Thị trường giá xuống không phải điều gì đó xa lạ với các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ, và cụm từ này một lần nữa “nóng” trở lại trong bối cảnh nền kinh tế số 1 thế giới phải đối diện với một loạt các thách thức từ lạm phát, lãi suất tăng cao cho tới tình trạng tăng giá nhiên liệu và cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.
Thị trường giá xuống thường được ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào suy thoái, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm xuống trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Nhưng điều đó, ít nhất, chưa xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Ngày 13/6, chỉ số S&P 500 chính thức rơi vào thị trường giá xuống khi thấp hơn 21% so với đỉnh ghi nhận vào ngày 13/1/2022. Lần gần nhất S&P 500 rơi vào thị trường giá xuống là ngày 19/2/2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Giai đoạn này chỉ kéo dài hơn một tháng tới ngày 23/3/2020, và đây cũng là giai đoạn giá xuống ngắn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử S&P 500.
Chỉ số &P 500 rơi vào thị trường giá xuống trong ngày 13/6. Ảnh: FactSet. |
Trước đó, chỉ số Nasdaq rơi vào thị trường giá xuống vào ngày 7/3/2022 khi thấp hơn 20,1% so với đỉnh ghi nhận trong ngày 19/11/2021. Tính tới cuối phiên giao dịch ngày 13/6, chỉ số này giảm khoảng 32% từ đỉnh.
Dow Jones là chỉ số duy nhất chưa rơi vào thị trường giá xuống, hiện thấp hơn đỉnh lịch sử, ghi nhận vào ngày 4/1/2022, khoảng 17%.
Có ngắn, có dài
Thị trường giá xuống được định nghĩa là khi một chỉ số chứng khoán giảm ít nhất 20% từ đỉnh gần nhất.
Đối với S&P 500, giai đoạn thị trường giá xuống ngắn nhất được ghi nhận trong gần một thế kỷ qua bắt đầu từ ngày 19/2/2020 tới ngày 23/3/2022, kéo dài chỉ 33 ngày, theo Seeking Alpha. Trước giai đoạn này này, S&P rơi vào thị trường giá xuống trong 62 ngày, từ 6/1/2009 tới 9/3/2009, với mức giảm hơn 27%.
Chỉ số S&P 500 từng trải qua nhiều giai đoạn giá xuống kéo dài trong quá khứ, ví dụ như giai đoạn từ ngày 9/10/2007 tới ngày 20/11/2008 với tổng cộng 408 ngày. Khi đó, chỉ số này giảm gần 52%.
Quãng thời gian S&P 500 rơi vào thị trường giá xuống dài nhất lên tới 630 ngày, tương đương 21 tháng, bắt đầu từ ngày 11/1/1973 tới 3/10/1974, với mức giảm lên tới hơn 48%.
Tính từ sau cuộc Đại khủng hoảng trong những năm 30 của thế kỷ trước, S&P 500 có tổng cộng 10 lần rơi vào thị trường giá xuống.
Độ dài trung bình những lần chỉ số này rơi vào thị trường giá xuống, theo dữ liệu của Seeking Alpha, là 268,3 ngày, tương đương gần 9 tháng.
Chỉ số Nasdaq cũng không ít lần rơi vào thị trường giá xuống kể từ khi ra đời vào năm 1971, theo Motley Fool. Giai đoạn thị trường giá xuống nghiêm trọng nhất xảy ra vào đầu năm 2000 khi chỉ số này giảm 75% tính tới thời điểm giữa tháng 10/2002. Thị trường giá xuống tiếp tục được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và chỉ kết thúc vào tháng 11/2013.
Một giai đoạn thị trường giá xuống nghiêm trọng khác xảy ra vào năm 1973, khi Nasdaq giảm gần 60% và kéo dài trong khoảng 4 năm. Một số giai đoạn giá xuống khác được ghi nhận trong tháng 10/1987, khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, đầu năm 1982 và tháng 7/1990, thời điểm kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Trong ngày 11/3/2020, chỉ số Dow Jones Industrial Average lần đầu tiên rơi vào thị trường giá xuống sau 11 năm. Chỉ số này giảm 38% so với đỉnh ghi nhận trong ngày 12/2/2020 và kéo dài tới ngày 23/3/2020, theo Investopedia.
Link nội dung: https://biztoday.vn/thi-truong-gia-xuong-thuong-keo-dai-bao-lau-324947.html