Ai chịu trách nhiệm bồi thường vụ cháy bãi giữ xe vi phạm tại TP.HCM?

Theo luật sư, cần xác định yếu tố lỗi trong vụ việc, từ đó làm rõ trách nhiệm bồi thường của các bên. Nếu vụ cháy do sự kiện bất khả kháng, phía giữ xe sẽ không phải bồi thường.

Chiều 6/6, lửa phát ra từ bãi giữ xe vi phạm, tang vật của CSGT TP.HCM ở TP Thủ Đức. Sự việc khiến khoảng 300 xe máy và 4 ôtô bị thiêu rụi, cột thép, mái tôn nhà kho bị biến dạng, võng xuống.

Trong vụ việc này, ai có thể phải chịu trách nhiệm với số phương tiện bị thiêu rụi?

Hiện trường tan hoang sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: T.P.

Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình

Khoản 64, Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và khoản 2, Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc tịch thu. Trường hợp những tài sản này bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 349 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên cầm giữ tài sản có các nghĩa vụ Giữ gìn, bảo quản tài sản; Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ; Không được chuyển giao, sử dụng tài sản nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ; Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện và Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.

Như vậy, trường hợp công an hoặc người đang trực tiếp bảo quản xe của người vi phạm làm cháy nổ, hư hỏng thì công an hoặc người đang trực tiếp bảo quản tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khoản 2, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: "Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn do bên thiệt hại”.

Như vậy, cơ quan chức năng cần điều tra, xác định yếu tố lỗi và đưa ra kết luận nguyên nhân vụ cháy. Trường hợp nguyên nhân xác định hoàn toàn do lỗi của chủ xe hoặc sự kiến bất khả kháng, phía công an sẽ không phải bồi thường. Ngược lại, nếu công an hoặc những người trông giữ có lỗi dẫn tới thiệt hại, họ sẽ phải bồi thường cho các chủ phương tiện.

Về nguyên tắc, khi xảy ra thiệt hại thì thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức và thời gian bồi thường. Trường hợp không thể thỏa thuận được về việc bồi thường, chủ phương tiện có thể làm các thủ tục khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp nếu xe vi phạm có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, thì công ty bảo hiểm là đơn vị bồi thường thiệt hại. Khi đó việc bồi thường không quy về trách nhiệm người quản lý (công an quản lý trong trường hợp này).

Link nội dung: https://biztoday.vn/ai-chiu-trach-nhiem-boi-thuong-vu-chay-bai-giu-xe-vi-pham-tai-tphcm-320255.html