Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm hơn 269 điểm, tương đương giảm 0,8%, còn 32.910,9 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt gần 1,1%, còn 4.115,77 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 0,7%, còn 12.086,27 điểm.
Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Credit Suisse giảm 1% sau khi ngân hàng Thuỵ Sỹ này đưa ra cảnh báo xấu về lợi nhuận quý 2, trên cơ sở chính sách tiền tệ thắt chặt và chiến tranh ở Ukraine. Cổ phiếu Intel giảm hơn 5% sau khi hãng chip hàng đầu thế giới cảnh báo về sự suy yêu của nhu cầu chip.
Công cụ theo dõi tăng trưởng kinh tế GDPNow của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Atlanta cho thấy nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chỉ 0,9% trong quý 2, so với mức tăng trưởng 1,3% ghi nhận trong tuần trước. Nhu cầu vay thế chấp nhà tại Mỹ trong tuần trước giảm xuống mức thấp nhất 22 năm – theo Hiệp hội Các ngân hàng cho vay thế chấp nhà (MBA).
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của ngân hàng Đức Deutsche Bank, ông Matthew Luzzetti, người từng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trước cuối năm 2023, có một báo cáo nhận định nguy cơ suy thoái có khả năng sẽ tăng lên trong những tháng sắp tới.
“Kết luận chính của chúng tôi là khả năng suy thoái trong thời gian tới có thể tăng lên nhiều vào cuối năm nay, khi các điều kiện tài chính thắt chặt”, ông Luzzetti viết.
Cố vấn kinh tế trưởng Mohamed El-Erian của Allianz nói với hãng tin CNBC rằng cùng với việc Fed thắt chặt các điều kiện tài chính, mối lo về tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng lớn hơn lên giá cổ phiếu.
“Thị trường đang đón nhận những thông tin này với một thái độ bình tĩnh hơn lẽ ra cần phải có. Nhưng nếu tôi đã đầu tư hết, tôi sẽ bán bớt vào lúc này. Tôi sẽ đợi cho tới khi giá trị được tạo ra”, ông El-Erian nói.
Diễn biến thị trường trái phiếu khiến tâm trạng nhà đầu tư thêm phần bất an trong phiên này, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 3%. Nhờ giá dầu tăng, năng lượng trở thành nhóm cổ phiếu “điểm sáng” trên thị trường, đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.
Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Nhiều người tin rằng báo cáo này sẽ là căn cứ quan trọng để Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ và xác định xem liệu ngân hàng trung ương này có tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong những tháng tới.
“Chúng tôi tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về một sự tạm dừng trong chu kỳ tăng lãi suất. Dữ liệu nóng về tiêu dùng có thể xoa dịu một phần nỗi lo về tăng trưởng, nhưng đồng thời cũng củng cố mối lo rằng Fed cần thắt chặt quyết liệt hơn để kéo nhu cầu xuống”, chiến lược gia Scott Wren của Wells Fargo nhận định. “Sự tăng điểm của thị trường chứng khoán ở thời điểm này, nếu có, sẽ đối mặt với nhiều trở ngại và khó bền vững cho tới khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Fed thành công trong việc kiểm soát lạm phát”.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,77 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, chốt ở 123,34 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,7 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, đóng cửa ở 122,11 USD/thùng.
Đây là mức giá cao nhất của cả 2 loại dầu trong 13 tuần, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xăng mạnh ở Mỹ tiếp tục đẩy giá bán lẻ xăng ở nước này lập kỷ lục mới. Nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc cũng được dự báo tăng khi phong toả được gỡ, trong khi nguồn cung dầu tại một số nơi bị gián đoạn.
Dữ liệu từ AAA cho thấy giá bán lẻ xăng không chì bình quân toàn quốc ở Mỹ lập kỷ lục 4,955 USD/gallon trong ngày 8/6.
“Giá dầu đang tăng, nhờ được hỗ trợ bởi kỳ vọng Trung Quốc nới hạn chế chống Covid dẫn tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng trong mùa hè này”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS phát biểu.
Về nguồn cung, giới giao dịch nói rằng một số quốc gia có thể gặp trở ngại trong việc tăng sản lượng khai thác dầu. Tại Na Uy, công nhân ngành dầu lửa đang có kế hoạch đình công từ ngày 12/6 để đòi tăng lương. Trong khi đó, nỗ lực tăng sản lượng của liên minh OPEC+ “không mấy khả quan” - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Suhail al-Mazrouei của Các tiểu cương quốc Arab thống nhất (UAE) nhận định, lưu ý rằng sản lượng khai thác dầu của nhóm này đang thấp hơn 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu.
Trong một báo cáo mới, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trong mùa đông tới.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-khoan-my-tut-diem-gia-dau-len-dinh-13-tuan-321346.html