Khách sạn Shangri-La (Singapore), nơi diễn ra Đối thoại cùng tên ngày 10-12/6. (Nguồn: CNA)
Ngày 10/6, Đối thoại Shangri-La chính thức diễn ra tại Khách sạn Shangri-La (Singapore) sau hai năm gián đoạn, với sự góp mặt của 500 đại biểu.
Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến chuyển nhanh, phức tạp và khó lường chưa từng có.
Đặc biệt, từ năm 2019 tới nay, nhiều nước dự Đối thoại Shangri-La đã có thay đổi ở cấp lãnh đạo cao nhất như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia…
Với nghị trình hiện tại, có thể thấy sự kiện này có hai điểm nhấn đang được dư luận chú ý.
Phát biểu quan trọng
Trước hết, đó là bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Chánh Văn phòng Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, ông Kishida sẽ trở thành lãnh đạo đầu tiên của đất nước mặt trời mọc dự Đối thoại Shangri-La sau 8 năm.
Theo Jiji Press, nhà lãnh đạo Nhật Bản nhiều khả năng sẽ bày tỏ thái độ với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine và phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đồng thời, ông sẽ cam kết đẩy mạnh nỗ lực nâng cao năng lực phòng thủ của liên minh Mỹ-Nhật trước các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc, kể cả việc tăng ngân sách quốc phòng.
Nhận định về bài phát biểu này, ông James Crabtree, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Singapore, đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay, Nhật Bản đang là một nhân tố an ninh ngày càng quan trọng.
Do đó, bài phát biểu của ông Kishida có thể cung cấp góc nhìn chiến lược của Nhật Bản về hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine tới khu vực, cũng như hàng loạt vấn đề an ninh cấp thiết khác mà khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt.
Cuộc gặp được mong chờ
Bên cạnh đó, không thể không kể tới hai bài phát biểu khác của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
Theo Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ Derek Chollet, quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn về tầm nhìn hợp tác quốc phòng của Mỹ với khu vực, nhất là trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa dự kiến sẽ phát biểu về “Tầm nhìn của Trung Quốc với trật tự khu vực” để “giới thiệu chính sách, khái niệm và hành động của Bắc Kinh nhằm theo đuổi chủ nghĩa đa phương, bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực, thúc đẩy xây dựng cộng đồng vì tương lai chung cho toàn nhân loại”.
Tuy nhiên, điểm nhấn được đặc biệt lưu tâm lại đến từ khả năng diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa hai quan chức này kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền tại Mỹ.
Ông Ngụy và ông Austin từng điện đàm về vấn đề Ukraine hồi tháng 4/2022, song chưa từng gặp gỡ trực tiếp. Ngược lại, quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Mỹ, cụ thể là Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhiều lần trao đổi, đối thoại với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Khi đó, cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa ông Austin và ông Ngụy sẽ giúp hai bên hiểu rõ hơn về lập trường của nhau, duy trì liên lạc về quân sự thường xuyên và thông suốt, tránh đối đầu dẫn tới xung đột, nhất là trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.
Ngoài ra, hội đàm ba bên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Nhật - Hàn, với chủ đề dự kiến về Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên, hay hoạt động song phương của ông Ngụy với người đồng cấp nước chủ nhà cũng là những diễn biến đáng chú ý.
Trong lịch sử hình thành 20 năm của mình, Đối thoại Shangri-La hiếm khi được biết đến như là nơi chứng kiến thay đổi lớn về mặt chiến lược hay chính sách quốc phòng của các nước. Lần này nhiều khả năng cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, điều diễn đàn này đã, đang và sẽ làm được là cung cấp một cơ hội để quan chức quốc hàng đầu của các nước trong, ngoài khu vực có thể trao đổi, thảo luận, tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề cấp bách, từ đó cùng nhau xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển hơn.
Đây chắc chắn sẽ là mục tiêu cao nhất mà Đối thoại Shangri-La năm 2022 hướng tới.
Link nội dung: https://biztoday.vn/hai-diem-nhan-tai-doi-thoai-shangri-la-322808.html