Bán đất “vịt trời”
Giai đoạn 2019-2021 cơn ‘sốt đất’ tại tỉnh Lâm Đồng liên tục nở rộ, nhiều công ty tổ chức rao bán hàng loạt ‘dự án ma’ nhưng trên thực tế là phân lô bán nền cá nhân. Nhiều khách hàng không nắm thông tin đã ‘bỏ tiền’ vào trở thành ‘nấm mồ’ cho nhà đầu tư.
Hàng loạt khu đất phân lô bán nền được các sàn giao dịch bất động sản biến tướng thành ‘dự án ma’. Nổi cộm như sàn giao dịch bất động sản công ty TNHH TMDV BĐS Hưng Vượng (Hưng Vượng Real, có địa chỉ tại 367/9 Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) vẽ ‘dự án ma’ Đam B’ri Ecovill (xã Đam Bri, TP, Bảo Lộc, Lâm Đồng).
Mặc dù công ty quảng cáo là dự án nhưng trên thực tế đây chỉ là khu đất được các cá nhân đứng tên sau đó phân lô bán nền. Khách hàng có ký đặt cọc giữ chỗ và chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các cá nhân và bên phát triển dự án là công ty BĐS Hưng Vượng Real.
Tuy nhiên, sau 3 năm chờ đợi khách hàng không những không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù số tiền khách hàng đã chuyển cho công ty Hưng Vượng gần cả tỷ.
Sau thời gian chờ đợi, khách hàng ‘nản lòng’ muốn lấy lại tiền thế nhưng sau những lần ‘hứa hẹn’ của công ty Hưng Vượng khách hàng chỉ nhận lại được trái đắng. Giấy chứng nhận chả thấy đâu, tiền thì cũng đã chuyển vào tài khoản của công ty Hưng Vượng Real.
Theo đại diện khách hàng chia sẻ: ‘cuối năm 2019 tôi có ký thoả thuận về việc đặt cọc và chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc dự án Đamb’ri Ecovill do công ty Hựng Vượng Real làm đơn vị phát triển dự án. Công ty hứa hẹn năm 2020 sẽ có sổ sau khi thanh toán, tôi đã thánh toàn gần hết số tiền nhưng không thể nhận sổ. Cuối năm 2020 công ty Hưng Vượng tiếp tục có thông báo hứa 6 tháng sau sẽ công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu không thực hiện sẽ trả tiền lại và chấp nhận trả lãi phạt. Thế nhưng đến nay gần 3 năm tôi vẫn không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi ‘đòi’ lại tiền thì phía công ty Hưng Vượng Real cũng không chịu trả lại như cam kết. Vậy công ty Hưng Vượng Real có phải đang có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tôi hay không?’
Trách nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường ở đâu?
Ngày 26/4/2021, Văn phòng Đăng ký đất đai – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản số 376/VPĐKĐĐ giao Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, Thành phố Bảo Lộc kiểm tra, xác minh hiện trạng sử dụng đất (xây dựng nhà ở, sản xuất nông nghiệp, san gạt để làm đường giao thông), cung cấp các thông tin về nguồn gốc đất (số thửa, tờ bản đồ, tổng diện tích, người sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), tổng số thửa sau khi tách; chuyển mục đích từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất ở hay chưa? Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các nội dung khác có liên quan tại các khu vực có thông tin phản ánh (không phải là dự án nhưng rao bán dưới thông tin là dự án thương mại).
Theo đó, hơn 20 dự án ma được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng nêu đích danh như: Dự án Mê Linh Garden Hill, Xã Mê Linh (Công ty Cổ phần Maicon Việt Nam phân phối), Dự án The Tropicana Garden, Xã B’lá (Công ty Hải Phát Land làm chủ đầu tư), Dự án Farm Hill, DT725, Xã Lộc Ngãi (Công ty TNT Group làm chủ đầu tư), Dự án Gem Paradise, ngã 5, Xã Đạm B’ri (Công ty Red Star làm chủ đầu tư), Dự án La Melodie, Thôn 14, Xã Đạm B’ri (Công ty Cổ phần Quản lý và vận hành Thông Minh làm chủ đầu tư)... Trong danh sách này có cả khu đất được gọi là “Dự án Đạm B’ri Ecovill, Thôn 14, Xã Đạm B’ri (Công ty Hưng Vượng Real làm chủ đầu tư)”.
Việc kiểm tra, xác minh hơn 20 dự án ma này nhằm mục đích chủ động thông tin theo phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc thực hiện các dự án bất động sản, hiến đất làm đường, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, gây biến dạng cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, không thấy động thái công bố thông tin cụ thể của Văn phòng Đăng ký đất đai – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người dân khi giao dịch ở những dự án ma, vướng mắc pháp lý, kéo theo tranh chấp, gây mất an ninh trật tự.
Quay lại dự án ma Đạm B’ri Ecovill, Công ty Hưng Vượng Real đã chủ động “gài bẫy” bằng điều khoản “bảo mật” trong hợp đồng với khách hàng nhằm hạn chế khách hàng cung cấp thông tin cho báo chí, khi xảy ra tranh chấp. Hưng Vượng Real sẽ làm gì để tránh xảy ra sự cố như kiểu địa ốc Alibaba? Công ty này phản hồi thế nào về vụ việc bán đất không ra sổ? Reatimes sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo.
Dấu hiệu bao che sai phạm, lợi ích nhóm ở Lâm Đồng
Ngày 2/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng vừa ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí, theo đúng quy định.
Văn bản cũng lưu ý, việc cung cấp thông tin phải căn cứ theo tôn chỉ mục đích, đảm bảo quyền được thông tin của cơ quan báo chí, đảm bảo các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, kiên quyết không thực hiện hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi.
Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh Lâm Đồng đang là điểm nóng về việc phân lô bán nền, phá nát cảnh quan, đặc biệt là ở huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và huyện Lâm Hà. Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về việc này, nhưng không công bố chỉ đạo cụ thể để xác minh các “dự án” phân lô quy mô lớn trên địa bàn tỉnh này có làm trái Nghị định 76/2015 hay không. Trước đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào thanh tra nhưng hơn 1 năm qua vẫn chưa công bố kết luận.
Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đã rõ, nhưng câu chuyện thực thi ở chính quyền cấp dưới lại theo kiểu “trên bảo dưới không nghe”. Cụ thể, ngày 1/11/2021, Reatimes đã gửi công văn (lần 2) đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về các khu đất được gắn mác dự án Mê Linh Garden Hill (huyện Lâm Hà), The Tropicana Garden (huyện Bảo Lâm), Farm Hill (huyện Bảo Lâm), La Melodie (thành phố Bảo Lộc), nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi. Nếu tính thời gian Reatimes gửi công văn lần 1 đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà, ngày 12/5/2020, thì đến nay đã hơn 2 năm trôi qua nhưng thông tin vẫn bị bưng bít.
Lý do gì khiến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà bưng bít thông tin các dự án ma nói trên? Phải chăng ở đây có vấn đề “khó nói” liên quan đến “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ”, như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã thừa nhận?
Link nội dung: https://biztoday.vn/lam-dong-ban-dat-khong-ra-so-do-coi-chung-lua-dao-kieu-dia-oc-alibaba-318009.html