Tín dụng tăng trưởng mạnh
Con số này cũng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn ngành, cho thấy những chuyển biến tích cực về nhu cầu vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Theo thông tin, hiện quy mô tín dụng trên địa bàn TP.HCM ước đạt 3.074.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2021 tín dụng tăng 4,76%; năm 2020 chỉ tăng 1,75% và giai đoạn trước khi có dịch Covid-19 năm 2019, tín dụng trên địa bàn cũng chỉ tăng 6,47%.
Tín dụng chảy mạnh vào các lĩnh vực như: xuất khẩu; chế biến lương thực thực phẩm; công nghiệp chế tạo; du lịch dịch vụ.
Song song đó, chính sách tiền tệ nhất là các chính sách tín dụng theo cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả trực tiếp cho khách hàng, doanh nghiệp. Điều này đã giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, mà còn phục hồi và tăng trưởng.
Đặc biệt, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là cao nhất với mức tăng trưởng cho vay trong 5 tháng lên tới 27,1%.
Sự tăng trưởng và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh được đánh giá là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay: "Kết quả tăng trưởng kinh tế, kết quả tăng trưởng của doanh nghiệp, ngân hàng trong 5 tháng đầu năm cùng với yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ là nền tảng để kinh tế phục hồi và tác động trở lại cho động lực tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong những tháng đầu năm với mức tăng trưởng cao, ấn tượng so với cùng kỳ này các năm trước",
Để tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả, thực hiện tốt giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM lưu ý các tổ chức tín dụng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp như tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát tốt nợ xấu và tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất.
Triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, cần khẩn trương triển khai thực hiện hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; đảm bảo phát huy hiệu quả gói tín dụng hỗ trợ này, đồng thời mở rộng và tăng trưởng tín dụng bền vững.
Trong đó tổ chức xây dựng quy trình nghiệp vụ; tập huấn và hướng dẫn thực hiện trong toàn hệ thống TCTD (chi nhánh, phòng giao dịch).
Mặt khác, thông tin, tư vấn, hướng dẫn khách hàng, doanh nghiệp để nắm bắt và tiếp cận kịp thời chính sách hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng thương mại (NHTW). Đảm bảo tổ chức thực hiện tốt và đưa chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả.
Cụ thể, các NHTM có hội sở chính trên địa bàn xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tịa Nghị định số 31 và Thông tư 03/2022/TT-NHNN để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, đảm bảo đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của NHNN.
Chương trình hỗ trợ lãi suất được thực hiện thông qua hệ thống NHTM trong 2 năm 2022-2023, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn, góp phần giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động và góp phần mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế sau Covid-19.
Đối tượng được Hỗ trợ lãi suất (HTLS) là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm.
Thứ nhất là các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.
Thứ hai là nhóm: Thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.
Theo lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), các NHTM cần nghiên cứu kỹ các ngành và tiểu ngành của các ngành nêu trên theo Quyết định 27 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai.
Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị có văn bản gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư (đối với nhóm ngành), Bộ Xây dựng (đối với nhóm nhà ở) để được giải đáp.
Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa NHTM và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
Với sự tăng tốc mạnh mẽ về nhu cầu tín dụng, dự kiến trong năm nay, nhiều ngân hàng sẽ phải xin thêm hạn ngạch tăng trưởng tín dụng để phục vụ cho sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Vấn đề chất lượng tín dụng cũng như nguồn vốn tín dụng tập trung vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh sẽ là điều mà cơ quan quản lý chú trọng trong thời gian này.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tin-dung-tp-ho-chi-minh-tang-gan-gap-doi-so-voi-nam-ngoai-317389.html