Trong bối cảnh chiến sự ở Donbass đang diễn ra căng thẳng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã đến Kiev vào ngày 16/6 và tại đây họ đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trong chuyến đi này, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tuyên bố ủng hộ việc Ukraine trở thành ứng cử viên thành viên Liên minh châu Âu (EU) và một ngày sau chuyến thăm này, Ủy ban châu Âu (EU) chính thức đề xuất tư cách ứng viên EU cho Ukraine, điều mà cuối cùng vẫn cần phải có sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên của khối.
Chuyến thăm này diễn ra chỉ một ngày sau chuyến công du của những nhà lãnh đạo các nước ứng cử viên EU như Ukraine là Albania, Montenegro và Bắc Macedonia. Họ đã đưa ra tuyên bố chung với ông Zelensky, ủng hộ việc trao cho Kiev tư cách thành viên EU.
Bình luận về vấn đề này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg rằng, đây là quyết định có chủ quyền của chính phủ Kiev và người dân Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, Moscow không phản đối việc Ukraine trở thành thành viên Liên minh châu Âu vì khối này không phải là mối đe dọa quân sự giống như NATO. Do đó, Nga sẽ không chống lại việc Ukraine gia nhập các liên minh kinh tế như EU.
Ông Putin nói rằng, liên quan đến hội nhập kinh tế của Ukraine với EU, đó là sự lựa chọn của họ và là điều đã phổ biến rộng rãi trên toàn châu Âu, ngay cả giữa các quốc gia không phải là thành viên Liên minh châu Âu.
Thế nhưng, các nguồn tin châu Âu cho rằng, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ý trong chuyến thăm vừa qua đã gây áp lực buộc Zelensky chấp nhận để mất Crimea và Donbass. Dường như các cường quốc châu Âu đã chấp nhận rằng, Nga sẽ đạt được mục tiêu của mình trong việc chiếm toàn bộ lãnh thổ Lugansk và Donetsk.
Tuy nhiên, việc Kiev làm theo những gì người châu Âu mong muốn - một kết thúc nhanh chóng cho cuộc chiến, sẽ vấp phải chướng ngại vật lớn là ước vọng kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine, khiến cho Nga ngày càng sa lầy và suy yếu, của chính quyền Joe Biden.
Mặc dù như vậy, nhiều khả năng các cường quốc châu Âu, bất chấp sức ép không ngừng từ Mỹ, Anh, Ba Lan và các nước Baltic, đang cố gắng làm cho Zelensky nhận ra rằng, nhượng bộ lãnh thổ là một thực tế mà ông phải chấp nhận nếu muốn nhanh chóng gia nhập EU.
Cho đến gần đây, EU tin rằng các lệnh trừng phạt sẽ buộc Nga phải chấm dứt hoạt động quân sự. Nhưng Điện Kremlin đã khẳng định rằng, các lệnh trừng phạt sẽ không thể ngăn cản được quyết tâm của Moscow trong việc đạt được các mục tiêu của mình ở vùng Donbass.
EU dường như giờ đây thừa nhận rằng, không thể thành lập một mặt trận chống Nga, bởi ngoài Mỹ, Anh và Ba Lan, cùng các quốc gia Baltic ra, không có cường quốc nào ủng hộ điều này, kể cả các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh như Saudi Arabia và UAE cũng không bày tỏ thái độ gì.
Trung Quốc sẽ không bao giờ bị thu hút vào một liên minh chống Nga, trong khi châu Âu nhận thêm cú sốc khi Ấn Độ không chấp thuận việc hủy hoại quan hệ đối tác thân thiết lâu dài hàng thập kỷ với Nga, thậm chí còn tăng cường thêm quan hệ kinh tế với Moscow.
Với sức ép lớn từ các nước chủ chốt của EU, có vẻ như cuối cùng thì ông Zelensky sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận một thực tế mới rằng, Ukraine một lần nữa trở thành một quốc gia nhỏ hơn về mặt lãnh thổ (mất thêm Donbass), sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ukraine-gia-nhap-eu-chap-nhan-mat-crimea-va-donbass-329851.html