Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) vừa hoàn tất phát hành lô trái phiếu có giá trị 300 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng. Số trái phiếu này hoàn tất ngày 16/6/2022 và đáo hạn ngày 22/3/2023.
Trước đó, ngày 17/5, Trungnam Group chào bán thành công lô trái phiếu có giá trị 400 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn ngày 16/3/2023.
Cách đó không lâu, ngày 5/4, Trungnam Group cũng hoàn tất chào bán lô trái phiếu tổng giá trị 2.000 tỷ đồng với kỳ hạn 2 năm, đáo hạn ngày 5/4/2024.
Đặc biệt, thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, trái chủ tại các lô trái phiếu đều không được doanh nghiệp công bố. Như vậy, trong ba tháng liên tiếp, Trungnam Group đã vay 2.700 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Đáng chú ý, trong hệ sinh thái của Trungnam Group còn có nhiều công ty thành viên khác đều phát hành trái phiếu lượng lớn thời gian qua.
Đơn cử như Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 huy động hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong thời gian chóng vánh vào khoảng tháng 6/2021 đến hết năm.
Tương tự, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh hồi tháng 2/2022 cũng hoàn tất chào bán lô trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng
Trong năm 2021, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cũng đã huy động thành công 2.400 tỷ đồng trái phiếu.
Theo giới thiệu trên website, Trung Nam Group đã trải qua 18 năm hoạt động với những bước tiến vượt bậc. Với hệ sinh thái đa ngành nghề bao gồm 5 lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất Động sản, Công nghiệp thông tin điện tử. Ông Nguyễn Tâm Thịnh là Chủ tịch HĐQT của Trungnam Group.
Ngày 28/4, Trungnam Group đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện đầu tư một số dự án về năng lượng và công nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng.
Tháng 2/2022, Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group , ông Nguyễn Ngọc Thảo cho biết, năm 2022, công ty sẽ đầu tư vào Đà Nẵng hơn 5.000 tỷ đồng. Đối với Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Đà Nẵng, công ty làm dự án Data Center theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 triệu USD; đưa vào vận hành tối thiểu hai nhà máy sản xuất điện tử; đầu tư và phát triển khu R&D,…
Với hàng loạt kế hoạch này, chắc chắn thời gian tới Trungnam Group sẽ còn “miệt mài” hơn nữa trong việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu.
Chính phủ đã có nhiều các cơ chế, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những cơ chế khuyến khích của Chính phủ là về giá mua điện mặt trời và điện gió đã tạo động lực thu hút được vốn đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Nhờ đó, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo liên tục được xây dựng, với sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vì các dự án đều có thời gian triển khai tương đối nhanh. Đa phần các dự án có lãi ngay trong năm đầu tiên vận hành thương mại, do được hưởng hỗ trợ giá mua điện FIT từ Chính phủ.
Các ngân hàng cũng ưu tiên cấp vốn, giúp doanh nghiệp đủ nguồn lực để đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo, kỳ vọng do nguồn tiền trả từ bán điện khá đều đặn và cao.
Vì vậy, Trungnam Group cũng đã đi vay hàng chục nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu, thông qua hợp tác với các ngân hàng để tìm kiếm nguồn tài chính nhằm nhanh chóng triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
Theo đó, năm 2018, Trungnam Group bắt đầu khá muộn khi đầu tư vào điện mặt trời, khởi công xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận với diện tích 264ha, tổng mức đầu tư là 5.000 tỷ đồng. Dự án này có công suất thiết kế 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm.
Kể từ thời điểm này, Trungnam Group liên tục tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tính trong 2 năm 2020 và 2021, tập đoàn này đã huy động khoảng 23.000 tỷ đồng từ trái phiếu, với lãi suất trung bình từ 9,5%/năm, kỳ tính lãi trung bình 3 - 6 tháng/lần.
Theo công bố của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Trungnam Group hiện là nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo phát hành trái phiếu nhiều nhất thị trường.
Tuy nhiên, cách đây không lâu, phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo dừng khai thác phần công suất không được hưởng ưu đãi giá FIT của 3 nhà máy điện thuộc sở hữu của Trung Nam Group.
Các nhà máy này gồm có: Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV (gọi tắt là dự án 450MW) của Trungnam Group là dự án đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.
Dự án có 277,88MW được hưởng giá điện 9,35 UScent/kWh, do nằm trong phạm vi 2.000MW công suất điện mặt trời tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Phần công suất còn lại hơn 172MW chưa được xác định cơ chế giá.
Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân 1.3 cũng dừng khai thác một phần công suất chưa có cơ chế giá, cho đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Ngay sau đó, Trungnam Group cũng đã có công văn gửi Thủ tướng, cho rằng “dừng khai thác hoàn toàn phần công suất chưa xác định giá của dự án sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư đối với các tổ chức tài trợ vốn, gia tăng áp lực việc trả nợ vay” của công ty.
Xét thấy tình trạng khó khăn của doanh nghiệp về nợ. Ngày 4/3, Công ty Mua bán điện (EPTC) đã có văn bản thông báo tiếp tục huy động lượng điện chưa có giá bán điện từ nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đang xây dựng dự thảo quy định về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Điểm cốt yếu là cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá điện. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ đàm phán giá với EVN trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Link nội dung: https://biztoday.vn/2700-ty-dong-trai-phieu-tiep-tuc-chay-ve-trungnam-group-330087.html