Sau hơn 12 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư lần đầu, dự án Cam Ranh City Gate vẫn đang “đắp chiếu”, chậm tiến độ kéo dài. |
Dự án chưa được cấp phép xây dựng, chậm tiến độ kéo dài
Dự án Cam Ranh City Gate (tên gọi cũ là dự án Câu lạc bộ du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh) được cấp phép đầu tư lần đầu theo Giấy chứng nhận đầu tư số 37121000204 ngày 13/08/2010, chủ đầu tư dự án thời điểm đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Mefrimex. Đến đầu năm 2016, dự án này thay đổi chủ đầu tư sang cho Công ty Cổ phần CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh, sau quá trình chuyển nhượng và thay đổi các thành viên, hiện tại ông Lê Anh Đức làm Chủ tịch HĐQT Công ty.
Theo Quyết định số 3654/QĐ-UBND ngày 01/12/2017 của UBND tỉnh Khánh Hoà về quyết định chủ trương đầu tư, dự án Cam Ranh City Gate được cấp phép hoạt động trong vòng 50 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (năm 2010), phải hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động trước ngày 30/12/2020. Tuy nhiên cho đến nay, đã quá 12 năm nhưng dự án này vẫn đang “đắp chiếu”, “dậm chân tại chỗ” và chưa thể đi vào hoạt động.
Ngoài ra, dự án Cam Ranh City Gate còn nằm trong 35 dự án mà Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị tại Thông báo số 1919/TB-TTCP ngày 04/11/2020. Tại thông báo này, ngoài việc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa xác định lại việc thu tiền sử dụng đất và các khoản thuế, phí phát sinh để thu vào ngân sách Nhà nước, chống thất thu ngân sách; Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị “làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra tình trạng chậm tiến độ kéo dài để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan”.
Qua trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trần Nam Bình - Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng”.
Thế chấp dự án cho ngân hàng vẫn huy động trái phiếu nghìn tỷ
Có thể thấy rằng, mặc dù dự án vẫn chưa đi vào hoạt động vì chưa được cấp phép xây dựng và nhiều thủ tục pháp lý của dự án vẫn còn đang “bỏ ngỏ” nhưng theo tìm hiểu của phóng viên dự án này đã được đem đi thế chấp cho ngân hàng.
Qua tra cứu thông tin của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch tài sản đảm bảo (Bộ Tư pháp), tháng 9/2021, Công ty Cổ phần CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh đã thế chấp toàn bộ lợi ích thu được bao gồm: tất cả các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, toàn bộ các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư và phần diện tích đất còn lại chưa bán của Dự án CLB Du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh. Theo đó, đơn vị nhận thế chấp là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài thế chấp dự án trên, Công ty Cổ phần CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh còn thế chấp các tài sản khác như các xe ôtô mang nhãn hiệu Landrover và Fortuner cho các ngân hàng khác.
Thông tin tài sản thế chấp của Công ty Cổ phần CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh được thể hiện trên Trang thông tin của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch tài sản đảm bảo. |
Điều đáng nói ở đây, dù đem đi thế chấp cả dự án Cam Ranh City Gate và các tài sản khác cho ngân hàng nhưng Công ty Cổ phần CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh lại tiếp tục “vay nợ” bằng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo thông tin được công bố tại Trang thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty Cổ phần CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu mã NCRCH2123001 với kỳ hạn 2 năm. Lô trái phiếu được hoàn tất vào ngày 9/2/2022. Tuy nhiên, các thông tin cơ bản khác của lô trái phiếu như lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo hay trái chủ mua trái phiếu… không được doanh nghiệp này công bố.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm mục đích huy động vốn mới để chi trả cho nợ cũ, xóa nợ xấu, thậm chí có những doanh nghiệp sử dụng trái phiếu nhằm trốn thuế. Đa phần, trước khi vay nợ bằng trái phiếu, doanh nghiệp nào cũng có ít nhất một khoản vay vốn từ ngân hàng. Mặt khác, lãi suất huy động bằng trái phiếu thường cao hơn lãi suất của ngân hàng, đem lại cho những nhà đầu tư lợi nhuận lớn hơn, nhưng cũng mang tới rủi ro không hề nhỏ khi đến hạn thanh toán trái phiếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.
Trước tình trạng phát triển quá nóng của thị trường trái phiếu, nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, cũng như ngăn chặn làn sóng phá sản của doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; trong đó yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý có vướng mắc, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ trên thị trường, trước mắt yêu cầu các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn chào bán rà soát kỹ các điều kiện, hồ sơ phát hành trước khi tổ chức phát hành trái phiếu.
Nhiều khách hàng hoang mang, mất niềm tin vào dự án
Trong một văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Công ty Cổ phần CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh cho biết, nhiều khách hàng đã đầu tư vốn vào dự án hoang mang, mất niềm tin và yêu cầu hoàn lại khoản vốn đã huy động. Nghiêm trọng hơn, là một bộ phận khách hàng đã liên tục khiếu nại về việc ký hợp đồng mua bán, cho rằng chủ đầu tư chiếm dụng vốn trái pháp luật.
Thông tin về lô trái phiếu của Công ty Cổ phần CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. |
Qua trao đổi với đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, sở dĩ dự án Cam Ranh City Gate chưa nằm trong danh sách các dự án bị thu hồi là do đang vướng tranh chấp, hiện tại Khánh Hòa vẫn đang chờ kết quả xử lý tranh chấp từ TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Có thể nhận định rằng, việc phát triển một dự án bất động sản mà chủ yếu “dựa lưng” vào ngân hàng và dùng công cụ phát hành trái phiếu, nhưng vẫn chậm tiến độ nhiều năm và chỉ “đang nằm trên giấy” như Cam Ranh City Gate sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn đối với khách hàng tham gia đầu tư vốn vào dự án.
Link nội dung: https://biztoday.vn/du-an-cam-ranh-city-gate-dap-chieu-nhieu-nam-nhung-van-huy-dong-trai-phieu-ngan-ty-325552.html