Thị trường vốn nợ bền vững của ASEAN lập kỷ lục trong năm 2021

Nguồn vốn huy động từ các khoản nợ dán nhãn xanh ở ASEAN được sử dụng nhiều nhất cho bất động sản và năng lượng.

Theo báo cáo của Climate Bonds và HSBC, thị trường vốn nợ bền vững tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN tiếp tục tăng trưởng trong năm qua. Sự phát triển của thị trường nợ bền vững ASEAN được khuyến khích bởi những bước tiến về chính sách hỗ trợ trong năm 2021. Các bên liên quan đã và đang nỗ lực thiết lập hệ thống phân loại xanh quy chuẩn nhằm mang đến một định nghĩa chung rõ ràng về các hoạt động bền vững. 

Ở cấp độ khu vực, hội đồng phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy Board) đã công bố bản dự thảo hệ thống phân loại của ASEAN vào tháng 11/2021 trong khi nhiều nước thành viên như Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đang đạt được tiến độ nhất định trong việc phát triển hệ thống phân loại quy chuẩn của từng nước.

Lượng phát hành cao kỷ lục ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (green, social, and sustainability - GSS) đạt 24 tỷ USD năm 2021, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD của năm 2020. Nợ liên kết bền vững (sustainability-linked) đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020.

Trong năm 2021, các khoản nợ được dán nhãn xanh (green-labelled), bao gồm trái phiếu xanh và khoản vay xanh tiếp tục là công cụ tài chính bền vững phổ biến nhất trên thị trường nợ GSS. 63,9% các giao dịch GSS bắt nguồn từ ASEAN là giao dịch xanh. Giao dịch bền vững chiếm 35,5%, tăng 26% so với năm 2020. Tỷ trọng phát hành nợ xã hội trong khu vực còn khá thấp, chiếm 0,6%.

screenshot-2022-06-20-094431-4866-165569

Nguồn vốn huy động từ các khoản nợ dán nhãn xanh ở ASEAN được sử dụng nhiều nhất cho bất động sản và năng lượng. Hai ngành này nhận 79,5% nguồn vốn thu được từ nợ xanh phát hành trong giai đoạn 2016-2021.

screenshot-2022-06-20-111336-1-7608-9854

Trái phiếu chính phủ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trái phiếu xã hội và bền vững, chiếm 51% lượng phát hành nợ xanh năm qua. Trong khi đó, trái phiếu của doanh nghiệp phi tài chính chiếm 79% khối lượng giao dịch xanh của ASEAN.

screenshot-2022-06-20-095822-1501-165569

Trong năm 2021, nợ liên kết bền vững chứng kiến mức tăng trưởng theo cấp số nhân, có thêm 27,5 tỷ USD trái phiếu liên kết bền vững (sustainability-linked bonds - SLB) và khoản vay liên kết bền vững (sustainability-linked loans - SLL). Tổng giá trị thị trường SLL và SLB vào cuối năm 2021 đạt khoảng 39 tỷ USD, tương đương với giá trị thị trường nợ xanh.

screenshot-2022-06-20-095958-8885-165569

Trong khi đó, thị trường trái phiếu chuyển đổi vẫn còn sơ khai. Theo báo cáo của Climate Bonds và HSBC, ASEAN ghi nhận trái phiếu chuyển đổi đầu tiên trong năm 2021 khi ngân hàng Xây dựng Trung Quốc ở Singapore phát hành hai tỷ USD trái phiếu nhằm hỗ trợ các ngành phát thải các-bon nhiều ở Trung Quốc như khí đốt và các hoạt động sản xuất điện khác, sản xuất và thép.

Điểm nổi bật ở các nước trong khu vực

Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều ghi nhận giá trị phát hành nợ GSS tăng lên so với năm 2020, còn Indonesia và Philippines lại giảm do lượng phát hành lớn trong năm 2020.

screenshot-2022-06-20-100524-3285-165569

Singapore

Singapore duy trì vị thế dẫn đầu khu vực với giá trị phát hành vốn nợ GSS đạt 13,6 tỷ USD trong năm 2021, trong khi năm 2020 ở mức 4,9 tỷ USD. Sự tăng trưởng này phần lớn đến từ các giao dịch xanh và phản ánh sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Singapore dành cho tài chính xanh. Nguồn phát hành nợ xanh của Singapore lớn nhất khối ASEAN, với tổng giá trị đạt 12 tỷ USD.

Singapore có cơ cấu đa dạng nhất về quy mô giao dịch, từ dưới 100 triệu USD tới trên một tỷ USD. Nguồn phát hành khoản vay và trái phiếu liên kết bền vững của Singapore cũng lớn nhất ASEAN tính tới cuối 2021, chiếm 94 trong tổng số 129 giao dịch với tổng giá trị đạt 33,6 tỷ USD, tương đương 84,5% của thị trường.

Thái Lan

Thái Lan là nguồn phát hành nợ bền vững lớn nhất khu vực với tổng giá trị đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 38% của thị trường xã hội và bền vững ASEAN. Phần lớn trái phiếu xanh phát hành trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng.

Thái Lan vươn lên dẫn đầu khu vực về phát hành xã hội và bền vững trong năm 2021 với khối lượng phát đạt 3,6 tỷ USD. Sự tăng trưởng này phần lớn là nhờ trong năm, chính phủ có 7 đợt phát hành trái phiếu bền vững để tài trợ vốn cho những dự án vận tải và có tác động xã hội nhằm hỗ trợ phục hồi sau Covid-19, với tổng giá trị lên đến 3,04 tỷ USD

Indonesia

Bên cạnh Singapore, cơ cấu quy mô giao dịch của Indonesia cũng trải từ dưới 100 triệu USD tới trên một tỷ USD. Tháng 9/2021, Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á phát hành trái phiếu chính phủ gắn với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), huy động được 584 triệu USD nhằm cung cấp vốn cho các dự án xã hội và môi trường.

Tính tới cuối năm trước, thị trường GSS+ của Indonesia chủ yếu là các giao dịch xanh nhưng thị phần của các công cụ tài chính bền vững và liên kết bền vững cũng tăng lên. Khối lượng nợ xanh có tỷ trọng lớn nhất thị trường Indonesia với 65%, theo sau là trái phiếu bền vững và các công cụ tài chính liên kết bền vững cùng đạt 15%. Trong khi đó, trái phiếu xã hội chiếm 5% thị phần.

Malaysia

Thị trường GSS+ của Malaysia ghi nhận tăng trưởng ba năm liên tiếp. Nhóm bền vững vẫn là công cụ tài chính phổ biến nhất, chiếm khoảng 511% tổng thị phần. Nợ xanh chiếm 29% thị trường, theo sau là các công cụ liên kết bền vững chiếm 20%. 

Tháng 4/2021, Chính phủ Malaysia phát hành trái phiếu Hồi giáo sukuk bền vững mệnh giá bằng USD đầu tiên trên thế giới, giao dịch có kỳ hạn 10 năm với giá trị đạt 800 triệu USD. Nguồn vốn huy động được sẽ sử dụng cho những dự án xanh và xã hội phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

Việt Nam

Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN trong năm 2021, với khối lượng đạt một tỷ USD. Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh đến từ ngành vận tải và năng lượng. 

2021 là năm thứ 3 liên tiếp tổng giá trị phát hành GSS Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ổn định, với 1,5 tỷ USD, gấp gần năm lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020. 

Philippines 

Thị trường Philippines đã chậm lại trong năm 2021 với tổng nợ GSS đạt 0,9 tỷ USD, giảm so với mức 2,3 tỷ USD trong năm 2020. Nước này ghi nhận hai đợt phát hành trái phiếu xanh trong năm 2021 từ ngành năng lượng. 

Nợ xanh từ Philippines chủ yếu có quy mô tầm trung (100-500 triệu USD), song có dao động với giao dịch quy mô nhỏ hơn 100 triệu USD và các giao dịch có giá trị lớn hơn từ 500 triệu đến một tỷ USD. Nhóm nợ yêu cầu mục đích sử dụng nguồn vốn (UoP debt) chiếm 93% tổng giá trị GSS+ ở thị trường Philippines, trong đó nợ xanh chiếm 52% và nợ bền vững chiếm 41%. Các công cụ tài chính liên kết bền vững chiếm 7% tổng giá trị phát hành lũy kế tính đến cuối năm 2021.

Link nội dung: https://biztoday.vn/thi-truong-von-no-ben-vung-cua-asean-lap-ky-luc-trong-nam-2021-327740.html