Cần thanh kiểm tra làm rõ việc thực hiện dự án của Công ty Bình Thuận!

Năm 2018, Báo Thanh tra đã có bài viết về vụ việc hi hữu xảy ra tại quận 7, TP Hồ Chí Minh khi bản án hành chính có hiệu lực pháp luật 8 năm không được chính quyền sở tại thi hành.

 

Hiện trạng khu đất. Ảnh: PV

Bài viết đề cập đến dự án của Cty TNHH Vận tải Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1115/QĐ-TTg ngày 22/8/2001 cho thuê đất để xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện xăng dầu.

Năm 2007, UBND quận 7 ký Quyết định hỗ trợ thiệt hại về đất, hoa màu, vật kiến trúc cho hộ ông Trần Văn Thân.

Năm 2008, UBND quận 7 ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành và giao đất cho Công ty Bình Thuận.

Không đồng ý với quyết định của UBND quận 7, ông Thân khởi kiện.

Năm 2009, Tòa án nhân dân (TAND) quận 7 xét xử sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Thân, giữ nguyên Quyết định của UBND quận 7.

Ngày 12/4/2010, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm và ban hành Bản án số 422/2010/HC-PT chỉ rõ hàng loạt sai phạm của UBND quận 7 như: Không thống kê và không thực hiện việc kiểm kê để xác định diện tích đất hộ ông Thân đang sử dụng thực tế mà áp đặt hộ ông Thân sử dụng diện tích 450m2 để từ đó chỉ tính hỗ trợ chứ không bồi thường là không phù hợp quy định pháp luật.

Ngoài ra, còn có 4 ngôi nhà của các hộ khác, nhưng UBND quận 7 lại tính chung số tiền đền bù của 4 hộ giao cho hộ ông Thân là sai pháp luật.

Tại bản án phúc thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thân, đồng thời hủy Quyết định số 175/QÐ-UBND.  

Chủ tịch UBND quận 7 lấy lý do phải xin ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và có văn bản đề nghị TAND Tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm Bản án số 422/2010/HC-PT.

TAND Tối cao có văn bản trả lời UBND quận 7 với nội dung: Hộ ông Thân có quá trình sử dụng nhà đất liên tục, ổn định nên đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ về nhà đất. Dự án của Cty TNHH Vận tải Bình Thuận được thuê đất để xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện xăng dầu là nhằm mục đích kinh doanh, không phải vì mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Trong trường hợp này phải có sự thỏa thuận giữa Cty TNHH Vận tải Bình Thuận và hộ ông Thân. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị Bản án phúc thẩm số 422/2010/HC-PT theo đề nghị của UBND quận 7.

Tuy vậy, suốt 12 năm liên tiếp ông Thân làm đơn gửi khắp nơi nhưng UBND quận 7 vẫn không thi hành bản án có hiệu lực pháp luật. Điều đáng nói hơn là dự án cho Công ty TNHH vận tải Bình Thuận thuê đất để xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện xăng dầu là nhằm mục đích kinh doanh cũng không thấy hình hài. Toàn bộ diện tích đất được cho thuê lại làm nơi gửi xe, rửa xe, kinh doanh cửa cuốn… bao gồm cả diện tích 2.800m2 của gia đình ông Thân, diện tích đã có bản án có hiệu lực pháp luật chỉ rõ việc thu hồi là trái pháp luật.

Hơn chục năm qua,  dự án của Cty TNHH Vận tải Bình Thuận vẫn được làm kiểu nửa vời

Dự án của Công ty Bình Thuận có phải là siêu dự án “treo”? Vì sao dự án này được “treo” lâu như vậy mà không bị thu hồi? Ai được hưởng lợi khi diện tích đất không nhỏ giữa khu dân cư này bị thu hồi làm dự án kiểu nửa vời này?

Khu đất giao cho Công ty Bình Thuận thuê đất trước đây là khu nhà ở của 20 hộ dân đang sinh sống ổn định. UBND quận 7 cho rằng khu đất này là đất công nên không thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ. 19 hộ đã phải dọn đi, duy nhất gia đình ông Trần Văn Thân với 4 hộ tách riêng biệt có hộ khẩu riêng, nhà ở riêng trên diện tích đất hơn 2.800 m2 vẫn kiên trì ở lại.

Bản án phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh và Công văn của TAND Tối cao trả lời đơn xin kháng nghị giám đốc thẩm của UBND quận 7 đã xác định: Đất bị thu hồi không phải đất công, đủ điều kiện được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; dự án của Công ty Bình Thuận nhằm mục đích kinh doanh, phải có sự thỏa thuận giữa Cty TNHH Vận tải Bình Thuận và hộ ông Thân…

Hiện nay, theo giá thị trường tự do mỗi mét vuông đất ở khu vực này có giá không dưới 100 triệu đồng. Công ty Bình Thuận của một "đại gia xăng dầu" có tiếng ở quận 7 được giao đất với mục đích “xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu” nhưng 12 năm qua không triển khai dự án? Trong khi đây là khu vực dân cư hiện hữu và xây dựng mới nên về quy hoạch, cơ sở sửa chữa liên quan đến chất dễ cháy, độc hại như xăng dầu có lẽ cũng không thể đặt tại đây. Có hay không động tác “làm xiếc” để tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực này?

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Công ty Bình Thuận đã dừng việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động trên địa bàn quận 7.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cần khẩn trương thanh kiểm tra làm rõ khả năng thực hiện dự án của Công ty Bình Thuận. Nếu tiếp tục cho thuê đất phải xem xét dự án của doanh nghiệp thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất theo Điều 61, Điều 62 Luật Ðất đai năm 2013 hay doanh nghiệp tự thỏa thuận theo Điều 73 Luật Ðất đai năm 2013. Nếu thu hồi đất mà doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả, vi phạm Điều 64 Luật Ðất đai 2013 thì hoàn trả quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo nguyên trạng như khi chưa bị cưỡng chế thu hồi.

Ai sẽ thanh, kiểm tra để làm rõ sự thật đã công khai và kéo dài nhiều năm này? Chuyện xây cái chuồng gà trái phép còn bị phạt nói gì đến chuyện hơn 2.800 m2 đất được tòa án bảo vệ, người dân kêu cứu suốt 12 năm trời, rất nhiều đơn thư các cơ quan, ban ngành chuyển đến UBND quận 7. Thậm chí, câu chuyện đã thu hút sự chú ý của công luận trong thời gian dài và cả nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Cách Mạng đã có buổi làm việc và công khai xin lỗi gia đình ông Thân và hứa sẽ giải quyết rốt ráo nhưng vẫn bị làm ngơ? Có gì khuất tất từ phía UBND quận 7?

Câu hỏi này chúng tôi tiếp tục gửi về lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và đề nghị làm rõ, đảm bảo quyền lợi của người dân và sự nghiêm minh của pháp luật./.

Link nội dung: https://biztoday.vn/can-thanh-kiem-tra-lam-ro-viec-thuc-hien-du-an-cua-cong-ty-binh-thuan-318566.html