Lệnh cấm vận vô hiệu trước 'cỗ máy kiếm tiền' Nga, Anh, EU liên kết 'xuất chiêu độc' như từng làm với Iran

Lệnh cấm vận dầu mỏ của EU đã không thể ngăn cản Nga bán dầu cho những khách hàng mới, vì vậy nó đã không thể 'đóng cửa cỗ máy kiếm tiền của Tổng thống Putin', đó là lý do có thêm đòn giáng mạnh nhất đối với nỗ lực tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, các nhà phân tích mô tả.

Xung đột Nga-Ukraine đã kéo qua ngày thứ 100, nhưng lệnh trừng phạt của phương Tây dường như vẫn vô hiệu trước 'cỗ máy kiếm tiền' của Nga, Anh, EU liên kết 'xuất chiêu độc' như từng làm với Iran. (Nguồn: Getty Images)

Châu Âu và Anh sẽ liên kết cấm các tàu vận chuyển dầu của Nga mua bảo hiểm - một đòn giáng mạnh nhất, chưa từng có đối với "cỗ máy kiếm tiền của Tổng thống Putin", một báo cáo vừa cho biết. Động thái mới diễn ra sau khi EU cam kết cấm nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga, cắt giảm 90% nguồn cung vào cuối năm nay.

Theo các nhà phân tích, đây là một lệnh trừng phạt tương tự như từng áp dụng đối với Iran vào năm 2012 và nó đã trở thành "biện pháp hiệu quả nhất" được thực hiện để chống lại nước này.

Theo thỏa thuận này, các tàu chở dầu của Nga sẽ không thể mua bảo hiểm tại Thị trường Bảo hiểm Lloyd's tại London (Anh), Financial Times dẫn lời các quan chức Anh và châu Âu. Tờ Wall Street Journal đưa tin, lệnh cấm bảo hiểm sẽ được đưa ra trong thời gian 6 tháng.

Hiện Ủy ban châu Âu từ chối bình luận và chính phủ Anh cũng chưa có động thái gì khi được yêu cầu bình luận về thông tin trên.

Lloyd's là một trung tâm toàn cầu về bảo hiểm vận chuyển. Các nhà phân tích cho răng, động thái này có thể khá hiệu quả, khiến việc vận chuyển và bán dầu của Nga giảm mạnh. Bảo hiểm là một yếu tố rất quan trọng đối với các chuyến tàu vận chuyển quốc tế, vì giá trị to lớn của các chuyến hàng dầu mỏ.

EU cũng đã từng cấm bảo hiểm đối với dầu của Iran như một phần của vòng trừng phạt cách đây hơn một thập kỷ, "chiêu độc" này đã góp phần khiến người mua tránh xa hoạt động xuất khẩu của Tehran.

Chuyên gia Sassan Ghahramani thuộc Công ty Tư vấn SGH Macro Advisers cho biết: “Lệnh cấm của phương Tây đối với việc bảo đảm an toàn cho các tàu chở dầu của Iran có lẽ là biện pháp hiệu quả nhất trong việc loại bỏ một phần đáng kể lượng dầu xuất khẩu bí mật của Cộng hòa Hồi giáo ra khỏi thị trường”.

Đây là một phần trong vòng trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga, kể từ khi lực lượng quân sự của Tổng thống Vladimir Putin tiến vào Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Theo đó, khối 27 thành viên đã nhất trí về lệnh cấm sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022. Nhưng theo nhận định của một nhà kinh tế hàng đầu, lệnh cấm bảo hiểm là một vũ khí mạnh hơn.

EU dường như khá "bất lực" khi lệnh cấm vận dầu mỏ khắc nghiệt nhất vẫn không ngăn cản Nga vận chuyển dầu đi nơi khác, vì vậy nó không thể đóng cửa cỗ máy kiếm tiền của Putin ", Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính quốc tế nhận định. Theo đó, "chỉ có các lệnh trừng phạt về bảo hiểm hàng hải, hoặc lệnh cấm của EU đối với các tàu chở dầu của Hy Lạp ra khỏi Nga, mới làm được điều đó".

Tuy nhiên, các động thái này có khả năng gây thêm áp lực lên thị trường dầu mỏ và gia tăng nỗi đau kinh tế cho các nền kinh tế phương Tây vốn đang phải vật lộn với lạm phát quá mạnh.

Dầu thô Brent đã tăng khoảng 50% kể từ đầu năm nay, chủ yếu là do cuộc xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt. Giá dầu đã lên tới 125 USD/thùng vào thứ Ba (ngày 31/5) sau khi EU thông báo lệnh cấm nhập khẩu, sau đó có hạ nhiệt đôi chút, giao dịch ở khoảng 117 USD/thùng.

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai, theo số liệu của IEA. Bất chấp các biện pháp trừng phạt cứng rắn đã được áp dụng, Tổng thống Putin vẫn có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, nhờ giá năng lượng tăng mạnh, khiến doanh thu từ xuất khẩu dầu khí tăng vọt.

Lloyd's không trực tiếp bình luận về các báo cáo, nhưng trong một tuyên bố, một người phát ngôn cho biết: "Lloyd's ủng hộ việc đưa ra một biện pháp trừng phạt toàn cầu chống lại Nga".

Link nội dung: https://biztoday.vn/lenh-cam-van-vo-hieu-truoc-co-may-kiem-tien-nga-anh-eu-lien-ket-xuat-chieu-doc-nhu-tung-lam-voi-iran-318462.html