Triển vọng giá dầu, vàng tuần 20/6 - 24/6

Đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Giá dầu giảm khoảng 9% trong tuần qua, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2022, trong bối cảnh thị trường lo sợ nền kinh tế số 1 thế giới sẽ rơi vào suy thoái sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cao hơn dự báo nhằm sớm kiểm soát lạm phát lập đỉnh 40 năm. 

Trong ngày 17/6, giá dầu WTI giảm 7,11 USD, tương đương 6%, xuống 110,48 USD/thùng. Chốt tuần, WTI giảm khoảng 9%, tuần giảm đầu tiên sau khoảng 2 tháng. 

Cùng ngày, giá dầu Brent giảm 6,2 USD, tương đương 5,1%, xuống 113,61 USD/thùng. Chốt tuần, Brent giảm hơn 7%, và đây cũng là tuần giảm giảm đầu tiên sau 2 tháng. 

Giá dầu WTI tăng lên đỉnh 3 tháng 123,18 USD/thùng hồi đầu tuần, tiến gần tới ngưỡng kỷ lục 130 USD/thùng thiết lập hồi tháng 3 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine. Giá dầu Brent có thời điểm tăng lên mốc 125,16 USD.

lynxnpec0g0aa-l-2330-1655684951.jpg

Giá dầu giảm trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters. 

Các chuyên gia phân tích kỹ thuật, trong nhiều tuần, đã đưa ra cảnh báo rằng giá dầu WTI và Brent đang trong tình trạng quá mua sau khi tăng khoảng 20 USD trong vòng 8 tuần qua. Và lời cảnh báo này chỉ thực sự phát huy tác dụng trong ngày 17/6 sau khi Mỹ công bố dữ liệu sản lượng công nghiệp giảm tháng thứ 5 liên tiếp do nhiều doanh nghiệp phải đối diện với các nút thắt chuỗi cung ứng và chi phí tăng cao. 

Trong khi đó, Trưởng khu Minneapolis thuộc Fed Neel Kashkari cảnh báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần phải tăng lãi suất quyết liệt hơn nữa trong trường hợp lạm phát duy trì ở ngưỡng cao. 

Đó là tín hiệu cho thấy những đợt tăng lãi suất cao vẫn chưa dừng lại sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75% trong ngày 15/6 vừa qua dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát đi tín hiệu rằng sẽ không xuất hiện thêm những đợt tăng lãi suất “mạnh” trong phần còn lại của năm 2022 và lãi suất sẽ bắt đầu được cắt giảm vào năm 2024. 

Kinh tế Mỹ giảm 1,4% trong quý I/2022. Và nếu tiếp tục tăng trưởng âm trong quý II này, về mặt kỹ thuật, Mỹ đã rơi vào suy thoái. 

“Rủi ro suy thoái ngày một tăng cao trong bối cảnh các ngân hàng trung ương quyết liệt tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát”, Craig Erlam, Chuyên gia phân tích tới từ OANDA, chia sẻ sau khi ngân hàng trung ương châu Âu phát đi tín hiệu về 3 đợt tăng mạnh lãi suất trong năm 2022. “Nhưng suy thoái vẫn tốt hơn lạm phát - đình đốn”, ông nói. 

“Tuy thế giới, đặc biệt là Mỹ, chưa rơi vào tình trạng đình lạm, giá cả tăng cao trong khi tăng trưởng giảm, nhưng nó đã trở thành chủ đề được nhiều người bán tán trong vài tháng gần đây”, Erlam cho biết.

“Rủi ro đình lạm cũng đang tăng lên, và đó là lý do tại sao các ngân hàng trung ương phản ứng mạnh, thậm chí chấp nhận đẩy nền kinh tế vào suy thoái”, ông bổ sung. 

Trong khi đó, cuộc xung đột Ukraine và hệ quả từ những lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã khiến cho nguồn cung dầu toàn cầu gặp khó, khiến giá dầu trở nên đắt đỏ, vượt khỏi tầm với của nhiều quốc gia nghèo khó, các chuyên gia cho biết. 

Ngay tại quốc gia giàu có là Mỹ, giá xăng liên tục lập đỉnh và lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 5 USD trong tháng 6 này. Nhiều trạm xăng, đặc biệt tại khu vực bờ Tây, bán xăng với giá gần 6 USD/gallon, theo Hiệp hội ôtô Mỹ (AAA). Giá dầu diesel tại đây thậm chí cao hơn 7 USD/gallon. 

“Thật không thể tin nổi”, John Kilduff tới từ quỹ phòng hộ Again Capital, phải thốt lên. “Tôi biết tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu đang diễn biến hết sức phức tạp, nhưng người tiêu dùng sẽ phải tốn thêm bao nhiêu tiền nữa?”, Kilduff nói.  

Hành động giá trong tuần vừa qua khẳng định xu hướng xuống giá theo mô hình nến Doji hình thành trong tuần trước đó, theo Sunil Kumar Dixit, Chiến lược gia kỹ thuật trưởng tại skcharting.com.

Ông nhận định giá dầu có khả năng kiểm chứng ngưỡng hỗ trợ 100 USD/thùng. 

“Chúng tôi trước đó nhận định giá dầu giảm 15 USD từ 123,66 USD/thùng xuống 108,25 USD/thùng”, Dixit chia sẻ dựa trên chỉ số stochastic 54/65 hàng tuần và 8/30 hàng ngày, bên cạnh đó là xu hướng giảm chung của thị trường. 

Trong trường hợp giá dầu thấp hơn ngưỡng trung bình trượt số mũ (EMA) 109,83 USD/thùng, đó  là dấu hiệu khác cho thấy giá dầu đang trong xu hướng giảm. 

Về triển vọng tăng giá, giá dầu có thể hồi phục từ dải Bollinger ở giữa 106 USD/thùng và tăng lên các mốc 113 USD, 116 USD và 119 USD/thùng. 

“Nếu như điều đó xảy ra, bên mua có thể một lần nữa kích hoạt một cú sập giá mạnh, hướng giá dầu về ngưỡng trung bình động đơn giảm 200 ngày 101 USD/thùng”, Dixit cho biết. 

Kim loại quý

3acmdn6prfj2xaapqmd2pf6x4q-4126-16556849

Quyết định tăng lãi suất của Fed ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng trong tuần qua. Ảnh: Reuters.

Trong ngày 17/6, giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex, New York, giảm 8 USD, tương đương 0,4%, xuống 1.841,90 USD/ounce. 

Chốt tuần, giá vàng tương lai giảm 1,9%. 

Trong tuần vừa qua, giá vàng chịu ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất của Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm sớm kiểm soát lạm phát. Vàng thường trở nên kém hấp dẫn trong môi trường lãi suất cao. 

“Giá vàng sẽ khởi đầu tuần mới từ vùng trung lập 1.830-1850 USD/ounce trước khi tìm ra hướng đi tiếp theo”, Dixit cho biết. “Nếu như không thủng ngưỡng 1.830-1.840 USD/ounce, giá vàng có thể hồi phục lên ngưỡng 1.850-1.860 USD/ounce. Đây là điều kiện cần để giá vàng kiểm chứng ngưỡng kháng cự 1.878 USD/ounce”, ông nói.

Tuy nhiên, nếu không thể duy trì ở ngưỡng 1.850-1.860 USD/ounce, giá vàng có thể rơi xuống vùng 1.820-1.830 USD/ounce, và có thể tiếp tục lùi về ngưỡng hỗ trợ 1.805 USD/ounce, Dixit nhận định. 

“Nếu vượt qua ngưỡng 1.878 USD/ounce hoặc thủng mốc 1.805 USD/ounce, giá vàng có thể biến động tăng hoặc giảm mạnh từ 30-75 USD”, ông bổ sung. 

Link nội dung: https://biztoday.vn/trien-vong-gia-dau-vang-tuan-206-246-327635.html