Nga đang cắt giảm khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 dưới biển Baltic giữa lúc Moscow và phương Tây đối đầu căng thẳng vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Hôm 17-6, Nga giảm 50% lượng khí đốt cung cấp cho Ý và Slovakia, đồng thời cắt đứt nguồn cung hoàn toàn đối với Pháp, đánh dấu ngày cắt giảm khí đốt thứ 3 liên tiếp.
Theo hãng tin AP, Moscow trước đó ngắt toàn bộ dòng khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, cũng như giảm nguồn cung đến Áo và một số nước Đông Âu.
Chưa hết, Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga) cũng thông báo cắt giảm 60% lượng khí đốt đến Đức trong tuần này. Gazprom cho biết lý do cắt giảm là Nord Stream 1 được sửa chữa, bảo trì, đồng thời phàn nàn rằng thiết bị cần cho việc bảo trì đang bị giữ ở Canada do đòn trừng phạt của phương Tây.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck lập tức bác bỏ cáo buộc biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân và cho rằng hành động của Moscow nhằm gây bất ổn và tăng giá khí đốt. Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng không chấp nhận giải thích của Gazprom và nhấn mạnh đó là "quyết định chính trị".
Cơ sở đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 ở thị trấn Lubmin - Đức Ảnh: REUTERS
Theo Bloomberg, động thái mới nhất của Nga cho thấy kịch bản sử dụng khí đốt luân phiên ở châu Âu có thể trở thành sự thật. Theo các nhà phân tích, các nước châu Âu có thể gặp khó trong nỗ lực dự trữ đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu sử dụng cao hơn vào mùa đông.
Trong trường hợp lượng khí đốt dự trữ này buộc phải được sử dụng, các chính phủ có thể bắt đầu kiểm soát hoạt động phân phối khí đốt trong vòng vài tháng tới.
Theo Công ty Nghiên cứu và Tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie (Anh), nếu Nga đóng hoàn toàn đường ống cung cấp khí đốt chính, châu Âu sẽ cạn nguồn cung vào tháng 1-2023.
Không dừng lại ở đó, theo một số chuyên gia, động thái của Nga khiến giá khí đốt tăng vọt, gây thêm áp lực cho kinh tế và sự đoàn kết tại châu Âu.
Ông Jonathan Stern, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (Anh), nhận định: "Mọi thứ phụ thuộc vào cơ chế chia sẻ khí đốt giữa các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và quyết định về cách thức chia sẻ khí đốt sẵn có bên trong các nước. Một mùa đông lạnh lẽo đến sớm sẽ gây ra nhiều vấn đề".
Châu Âu đã có bước đi cấm nhập khẩu than và dầu của Nga nhưng nguồn cung khí đốt khó thay thế hơn do các mối quan hệ cung ứng đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Ông Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch Công ty Wood Mackenzie, nhận định: "Ngay cả khi xem xét các biện pháp đối phó, cũng khó tránh việc sử dụng khí đốt luân phiên".
Theo tờ The Washington Post (Mỹ), một số quốc gia, như Đức và Ý, đang xem xét các hạn chế bắt buộc đối với tiêu thụ năng lượng. Cơ quan Năng lượng quốc tế cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo lên kế hoạch sử dụng khí đốt luân phiên. Một giải pháp khác của châu Âu là tăng cường tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Ngày 15-6, EU và 2 đối tác tiềm năng Israel, Ai Cập đã ký biên bản ghi nhớ về vấn đề cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Kế hoạch đang được xem xét là vận chuyển LNG của Israel đến châu Âu thông qua việc sử dụng cơ sở hạ tầng LNG ở Ai Cập. Công ty Eni SpA (Ý) cũng cho biết có kế hoạch dựa vào tài sản và các mối quan hệ ở Ai Cập để thúc đẩy xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.
Sức ép từ nắng nóng
Đợt nắng nóng khắc nghiệt và đến sớm hơn thường lệ đang gây thêm sức ép lên hệ thống năng lượng tại một số nước châu Âu, nơi nhu cầu dùng máy điều hòa không khí tăng vọt bất chấp giá điện cao. Pháp, Tây Ban Nha và một số nước Tây Âu khác đối mặt những ngày cuối tuần có nhiệt độ cao kỷ lục, làm dấy lên nỗi lo về các vụ cháy rừng và tác động của biến đổi khí hậu.
Tại Pháp, nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C đã được ghi nhận tại một số khu vực hôm 17-6. Bộ Y tế Pháp đã đưa vào sử dụng đường dây nóng đặc biệt về nắng nóng trong lúc học sinh được khuyên không đến trường tại những vùng có nhiệt độ quá cao.
Cùng ngày, nhiệt độ khắp Tây Ban Nha là trên 35 độ C, làm phức tạp nỗ lực khống chế cháy rừng đang hoành hành ở một số địa phương. Chẳng hạn như ở vùng Sierra de la Culebra, một vụ cháy rừng lớn đã thiêu rụi gần 9.000 ha đất và buộc hàng trăm người sơ tán.
Còn tại Ý, chính quyền vùng Lombardy có thể ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán nghiêm trọng đe dọa đến mùa màng và làm tăng nguy cơ thiếu điện. Trong khi đó, 17-6 được xem là ngày nóng nhất ở Anh từ đầu năm với nhiệt độ có lúc tăng lên hơn 30 độ C.
Giới chuyên gia nhận định tác động của biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Riêng ở châu Âu, theo Reuters, tình hình thời tiết cực đoan này càng gây thêm căng thẳng trong bối cảnh nguồn cung năng lượng eo hẹp và giá khí đốt tăng cao.
Theo một số nhà phân tích, nhu cầu điện cao trong mùa hè nóng đe dọa khiến các nước khó dự trữ đủ khí đốt cho mùa đông sắp tới. Kịch bản này cộng với nỗi lo về nguồn cung khí đốt từ Nga, có thể duy trì giá năng lượng ở mức cao.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nga-cat-giam-khi-dot-sang-chau-au-327128.html