Mạng lưới “chằng chịt” và hệ sinh thái nợ nần của Tân Long Group

Một mạng lưới “chằng chịt” các doanh nghiệp nông sản quy mô tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng, có quan hệ giao dịch qua lại phức tạp nằm trong một “guồng quay nợ nần” thông qua mối quan hệ mật thiết với một ngân hàng.

ket-qua-kinh-doanh-cua-thinh-phat-1655353214.png

Ngân hàng giữa vòng quay nợ nần của hệ sinh thái Tân Long

Vốn là một tập đoàn kín tiếng trên thị trường đặc biệt về thông tin tài chính, Tân Long Group trước nay vẫn là một tấm màn đen với nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự xuất hiện của BAF Việt Nam (mã BAF) trên sàn chứng khoán từ cuối năm 2021 đã phần nào hé mở một phần hệ sinh thái dưới chướng Chủ tịch Trương Sỹ Bá.

Một trong những sự thay đổi quan trọng giúp cổ phiếu BAF đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán là khoản lợi nhuận tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ. Một trong những yếu tố trọng yếu tạo ra chuyển biến này đến từ việc tiết giảm đáng kể lãi vay.

Nhìn lại quá khứ, BAF Việt Nam từng ghi nhận khoản vay ngân hàng tới hơn 1.800 tỷ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, sau đó đã được trả hết vào cuối năm 2020. Điều này đã khiến bảng cân đối của BAF Việt Nam trở nên “sạch hơn”. Thế nhưng, cũng từ đây một vấn đề khác của BAF Việt Nam và hệ sinh thái Tân Long Group đã xuất hiện.

Một mạng lưới “chằng chịt” các doanh nghiệp nông sản quy mô tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng, có quan hệ giao dịch qua lại phức tạp với kết quả kinh doanh có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng. Không những thế, các thành viên trong hệ sinh thái này còn nằm trong một “guồng quay nợ nần” thông qua mối quan hệ mật thiết với ngân hàng. Phía sau những hợp đồng giao dịch ghi nhận các khoản phải thu cao đột biến là những hợp đồng vay vốn được thế chấp bằng chính những khoản phải thu này.

Theo báo cáo năm 2019, toàn bộ 1.844 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn của BAF Việt Nam đều do chi nhánh của ngân hàng này tài trợ. Tài sản thế chấp cho khoản vay này là quyền đòi nợ liên quan đến các hợp đồng kinh tế giữa BAF Việt Nam và Tân Long Group, cùng một số công ty thành viên khác.

BAF Việt Nam không phải là công ty duy nhất trong hệ sinh thái Tân Long dùng cách này để huy động vốn.

Điển hình có thể kể đến Công ty Cổ phần Kinh doanh thương mại Thịnh Phát, một trong những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái Tân Long, được thành lập từ tháng 10/2015.

Tương tự với Công ty Cổ phần Thăng Hoa, theo tài liệu chúng tôi có được, từ đầu năm 2021 đến nay, doanh nghiệp này đã ghi nhận một loạt hợp đồng tín dụng cho các khoản vay được đảm bảo bằng các hợp đồng giao dịch với Tập đoàn Tân Long, Công ty Cổ phần HUM hay ENERFO PTE.

Loạt doanh nghiệp có mô hình “kỳ lạ”

Thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của Thịnh Phát lên đến 6.409 tỷ đồng, con số “khổng lồ” đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.

Hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bằng nguồn vốn nợ (chiếm 98%) với tổng nợ phải trả lên đến 6.271 tỷ đồng, gấp 45 lần vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ của doanh nghiệp tính đến cuối năm ngoái ở mức 100 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là công ty này chỉ có 6 nhân viên nhưng lại có thể tạo ra đến... 15.526 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020, con số đáng mơ ước đối với không ít đại gia trên sàn chứng khoán. Doanh thu “khủng” nhưng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp này chỉ “bèo bọt” vài tỷ đến vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Biên lãi gộp “ngấp nghé” 1% trong khi biên lãi thuần chỉ vỏn vẹn 0,16% là minh chứng rõ nhất cho mức lợi nhuận “mỏng như tờ” của Thịnh Phát. Năm 2020, lợi nhuận thuần của doanh nghiệp này đã tăng hơn 4 lần so với năm trước nhưng chỉ ở mức 25 tỷ đồng, tức là hơn 621 đồng doanh thu mới mang về 1 đồng lợi nhuận.

Một cái tên khác thậm chí có quy mô còn lớn hơn là Công ty Cổ phần HUM hoạt động trong lĩnh vực bán buôn gạo, lúa mỳ, hạt ngũ cốc khác, bột mỳ. Doanh nghiệp thành lập từ cuối tháng 6/2014 nhưng đã “lớn nhanh như thổi” với quy mô tài sản lên đến 11.893 tỷ đồng vào cuối năm 2020, gấp 3 lần thời điểm 4 năm trước.

Quy mô tài sản của HUM thậm chí còn gấp đôi so với Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (Vinafor, mã VIF), doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX có cổ đông lớn nắm 40% vốn là một tập đoàn lớn có trụ sở chính tại Hà Nội và cũng có mối quan hệ khá mật thiết với hệ sinh thái Tân Long.

Thời điểm cuối năm 2020, HUM có vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhưng lại âm vốn chủ sở hữu hơn 161 tỷ đồng do kinh doanh thua lỗ triền miên. 5 năm gần nhất doanh nghiệp này đều báo lỗ với số lỗ tăng dần. Đến năm 2020, HUM tiếp tục lỗ hơn 166 tỷ đồng dù đạt doanh thu kỷ lục kể từ khi hoạt động.

Cũng giống như các thành viên thuộc Tân Long Group, nhân viên của HUM có năng suất lao động “không phải dạng vừa” khi chỉ với 20 nhân sự nhưng doanh nghiệp này tạo ra đến 37.200 tỷ đồng doanh thu trong năm ngoái, tăng đến 77% so với năm 2019 trước đó.

Cũng với cấu trúc tài sản có phần tương tự và đặc biệt là cơ cấu nhân sự chỉ chưa đến 10 người, một doanh nghiệp khác cũng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh Invest. Doanh nghiệp của cựu danh thủ Văn Sỹ Thủy chỉ có 4 nhân sự nhưng có doanh thu gần 3.500 tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2018, dù chỉ được thành lập và hoạt động trong tháng cuối năm nhưng doanh thu của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh Invest cũng lên tới 190,1 tỉ đồng. Trong năm 2019, doanh thu của công ty tăng gấp 18 lần, đạt 3.455 tỷ đồng và đưa công ty lọt vào top 3 doanh nghiệp lớn của tỉnh Hà Tĩnh, chỉ xếp sau Fomorsa và Hoành Sơn Group.

Quy mô lớn như vậy nhưng trên giấy tờ, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh Invest lại chỉ có 4 lao động được đăng ký bao gồm: Giám đốc Văn Sỹ Thủy, Kế toán trưởng Trương Thị Hoa, Phụ trách kinh doanh Nguyễn Văn Cường và nhân viên kế toán Hoàng Thị Nga.

Doanh thu “khủng” và liên tục tăng mạnh cùng quy mô tổng tài sản không phải dạng vừa nhưng lại chỉ lãi “bèo bọt” thậm chí thua lỗ triền miên khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về độ tin cậy của các con số tài chính của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tân Long.

Link nội dung: https://biztoday.vn/mang-luoi-chang-chit-va-he-sinh-thai-no-nan-cua-tan-long-group-325487.html