Từ sự “bốc hơi” của Luna và TerraUSD: Nhìn lại chính sách liên quan tới tài sản kỹ thuật số

Vài tuần trở lại đây, thị trường chứng kiến sự bốc hơi “dữ dội” của loạt tài sản kỹ thuật số khi các tài sản này thi nhau lao dốc. Đặc biệt, với hiện tượng đồng Luna và TerraUSD rớt thảm càng đặt ra các yêu cầu đối với xây dựng chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư này trên thị trường tài chính...

Liên tục đổ dốc, giá Bitcoin những ngày gần đây xuống mức thấp kỷ lục.
Liên tục đổ dốc, giá Bitcoin những ngày gần đây xuống mức thấp kỷ lục.

Tháng 11 năm ngoái, thị trường tài sản kỹ thuật số đạt đỉnh với việc đồng Bitcoin (BTC) đạt mức cao kỷ lục khi 1 BTC “ăn” 69.000 USD và mức vốn hóa thị trường này đạt khoảng 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó thị trường này liên tục lao dốc. Cho đến đầu tháng 5 năm nay, BTC đã lao xuống dưới mốc 30.000 USD.

Tiếp đó, ngày 18/5, BTC giảm về mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua khi chỉ còn hơn 28.000 USD sau những công bố của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt cho tới khi lạm phát hạ nhiệt. Mức vốn hóa thị trường tài sản số này theo đó giảm chỉ còn đạt khoảng 1,24 nghìn tỷ USD.

Mặc dù mức vốn hóa thị trường này vẫn còn nhỏ so với mức vốn hóa các thị trường tài chính truyền thống, nhưng sự quan tâm của nhà đầu tư ngày càng cao đối với các loại tài sản này đã đặt ra các yêu cầu đối với chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư trên thị trường này, đặc biệt là sau khi Luna và TerraUSD gần như mất sạch giá trị vào ngày 13/5 khiến nhiều sàn giao dịch đi đến quyết định tạm dừng giao dịch các đồng tiền này.

Thậm chí, Cơ quan quản lý Hàn Quốc phải đưa ra quyết định điều tra “khẩn cấp” thị trường giao dịch tiền kỹ thuật số để tìm ra các phương án bảo vệ nhà đầu tư trong tương lai.

Tuy nhiên, cho tới nay các chính sách điều chỉnh tài sản số vẫn còn rất “mỏng”, và có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Điều này lại càng tạo ra nhiều thách thức trong việc điều chỉnh hoạt động này.

NỖ LỰC XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN TỚI TÀI SẢN KỸ THUẬT SỐ

Nhìn chung, hiện nay các quốc gia có các cách tiếp cận với các mức độ phát triển khác nhau trong công cuộc chạy đua xây dựng chính sách điều chỉnh tài sản kỹ thuật số.

Một số quốc gia đã xây dựng các cơ chế tương đối đầy đủ và toàn diện nhằm khuyến khích áp dụng các loại tài sản mới này, như Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Anh, Singapore; một số đang tích cực xây dựng và áp dụng các chính sách mới để bắt kịp các quốc gia đi đầu như Nga, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia; và số còn lại tiếp tục giữ quan điểm thận trọng và mới dừng lại ở việc nghiên cứu các loại tài sản này như Việt Nam.

Dù với cách tiếp cận nào, các cơ quan quản lý đều hướng tới mục tiêu nhận diện và quản lý được rủi ro hoạt động và rủi ro hệ thống của các loại tài sản này nhằm đảm bảo được sự ổn định của thị trường tài chính.

Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản do đặc điểm giao dịch liên thị trường, xuyên biên giới của các loại tài sản này. Phần lớn các quốc gia đều đã đưa ra các cảnh báo về các rủi ro liên quan đến các loại tài sản này như rủi ro lừa đảo, rủi ro biến động thị trường, rủi ro thanh khoản và rửa tiền.

Từ sự “bốc hơi” của Luna và TerraUSD: Nhìn lại chính sách liên quan tới tài sản kỹ thuật số - Ảnh 1
 

Do các quốc gia áp dụng các chiến lược khác nhau, cơ chế hiện tại không cho phép một quốc gia có thể đảm đương được hết các công tác giám sát, thanh tra các loại tài sản này.

Ngay cả trong một thị trường có khung pháp lý điều chỉnh tài sản kỹ thuật số tương đối đầy đủ như thị trường Hoa Kỳ, quan điểm giám sát tài sản này vẫn đang có sự khác nhau giữa các Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai, Cục Dự trữ Liên bang và Ủy ban Giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, xu hướng chung giữa các quốc gia hiện nay là hướng tới việc phân định các trách nhiệm giữa các cơ quan và phối kết hợp để xây dựng các văn bản pháp quy điều chỉnh và đánh giá tác động của các loại tài sản này đối với nền kinh tế.

Những rủi ro hoạt động và rủi ro hệ thống do tiền kỹ thuật số, tài sản kỹ thuật số mang lại bao gồm các rủi ro liên quan sàn giao dịch, các loại ví, bảo vệ nhà đầu tư, dự trữ không đầy đủ hay công bố thông tin không chính xác.

Ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển, với sự cởi mở đối với tiền điện tử, những tài sản kỹ thuật số bắt đầu đóng vai trò thay thế các đồng nội tệ, phá vỡ rào cản về phương tiện trao đổi và các biện pháp quản lý tài khoản vốn.

Nhờ những hoạt động này, các loại hình tội phạm mới trên thị trường tài chính xuất hiện và điều này cũng lại là một quan ngại khác của cơ quan quản lý khi hiện nay vẫn thiếu vắng các quy định điều chỉnh các công ty tiền kỹ thuật số, tài sản kỹ thuật số. Điển hình là Binance, mặc dù nổi tiếng và phổ cập đối với nhà đầu tư toàn cầu, công ty này bị rất nhiều quốc gia từ chối cho phép hoạt động.

TƯƠNG LAI VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH

Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ vẫn tiếp tục phải trả lời các câu hỏi về việc bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính và bảo vệ nhà đầu tư.

Các quốc gia cần hợp tác và xây dựng cách tiếp cận nhất quán đối với tiền và các loại tài sản kỹ thuật số. Theo đó, các khuôn khổ, quy định quốc tế cần cho phép một sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia theo tiêu chí “lợi nhuận lớn, rủi ro cao”.

Bài học từ Luna và TerraUSD cho thấy các tổ chức cung cấp dịch vụ tiền điện tử hay rộng hơn là tài sản kỹ thuật số cần phải có được sự cấp phép từ các cơ quan quản lý sau khi đáp ứng được những tiêu chí nhất định do các cơ quan này yêu cầu. Những quy định này sẽ không chỉ giới hạn đối với các công ty cung cấp tài sản, giải pháp kỹ thuật số mà cả các sàn cung cấp dịch vụ giao dịch và các loại hình công ty liên quan khác.

Các quy định cần bao gồm lưu trữ, chuyển giao, thanh toán, lưu ký các khoản dự trữ của các loại tài sản này. Các quy định này sẽ tương tự như các quy định đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường tài chính hiện hành, nhưng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tính chất của tài sản kỹ thuật số và các loại Stablecoins (đồng tiền ổn định) và đồng thời cung cấp các khuyến nghị đối với những rủi ro tiềm ẩn đối với các loại tài sản không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra.

Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan quản lý cũng cần có sự hỗ trợ của các tổ chức cung cấp dịch vụ để có thể tìm hiểu thêm các kỹ năng công nghệ khác như học máy, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sổ cái phân tán để áp dụng vào trong công tác giám sát hoạt động thị trường của mình (regtech). Để làm được điều này, sự hợp tác giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ và các cơ quan quản lý là cần thiết, đảm bảo cách tiếp cận giám sát tốt nhất đối với các loại hình công nghệ, sản phẩm cũng như các giải pháp mới trên thị trường.

Về phía thị trường Việt Nam, theo thống kê của Statista, Việt Nam là một trong số những quốc gia có số người đã sử dụng hoặc sở hữu tiền mã hóa nhiều nhất thế giới, nhưng hiện nay việc đầu tư vào các loại tài sản này vẫn bị cấm. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là gần đây nhiều nỗ lực đáng kể đã được thực hiện nhằm hướng tới việc điều chỉnh các loại tài sản này.

Quyết định số 942 ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối Blockchain giai đoạn 2021-2023.

Tiếp đó, trong năm 2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1798/VPCP-KTTH ngày 23/03/2022 gửi Bộ Tài chính về việc xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo, tiền ảo. Do đó, có thể hy vọng rằng trong thời gian không xa, nhà đầu tư Việt Nam đối với các loại tài sản này sẽ có được những cơ chế bảo vệ tốt hơn.

Link nội dung: https://biztoday.vn/tu-su-boc-hoi-cua-luna-va-terrausd-nhin-lai-chinh-sach-lien-quan-toi-tai-san-ky-thuat-so-326268.html