Sau 1 tháng vắng bóng, doanh nghiệp BĐS lại phát hành gần 7.000 tỷ đồng trái phiếu

Nếu như trong tháng 4/2022, không có doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nào phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng đến tháng 5, nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ hai về khối lượng phát hành với 6.879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28,53% tổng giá trị phát hành.

Bất động sản đứng vị trí thứ 2

Báo cáo thị trường tháng 5/2022 của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu trở lại sau một tháng im hơi trên thị trường.

Theo đó, tính đến hết 31/5, các doanh nghiệp chỉ có 1 đợt phát hành ra công chúng trong khi có tới 34 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 24.105 tỷ đồng.

Trong đó, đợt phát hành ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. 34 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 23.805 tỷ đồng.

Trong tháng 5, nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ hai về khối lượng phát hành với 6.879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28,53% tổng giá trị phát hành.

Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành trong tháng với 14.629 tỷ đồng, chiếm 60,68% tổng giá trị phát hành. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) có giá trị phát hành lớn nhất với 2.600 tỷ đồng (chiếm 10,78% tổng giá trị phát hành) sau 2 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Theo sau là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) với giá trị phát hành 2.500 tỷ đồng (chiếm 10,37% giá trị phát hành) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 2.000 tỷ đồng (chiếm 8,29% giá trị phát hành).

Nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ hai về khối lượng phát hành với 6.879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28,53% tổng giá trị phát hành.

Trong tháng 4/2022, báo cáo của VBMA cho thấy, không có đợt phát hành trái phiếu ra công chúng nào và có 23 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 16,472 tỷ đồng. Phần lớn doanh nghiệp phát hành trong tháng 4 đến từ các ngân hàng thương mại với 14,940 tỷ đồng, chiếm 90.7% tổng giá trị phát hành.

Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc các nhóm năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính cũng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng nhưng khối lượng chiếm chưa tới 10% tổng giá trị phát hành. Như vậy, trong tháng 4/2022, không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Tính từ đầu năm đến nay, có 17 đợt phát hành TPDN ra công chúng với giá trị là 8.996 tỷ đồng và 160 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 104.828 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 37.395 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tiếp tục lách Luật để phát hành?

Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến thị trường TPDN. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ TPDN nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng. Lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.

Đáng chú ý, trong nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về nợ vay TPDN trong năm vừa qua, có nhiều "ông lớn" như: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden... Nhóm 5 doanh nghiệp này trong năm 2021 đã huy động gần 7.000 tỷ đồng nợ vay TPDN để làm dự án bất động sản.

Tiếp theo là các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn khác, như Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An (5.000 tỷ đồng), Công ty CP Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân (4.000 tỷ đồng); Công ty CP Hoàng Phú Vương; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Minh Tân; Công ty TNHH Đầu tư Big Gain; Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng; Công ty CP Tập đoàn R&H; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence...

Doanh nghiệp phát hành TPDN vay vốn ít nhất trong nhóm 20 doanh nghiệp là Công ty CP Vui chơi Giải trí Tổng hợp Tam Giang, huy động khoảng 2.736 tỷ đồng, với lãi suất 10%/năm, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ khoảng 639 tỷ đồng.

Để chào mời TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, nhiều công ty chứng khoán đã “lách luật” để “hô biến” nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian 2-4 ngày.

Bộ Tài chính cho biết, để chào mời TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, nhiều công ty chứng khoán đã “lách luật” để “hô biến” nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian 2-4 ngày. Tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân không trực tiếp đứng tên mua TPDN riêng lẻ mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đứng ra mua hộ.

Trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021, có tới 57 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, và 10 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.

Có tình trạng doanh nghiệp này phát hành TPDN để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, lấy tiền cho doanh nghiệp khác vay, hoặc phát hành TPDN để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của các ngân hàng với một khách hàng, nhóm khách hàng.

Một số doanh nghiệp như Công ty CP tập đoàn APEC Group, Công ty CP tập đoàn Vset Group chào bán công khai do chính doanh nghiệp phát hành hoặc giao cho doanh nghiệp có liên quan chào bán TPDN như trường hợp Công ty TNHH Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung điện Mùa Đông phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Nhiều công ty chứng khoán khi chào bán TPDN không cung cấp đủ, chính xác thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư.

Link nội dung: https://biztoday.vn/sau-1-thang-vang-bong-doanh-nghiep-bds-lai-phat-hanh-gan-7000-ty-dong-trai-phieu-326102.html