một tháng là 1,1 triệu đồng; tiền gửi về quê cho con gái lớn 3 triệu đồng; chi phí sinh hoạt, ăn uống, tiền sữa cho con hết gần 6 triệu đồng. Thế nên, lương hai vợ chồng co kéo mãi mới dư được chừng 3 triệu đồng/tháng.
Ở xóm trọ công nhân, những hoàn cảnh giống vợ chồng chị Sa nhiều vô kể. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng điểm chung nhất của họ là muốn thoát được cái nghèo.
Mà đâu chỉ có Bình Dương, những công nhân mà chúng tôi gặp ở Đồng Nai cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Dãy phòng trọ mà chị Neàng Sóc Nương (45 tuổi, quê ở Kiên Giang, công nhân tại Công ty Chang Shin thuộc Khu công nghiệp Thạch Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) thuê ở, đều na ná nhau. Hai dãy phòng đối diện nhau qua lối đi sâu hút, với những sào quần áo phơi ngay trên hành lang. Hơn 6 giờ tối, ánh đèn trong những căn phòng trọ chừng hơn chục mét vuông bắt đầu bật lên.
Trong dãy trọ đó, căn phòng chỉ hơn 16 m2, là nơi ở, sinh hoạt hàng ngày của 3 người lớn trong gia đình gồm chị Nương, anh Chau Dăm (chồng chị) và con gái Neàng Srây Néth (21 tuổi). Cả 3 đều là công nhân trong một công ty.
Bữa cơm tối đạm bạc là thời điểm quý giá để gia đình bên nhau sau một ngày dài làm việc. Còn căn phòng, như vợ chồng chị thở dài, “chỉ là nơi tạm bợ cho qua đêm”.
Nhưng họ đã “sống tạm” qua đêm như vậy hơn 11 năm!
Căn phòng trọ của vợ chồng chị Thạch Thị Hồng Sa thuê ở chưa đầy 10 m2.
Có nơi hạ lưng là tốt rồi
Chúng tôi rời Bình Dương trở về TP.HCM - nơi công nhân các tỉnh khác nói là “thiên đường”. Vậy thực hư ra sao?
Chúng tôi tìm đến khu vực xung quanh Công ty Pouyuen Vietnam (quận Bình Tân, TP.HCM). Khu vực có bán kính khoảng 2 km tính từ công ty này được mệnh danh là khu nhà trọ của quận. Ở đây, gần như nhà nào cũng có từ vài phòng đến mấy chục phòng trọ, đáp ứng nhu cầu ở chủ yếu của công nhân Công ty Pouyuen Vietnam - doanh nghiệp có hơn 56.000 công nhân.
Nằm sâu trong dãy nhà trọ ở đường số 2, phường Tân Tạo A, em Đặng Thị Phương Linh (18 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) đang ở cùng với hai người bạn trong một căn phòng hơn 10 m2, suốt ngày phải bật đèn. Linh cho biết, tiền phòng, điện và nước mỗi tháng hơn 700.000 đồng/người. Bình thường, Linh đi làm suốt ngày, ăn trong công ty, tăng ca đến gần 21 h mới về, nên chỗ ở chỉ để ngủ qua đêm.
Tại Khu nhà lưu trú cho công nhân của Công ty Showa Gloves, người lao động được miễn phí tiền phòng, tiền điện nước khi sử dụng vượt định mức sẽ đóng thêm một khoản nhỏ. Chúng tôi làm nhà là hỗ trợ người lao động, để họ yên tâm làm việc, chứ tuyệt nhiên không tính tới lỗ, lãi.
Ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Showa Gloves (Bình Dương)
“Tụi em phải ra ngoài đường ngồi hít thở khí trời. Ra ngoài đó mới hay, cả xóm thiếu không khí, chứ không phải chỉ mỗi phòng em. Nhưng phòng trọ thoáng hơn chút thì mắc lắm, riêng tiền thuê phòng phải hơn 1 triệu đồng/người/tháng, tụi em không đủ tiền trả”, Linh nói.
Bà Nguyễn Thị Trang, chủ nhà trọ nói trên cho biết, mỗi căn trọ ở đây có thể ở tối đa 4 người, với giá thuê 1,2 triệu đồng/tháng, tức là một công nhân chỉ cần bỏ ra 300.000 đồng là có một chỗ trong căn phòng chật chội này. Nhưng với Phương Linh và nhiều công nhân khác đang làm việc trong nhà máy Pouyuen Vietnam, họ không đặt nặng vấn đề nghỉ ngơi, vì chỉ về phòng trọ khi đèn đường đã sáng và lại vội vã rời khỏi phòng trọ khi đèn đường còn chưa tắt.
Trái ngược với hình ảnh nhếch nhác, Khu lưu trú tập thể công nhân số 26 được quy hoạch bài bản
Nơi… ngủ được thì đếm trên đầu ngón tay
Một sự thực chúng tôi ghi nhận là, nếu được ở những khu lưu trú, nhà/phòng mà các khu công nghiệp, doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư tư nhân xây tử tế thì giấc ngủ, sinh hoạt của công nhân tốt gấp nhiều lần phòng trọ dân xây cho thuê tràn ngập khắp nới. Tuy nhiên, chốn “thiên đường” này quá hiếm.
Như ở quận 12 (TP.HCM), nơi có lượng công nhân thuê trọ lớn, chúng tôi phải hỏi mãi mới tìm được Khu lưu trú tập thể công nhân số 26 tại khu phố 3B, phường Thạnh Lộc. Đây là một điểm sáng.
Ông Nguyễn Thành Tâm (45 tuổi, chủ đầu tư Khu lưu trú) cho biết, ông bắt đầu xây dựng hệ thống phòng trọ này với 36 căn và đến nay, hệ thống phòng trọ đã phát triển lên hơn 150 căn, với hơn 500 người ở, chủ yếu là công nhân của các nhà máy, công xưởng nằm trong khu vực.
Tôi muốn biến khu trọ của mình trở thành một cộng đồng ấm áp, mọi người quan tâm đến nhau. Dù là nhà trọ, nhưng mỗi cư dân sống ở đây đều coi như nhà của chính mình, gìn giữ môi trường sống, đoàn kết và giúp đỡ nhau.
Ông Nguyễn Thành Tâm (45 tuổi, chủ đầu tư Khu lưu trú tập thể công nhân số 26, quận Bình Tân, TP.HCM)
Ngay từ khi xây dựng, ông Tâm đã quy hoạch các dãy nhà trọ khang trang với phần đường đi ở giữa rất rộng. Phần trên đường đi có hệ thống mái che khuếch tán ánh sáng, vừa che mưa, nắng cho cư dân toàn khu, vừa lấy ánh sáng tự nhiên. Đối với nhà trọ, ông Tâm cho hay, giếng trời rất quan trọng, nên ông đã thiết kế hệ thống thông gió đối lưu không khí cho từng căn.
Còn tại Bình Dương, Khu nhà lưu trú cho công nhân của Công ty Showa Gloves (Khu công nghiệp VSIP I) cũng là một điểm sáng.
Trên diện tích 10.720 m2, khu nhà lưu trú này luôn được bảo vệ nghiêm ngặt như một chung cư cao cấp. Ai đến khu nhà phải có lý do, khách muốn gặp người nào trong khu nhà phải đăng ký qua bảo vệ. Xe của khách để ở khu vực riêng, xe của công nhân ở khu riêng, tránh nhầm lẫn, mất mát.
Bên trong khu nhà, hành lang được lau dọn hằng ngày. Ở đây còn có một khoảng sân dành cho thể thao, phòng gym, phòng đọc sách, hội trường để tổ chức các hoạt động tập thể.
Ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Showa Gloves cho biết, Khu lưu trú được xây dựng từ năm 2008, với 128 phòng. Mỗi phòng ở dành cho tối đa 3 người. Khu lưu trú chủ yếu dành cho nữ công nhân độc thân. Tại đây, người lao động được miễn phí tiền phòng; tiền điện, nước khi sử dụng vượt định mức sẽ đóng thêm một khoản nhỏ...
Những trường hợp trên không phải là cá biệt, mà phản ánh bức tranh chung trong thực trạng nhà ở công nhân hiện nay.
(Còn tiếp)
Link nội dung: https://biztoday.vn/nha-o-cong-nhan-nhung-mang-mau-sang-toi-bai-1-o-chuot-giua-pho-thi-316721.html