Đừng coi bạo lực học đường là chuyện xích mích của trẻ con

"Tôi không ủng hộ việc coi nhẹ bắt nạt học đường theo cách nghĩ chỉ là trẻ con đánh nhau, người lớn không nên can dự”, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên nêu quan điểm.

Trao đổi với Zing, ông Bùi Khánh Nguyên cho rằng với quan điểm giáo dục ngày nay, việc coi bạo lực học đường chỉ là chuyện xích mích của trẻ con, người lớn không cần can thiệp đã không còn phù hợp.

Theo ông, bạo lực học đường cần được giải quyết theo cách thức khoa học và nhân ái vì lợi ích của tất cả đứa trẻ liên quan.

bao luc hoc duong chi la chuyen cua tre con anh 1

Bạo lực học đường cần giải quyết bằng khoa học và nhân ái. Đồ hoạ: Korea Herald.

Gia đình, nhà trường cần can thiệp sớm

- Bàn luận vụ học sinh trường Quốc tế TP.HCM American Academy (ISHCMC-AA), nhiều người cho rằng người lớn không nên can thiệp, nên để trẻ con tự giải quyết. Ông nhìn nhận như thế nào về quan điểm này?

- Trường học an toàn là quyền của trẻ em được ghi nhận trong công ước của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, tổ chức UNESCO trích dẫn một nghiên cứu ước tính có tới 240 triệu trẻ em và thiếu niên trên toàn thế giới phải chịu đựng ít nhất một hình thức bạo lực học đường mỗi năm.

 

Quan điểm cho rằng không cần can thiệp chuyện của trẻ, mọi thứ sẽ tự động trôi qua tốt đẹp khi tuổi học trò qua đi không phù hợp với quan điểm giáo dục ngày nay.

 

Giáo dục hiện đại định nghĩa rất rõ ràng về bạo lực học đường. Do vậy, chúng ta cần tìm hiểu về bạo lực học đường và dạy trẻ em từ sớm. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy bạo lực học đường để lại hậu quả về tâm lý, cảm xúc, sức khỏe thể chất và tinh thần nhiều năm sau nữa.

 

Gia đình và nhà trường bắt buộc phải can thiệp để phòng chống bạo lực học đường bằng cách hiểu về hình thức, biểu hiện, hậu quả của nó cũng như cách thức giải quyết. Bắt nạt học đường là một hình thức bạo lực học đường phổ biến.

 

Với các trường hợp có xâm phạm thân thể cố ý và gây thương tích, đó chắc chắn là bạo lực học đường, cần được xử lý.

bao luc hoc duong chi la chuyen cua tre con anh 2

Vụ việc tại trường ISHCMC-AA thu hút sự chú ý của dư luận. Ảnh: ISHCMC-AA.

- Một ý kiến khác cũng nổi lên rằng đây vốn là vụ việc không nghiêm trọng nhưng được quan tâm vì có yếu tố trường quốc tế. Theo ông, đánh giá này như thế nào?

- Chúng ta không nên gắn bạo lực học đường với loại trường học cụ thể. Bạo lực học đường có thể xảy ra ở bất kỳ trường học nào và mọi đứa trẻ đều có khả năng bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt bạn nếu không được hướng dẫn, dạy dỗ, giám sát.

 

Tôi nghĩ mọi người thường kỳ vọng cao với trường quốc tế vì tỷ lệ học sinh trên giáo viên thấp, nhà trường có điều kiện hơn để quan sát, theo dõi các em. Tuy nhiên, chúng ta không nên coi trường quốc tế là hoàn hảo, nơi không thể xảy ra các vấn đề của học sinh.

 

Thực tế, ở trường học nào, trách nhiệm của thầy cô đều rất nặng nề vì trẻ em vẫn là những cá nhân chưa hoàn toàn kiểm soát được hành vi của mình, các em thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sống.

 

Một trường liên cấp thường có trên dưới 1.000 học sinh, một môi trường tập thể của chừng ấy con người nhất định sẽ có lúc không suôn sẻ trong quá trình tương tác. Tuy nhiên, một trường học an toàn phải sẵn sàng để ngăn ngừa bạo lực học đường, và khi nó xảy ra, phải quản lý được nó.

- Như trong vụ việc tại trường ISHCMC-AA, vấn đề không chỉ dừng lại ở bạo lực học đường mà còn kéo theo nạn bắt nạt trên mạng. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?

- Khi khác nhau về quan điểm, mọi người có thể tranh luận. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý có những hành động, dù vô tình hay cố ý, đã vi phạm luật bảo vệ trẻ em.

 

Ví dụ, Luật Trẻ em 2016, điều 6 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm “công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.”

 

Cũng theo luật trên, điều 21 quy định quyền bí mật đời sống riêng tư: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.”

 

Với tất cả vụ việc liên quan đến trẻ em, phát tán hình ảnh và thông tin cá nhân của các em trên môi trường mạng là việc làm sai trái, vô trách nhiệm.

Quy trình xử lý bạo lực học đường

- Nếu vậy, khi có mâu thuẫn, bạo lực xảy ra giữa học sinh với nhau, gia đình, nhà trường cần có trách nhiệm giải quyết như thế nào và phản ứng ra sao mới là phù hợp, thưa ông?

- Nhà trường là tổ chức chuyên nghiệp, hoạt động theo những quy trình nhất định và có nhân sự được đào tạo chuyên môn để hỗ trợ trẻ em.

 

Các trường được Hội đồng các trường quốc tế (CIS) kiểm định đều phải tuân thủ tiêu chuẩn D1 với yêu cầu: “Trường học phải có đủ giáo viên và nhân sự hỗ trợ, đầy đủ về số lượng, bằng cấp, năng lực cũng như phẩm chất đạo đức để thực hiện chương trình giảng dạy, dịch vụ hỗ trợ, các hoạt động để đảm bảo hoàn thành sứ mệnh và mục tiêu của trường, cũng như đảm bảo sự bảo vệ, an toàn cho học sinh”.

Khi có sự cố, nhà trường cần thông báo với phụ huynh về vụ việc. Tuy nhiên, trước khi làm như vậy, trường cần điều tra bằng cách phỏng vấn độc lập ba đối tượng học sinh (học sinh nghi bị bắt nạt, học sinh nghi vấn bắt nạt bạn, các học sinh chứng kiến khác) cũng như kiểm tra bằng chứng, phỏng vấn nhân chứng.

 

Nếu trường đã có chính sách bảo vệ trẻ em hoặc chính sách phòng chống bắt nạt học đường, trong đó luôn bao gồm quy trình xử lý vụ việc theo mức độ nghiêm trọng khác nhau, được thực hiện bởi nhân sự chuyên nghiệp như thầy cô chủ nhiệm, giám thị, chuyên viên tư vấn học đường, ban giám hiệu.

 

Cha mẹ, dù nôn nóng muốn biết chuyện gì thực sự xảy ra, cũng cần cho trường đủ thời gian để thực hiện các bước cần thiết.

- Theo ông, trong việc giải quyết bạo lực học đường, những yếu tố nào cần được cân nhắc (như nhiều người có đề cập đến là thời gian) để hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đối với trẻ cũng như tác động xấu đến dư luận?

- Vừa phải xử lý vụ việc bạo lực học đường, vừa phải ứng phó với sức ép truyền thông là một gánh nặng quá lớn với trường học. Khi chúng ta không biết rõ quy trình xử lý của trường cũng như các bước trường đang làm, không thể kết luận vụ việc đang xử lý nhanh hay chậm.

 

Việc trước tiên trường đã làm thành công là chấm dứt vụ ẩu đả và các học sinh được tách nhau ra. Đó là bước làm đúng. Các xung đột tiếp theo xảy ra trong quá trình làm việc với phụ huynh là do khác biệt về quan điểm, không nằm ở bản thân vụ việc bạo lực trong trường.

Không thể bảo vệ đứa trẻ này bằng cách tấn công đứa trẻ khác

- Trong vụ việc xảy ra tại trường ISHCMC-AA, ông cảm thấy điểm nào đáng tiếc, điều mà lẽ ra phụ huynh, nhà trường đã có thể làm tốt hơn để sự việc không diễn biến theo chiều hướng nghiêm trọng?

- Để giải quyết vụ việc tương tự, nhà trường và gia đình cần có sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Các cấp độ hợp tác gồm cấp thấp nhất là hai bên thống nhất tuân thủ theo quy trình của trường đã ban hành; cấp thứ hai là lắng nghe, đồng cảm với khó khăn của phía bên kia; cấp thứ ba là ngỏ lời hỗ trợ phía bên kia để giải quyết tình huống.

 

Cha mẹ và trường học có thể khác nhau về quan điểm, nhưng có chung mục tiêu là bảo vệ đứa trẻ và chấm dứt bạo lực. Tuy nhiên, cả hai bên đều không thể bảo vệ đứa trẻ này bằng cách tấn công một đứa trẻ khác.

 

Sứ mệnh của trường học là bảo vệ tất cả học sinh và sự trừng phạt với đứa trẻ phạm lỗi (nếu có) phải đi liền với việc cảm hóa các em, hòa giải mối quan hệ giữa các học sinh mâu thuẫn. Trường học cần cha mẹ hỗ trợ để làm đúng vai trò hóa giải mâu thuẫn này chứ không phải chặt đứt cây cầu giữa các em.

- Ngoài ra, ông có chia sẻ gì thêm về bạo lực học đường và nạn bắt nạt trên mạng?

- Dù thế nào, bắt nạt học đường là vấn đề nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới tự tử ở thanh thiếu niên. Trải nghiệm tồi tệ từ bạo lực có thể tàn phá phần còn lại của cuộc đời đứa trẻ, ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như sự hình thành tính cách của trẻ.

Rất nhiều đứa trẻ tấn công hàng loạt vào trường học thực ra lại từng là nạn nhân của bắt nạt học đường, bị ức chế hoặc đầy ẩn ức mà không được giúp đỡ trước đó.

Tôi không ủng hộ việc coi nhẹ bắt nạt học đường theo cách nghĩ “chỉ là trẻ con đánh nhau, người lớn không nên can dự”. Bắt nạt học đường phải được xử lý dứt khoát nhưng cũng phải theo cách thức khoa học và nhân ái vì lợi ích của tất cả đứa trẻ liên quan.

Để làm được việc đó, cha mẹ và nhà trường là một “cặp đôi” không thể tách nhau. Không có hợp tác, chẳng ai “thắng” trong một vụ bắt nạt học đường. Những gì đã xảy ra không đẹp như trang sách, nhưng nó cho tất cả chúng ta bài học nghiêm khắc về giáo dục, giá trị, sự cần thiết phải học hỏi về bạo lực học đường nếu muốn giải quyết nó.

Bùi Khánh Nguyên là chuyên gia giáo dục độc lập với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi mảng trường quốc tế, trường song ngữ tại Việt Nam.

Ông làm công việc hỗ trợ cha mẹ tìm hiểu về trường quốc tế thông qua các bài viết và hội thảo chuyên sâu về các vấn đề của trường như chương trình học, bằng cấp quốc tế, kiểm định chất lượng. Ông từng là giáo viên tiếng Anh và lãnh đạo tại trường phổ thông.

Link nội dung: https://biztoday.vn/dung-coi-bao-luc-hoc-duong-la-chuyen-xich-mich-cua-tre-con-316833.html