Mặc dù là đặc sản ngon rẻ của Singapore, món cơm gà đang đối mặt với việc giá cả leo thang và thiếu nguồn nguyên liệu do Malaysia hạn chế xuất khẩu thịt gà này.
"Cơm gà luôn là món ăn đầu bảng trong danh sách yêu thích của tôi. Nó rất dễ ăn và phổ biến", Rachel Chong nói. Một đơn đặt món tiêu chuẩn ở Ah Keat Chicken Rice, quán ruột của Rachel, có giá 2,9 USD.
Đối với nhiều người Singapore, một đĩa cơm gà luộc hoặc gà quay thơm ngon luôn là lựa chọn hàng đầu. Thậm chí họ còn coi đây là món ăn quốc gia của Singapore. Một chủ quầy bán cơm nói rằng: "Singapore không thể không thiếu cơm gà trứ danh. Điều này giống như đến New York mà không có pizza vậy".
Ở khắp nơi trên Singapore đều có các quầy bán cơm gà nổi tiếng. Ảnh: BBC.
Nhưng loại đặc sản giá rẻ này đang dần biến mất và đắt hơn, bởi vì thịt gà - nguyên liệu chính, đã bị hạn chế xuất khẩu.
Khi giá cả trên thế giới ngày càng tăng, một số quốc gia châu Á đã phải cấm hoặc hạn chế xuất khẩu các loại thực phẩm chính, để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Mới đây Malaysia đã cắt giảm lượng gà xuất khẩu. Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu lúa mì và hạn chế đường ra nước ngoài, còn Indonesia ngưng xuất khẩu dầu cọ để kiểm soát giá dầu ăn trong nước.
Động thái này đã khiến các quốc gia phụ thuộc vào nguồn thực phẩm nhập khẩu lao đao vì sẽ khiến chi phí các mặt hàng thiết yếu tăng lên. Với Singapore, một nước nhập khẩu 90% thực phẩm thì điều này rất đáng lo ngại.
Sự hạn chế của Malaysia đã dẫn đến tình trạng thực khách xếp hàng tại các quán cơm gà ở nhiều khu phố ẩm thực ở Singapore.
"Lần này là thịt gà và lần sau có thể là thứ khác. Chúng ta phải chuẩn bị cho việc này", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo.
Người bán xoay sở
Thông thường gia cầm trong món cơm gà được xuất khẩu sống từ Malaysia sang Singapore, sau đó được giết mổ, nấu chín và phục vụ. Hiện nay, điều này không còn khả thi khi Malaysia hạn chế xuất khẩu gà và chính phủ nước này sẽ duy trì lệnh cho đến khi giá cả và sản xuất trong nước ổn định.
Lim Wei Keat, chủ quán của Ah Keat Chicken Rice, cho biết ông không muốn tăng giá dù cho nhà cung cấp gà Malaysia đã tăng phí thêm khoảng 20% từ đầu năm. Nguyên nhân là xung đột ở Ukraine khiến chi phí nhiên liệu và thức ăn tăng cao.
Ông Lim nói: “Chúng tôi không muốn tăng giá cơm gà của mình vì sợ mất khách. Điều chúng tôi hy vọng là có thể chịu được mức giá này trong khoảng 1 tháng nữa. Trong trường hợp xấu, chúng tôi buộc phải tăng giá thêm 0,36 USD/đĩa".
Ông cũng quan ngại rằng quán sẽ thiếu nguồn thịt gà trong thời gian sắp tới.
Để bù đắp sự thiếu hụt này, có thể ông sẽ sử dụng thịt đông lạnh thay thế, nhưng loại nguyên liệu này không được lòng nhiều khách hàng.
Ông Hamid bin Buang sẽ nghỉ bán thịt gà cho đến khi các hạn chế được gỡ bỏ. Ảnh: BBC.
Về phía người bán thịt, họ càng có ít lựa chọn hơn. Hamid bin Buang đã bán gà tại một trong những chợ ẩm thực lớn của thành phố trong nhiều năm qua.
Gần đây, ông có nhiều khách hàng tới mua thịt nhưng ông lại có kế hoạch nghỉ bán cho đến khi Malaysia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, hơn nữa ông cũng không chắc bao giờ có thể bổ sung hàng dự trữ.
"Giờ thì ai cũng lo. Ai cũng khó khăn khi không có thịt gà", ông nói.
Giá sẽ tiếp tục tăng
Paul Teng, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cho biết khi các quốc gia hạn chế xuất khẩu, chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng từ nhà sản xuất, nhà bán lẻ và khách hàng.
"Một số nhà sản xuất lo lắng cho hoạt động trong tương lai. Nếu là người bán lẻ, nếu tăng giá, khách hàng sẽ không mua hàng của bạn", ông Teng nói.
Ông dự đoán rằng lạm phát, tức là giá lương thực và các nhu yếu phẩm khác tăng, sẽ tiếp tục do xung đột Ukraine.
Đó là một phần lý do tại sao thịt gà, loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở các nước như Singapore và Anh ngày càng đắt đỏ.
Ấn Độ là nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu mặt hàng này trên toàn cầu. Nước này đã cấm xuất khẩu lúa mì và giới hạn lượng đường xuất khẩu ở mức 10 triệu tấn.
David Laborde, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington, cho biết: “Nhiều nền kinh tế nhỏ hơn đang suy nghĩ nếu Ấn Độ làm điều đó, thì họ cũng vậy".
Trong khi đó, giá dầu cọ đã tăng mạnh trong năm nay khi Indonesia, nhà sản xuất nguyên liệu hàng đầu thế giới, đã ngừng xuất khẩu trong ba tuần để làm giảm giá dầu ăn trong nước.
Ông Laborde cũng cảnh báo về tác động nghiêm trọng của việc hạn chế xuất khẩu đối với người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Ông nói: "Trong khi thực phẩm vẫn như thế nhưng lại đắt hơn thì người nghèo chính là nạn nhân đầu tiên. Thậm chí họ sẽ phải cắt giảm mức chi tiêu cho y tế hoặc giáo dục".
Link nội dung: https://biztoday.vn/khong-chi-nganh-com-ga-singapore-khung-hoang-vi-gia-ca-319539.html