Hiện lãi suất cho cá nhân vay mua nhà được một số ngân hàng có vốn nhà nước áp dụng là 8 - 8,2%/năm, cố định trong thời gian đầu ưu đãi. Sau đó, sẽ áp dụng bằng lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 4 - 4,5%/năm, tương đương 9,5 - 10%/năm.
Trong khi đó, các ngân hàng cổ phần áp dụng mức lãi suất cao hơn và thời gian ưu đãi cũng ngắn hơn, chỉ từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu cố định 6 tháng lãi suất cho vay khoảng 8%, 12 tháng lên mức 9%/năm, thì sau đó, lãi suất dao động khoảng 11 - 12%/năm.
Chẳng hạn, MSB đang cho vay mua nhà với lãi suất 4,99%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu; PVcomBank áp dụng lãi suất cho vay mua nhà ở 5%/năm cho 6 tháng đầu; Sacombank và VIB có sản phẩm cho vay mua nhà ở với giá trị cấp tín dụng bằng 100% giá căn nhà, lãi suất 8,3-8,5%/năm cho 1 năm đầu...
Ngoài ra, Techcombank đang cho vay mua nhà trả góp với các gói ưu đãi lãi suất 6,49%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên; 7,49% /năm cố định trong 6 tháng đầu tiên; 7,99%/năm cố định trong 12 tháng đầu tiên; 8,49% /năm cố định trong 24 tháng đầu tiên. VietinBank áp dụng các mức lãi suất cho vay mua nhà trả góp 8,62%/năm cố định trong 24 tháng đầu; 9,50%/năm cố định trong 36 tháng đầu tiên.
Trước diễn biến trong nước và trên thế giới, các nhà phân tích nhận định, lãi suất huy động khó duy trì ở mức thấp. Đến cuối tháng 5/2022, lãi suất huy động của một số ngân hàng đã tăng 0,3-0,5%. Nguyên nhân khiến lãi suất cho vay mua nhà khó giảm, thậm chí còn gia tăng, theo lãnh đạo các nhà băng, là do chi phí đầu vào nhích dần theo lãi suất tiết kiệm và do cạn “room” tín dụng, nhất là đối với hạn mức cho vay bất động sản.
Các chuyên gia đánh giá, dư địa tăng trưởng tín dụng đang dần hạn hẹp, áp lực lạm phát đang lớn khi giá nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa đều tăng mạnh do ảnh hưởng của xung đột, dịch bệnh. Nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Cananda… đã tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát lên mức cao nhất mấy chục năm. Ở trong nước, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng trước áp lực của các yếu tố chi phí đẩy, dự báo lạm phát sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, nhu cầu vốn hiện nay rất lớn, nhu cầu tăng trưởng "room" tín dụng của các ngân hàng là có thực. Do đó, NHNN cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý.
Về phía cơ quan quản lý, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy vào tình hình thực tế. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã tính tới trường hợp nới "room" tăng trưởng tín dụng, khi tín dụng trong 5 tháng đầu năm đã tăng mạnh. Song, việc thực hiện còn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, và mục tiêu cụ thể tạo dư địa cho gói hỗ trợ lãi suất 2% trước mắt.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhieu-ngan-hang-tang-lai-suat-cho-vay-mua-nha-o-317839.html