Giày Thượng Đình (GTD) vướng "lời nguyền" cổ phần hóa hay bi kịch từ "đất vàng" Nguyễn Trãi?

Hàng chục năm trước, Giày Thượng Đình (Mã: GTD) từng “vang bóng một thời”, được người tiêu dùng Việt ưa thích lựa chọn. Tuy nhiên, kể từ khi cổ phần hoá, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lại liên tục giảm sút.

2911-giay
Giày Thượng Đình (Mã: GTD) từng “vang bóng một thời”.

Kết quả kinh doanh lao dốc, cổ phiếu trên thị trường bị "ngó lơ"

Mới đây, Giày Thượng Đình công bố báo cáo tài chính năm 2021 với doanh thu đạt 108,7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn... 4 triệu đồng. Mặc dù vậy, mức lỗ cũng ghi nhận giảm gần 17,7 lần so với năm 2020, đồng thời ghi nhận năm thứ 5 liên tiếp, Giày Thượng Đình có kết quả kinh doanh thua lỗ.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, lỗ luỹ kế của Giày Thượng Đình lên tới 49,4 tỷ; bằng hơn một nửa vốn điều lệ (93 tỷ). Không chỉ vậy, nợ phải trả của doanh nghiệp gần như “bất động” với gần 65 tỷ đồng. Số dư nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn. Điều này cho thấy sự mất cân đối về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty, từ đó ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục của công ty trong tương lai.

Kết quả kinh doanh rơi vào “vùng tối”, trên sàn chứng khoán, hầu hết cổ phiếu của Giày Thượng Đình cũng không nhận được sự quan tâm từ phía nhà đầu tư. Tình trạng mất thanh khoản, thị giá đi ngang là điều dễ dàng nhìn thấy.

Cuối năm 2016, cổ phiếu GTD lên sàn UPCoM với giá 44.000 đồng/cp. Sau hơn 10 tháng giao dịch, thị giá cổ phiếu này chỉ còn 12.100 đồng/cp, tương đương mất hơn 70% giá trị. Đáng chú ý, quá trình lao đốc của cổ phiếu GTD diễn ra chỉ bằng 3 phiên giao dịch. Trong đó, mỗi phiên khớp lệnh chỉ diễn ra khi thị giá cổ phiếu giảm hơn 30% so với tham chiếu. Thời gian còn lại, cổ phiếu này gần như không có thanh khoản.

3150-gdt
Diễn biến giá cổ phiếu GTD thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Theo ý kiến của một số nhà đầu tư, trừ khi những doanh nghiệp này có bước phát triển đột phá, hoặc trở thành đích đến của một thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A), nếu không khó có thể nhận được sự thu hút của dòng tiền.

Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp truyền thống trước khi lên sàn đều giữ quy mô vốn rất khiêm tốn với cơ cấu cổ đông "cô đặc", chủ yếu là cán bộ công nhân viên. Những cổ đông này thường không có xu hướng giao dịch cổ phiếu thường xuyên, mà chỉ nắm giữ để hưởng cổ tức.

Cũng chính vì mục đích các cổ đông nắm giữ cổ phiếu không vì hưởng lợi từ chênh lệch giá dẫn đến tình trạng không có nguồn cung, nên dù diễn biến thị giá cổ phiếu có tăng mạnh hay giảm mạnh cũng không được chú ý.

Hơn nữa, thay vì mục đích thực sự sử dụng kênh chứng khoán để huy động vốn dài hạn, thì những doanh nghiệp này lên sàn phần nhiều là do bị "bắt buộc" khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nâng quy định xử phạt với những doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không lên sàn.

Bi kịch từ "đất vàng" Nguyễn Trãi?

Theo doanhnghiepvatiepthi.vn, Giày Thượng Đình là một doanh nghiệp nhà nước thành lập năm 1957 có nhiệm vụ sản xuất mũ cứng và giầy vải cung cấp cho quân đội. Năm 2015, công ty cổ phần hoá và chuyển sang thành CTCP vào năm 2016. Uỷ ban Nhân dân TP.Hà Nội hiện vẫn đang nắm giữ 68,67% công ty. Từ thời điểm cổ phần hoá đến nay công ty không tăng vốn điều lệ.

Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020, UBND TP. Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 28 doanh nghiệp, hạn chót đến hết năm 2020. Theo đó, Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội buộc phải thoái toàn bộ 68,67% vốn tại CTCP Giày Thượng Đình trước ngày 31/12/2020. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất.

Trải qua hơn 60 năm, Giày Thượng Đình hiện nay có thị trường xuất khẩu sang các nước EU, châu Úc và một số nước châu Á. Tuy nhiên, việc cạnh tranh tại thị trường nội địa ngày càng gay gắt, Giày Thượng Đình bị lép vế hoàn toàn trước sức ép của giày nhập khẩu như Nike, Adidas hay doanh nghiệp khác trong nước như Bitis. Bản thân Bitis trong 5 năm trở lại đây thay đổi mẫu mã nên chinh phục được khách hàng trẻ trong khi mẫu mã của Giày Thượng Đình gần như không thay đổi nhiều.

Chỗ dựa duy nhất của Giày Thượng Đình hiện nay có lẽ chỉ nhờ vào "quỹ đất vàng" của công ty, nằm tại những vị trí đắc địa nhất của Hà Nội như sở hữu khu đất có diện tích 36.105 m2 - số 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội; khu đất 17.587 m2 tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam; khu đất 18.403 m2 tại khu công nghiệp Đồng Văn, xã Duy Minh, Hà Nam (có thời hạn thuê đến 2054)… cùng với đó là các khu đất thuê tại phố trung tâm Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội và Hạ Đình, Thanh Xuân.

Công ty cho biết việc sản xuất kinh doanh ở 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội không hiệu quả, kém lợi thế. Chi phí bình quân bị tăng do chi phí cố định như khấu hao, thuê đất… hầu như không thay đổi trong khi sản lượng giảm sút, từ đó dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ vốn trong năm 2020.

Công ty cho biết, thông tin di dời nhà máy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của công ty: Khách hàng dừng kế hoạch hợp tác sản xuất, dừng phát triển mẫu, dừng đặt hàng, người lao động không yên tâm làm việc. Công ty mong UBND TP. Hà Nội phê duyệt ngay phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất cho công ty để công ty thoái vốn theo quy định, di dời cơ sở sản xuất xuống nhà máy tại Khu công nghiệp Đồng Văn – Hà Nam để công ty có điều kiện tái cơ cấu.

 

 

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/giay-thuong-dinh-gtd-vuong-loi-nguyen-co-phan-hoa-hay-bi-kich-tu-dat-vang-nguyen-trai-319880.html