Giá cổ phiếu chứng khoán giảm sâu, cơ hội đầu tư đã đến?

Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh về điểm số, cũng như thanh khoản, cổ phiếu ngành chứng khoán đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ diễn biến này. Kể từ đầu năm, nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm bình quân 58% và là nhóm cổ phiếu, nhóm ngành có mức giảm mạnh nhất trên sàn niêm yết so với các nhóm cổ phiếu khác.

Xung quanh diễn biến giảm mạnh của nhóm cổ phiếu chứng khoán thời qua, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS).

Giá cổ phiếu chứng khoán giảm sâu, cơ hội đầu tư đã đến? - Ảnh 1.

Giá nhóm cổ phiếu chứng khoán đã giảm rất mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Minh họa.

PV: Thưa ông, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán đã giảm rất sâu trong thời gian gần đây. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về diễn biến giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán trên sàn từ đầu năm tới nay?

Ông Trần Hoàng Sơn: Cổ phiếu chứng khoán giảm rất mạnh trong hơn một tháng trở lại đây trước những biến động của thị trường, khi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất để đối phó với lạm phát. Trong bối cảnh các thị trường lớn sụt giảm mạnh về điểm số cũng như thanh khoản, cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán gần như đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ diễn biến này và mức giảm trong 2 tuần gần đây là lớn nhất so với các ngành đang niêm yết.

Kể từ đầu năm, nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm bình quân 58%, là nhóm cổ phiếu/nhóm ngành có mức giảm mạnh nhất trên sàn so với các nhóm cổ phiếu khác. Cụ thể, SSI (-61,54%), HCM (-58,35%), VND (-47,85%), VCI (-54,95%)… theo giá đóng cửa ngày 22/6.

PV: Theo dõi kết quả kinh doanh (KQKD) quý I/2022 và mùa đại hội cổ đông vừa qua, nhiều công ty chứng khoán vẫn lãi tốt và chưa có kế hoạch điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022, nhưng giá vẫn giảm sâu. Đành rằng là theo xu hướng của thị trường chung, nhưng theo ông thì còn nguyên nhân nào khác hay không?

Ông Trần Hoàng Sơn: Diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngoài chịu tác động của xu hướng thị trường chung thì chịu ảnh hưởng rất nhiều từ kỳ vọng lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp, chứ không phải là thành tích lợi nhuận của doanh nghiệp trong quá khứ.

Mặc dù, quý I/2022 KQKD của các công ty chứng khoán rất ấn tượng, song với sự chuyển biến nhanh của thị trường kỳ vọng kết quả kinh doanh ấn tượng đó khó có thể duy trì trong quý II/2022. Trụ cột doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán phụ thuộc vào các nghiệp vụ chính bao gồm: nghiệp vụ môi giới mà triển vọng phụ thuộc đáng kể vào thanh khoản của thị trường; nghiệp vụ cho vay ký quỹ trong đó triển vọng phụ thuộc vào mức độ sử dụng đòn bẩy của các nhà đầu tư; nghiệp vụ tự doanh với lợi nhuận phụ thuộc phần lớn vào mức độ thuận lợi của thị trường; nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (IB) phụ thuộc vào mức độ thuận lợi của thị trường trong việc IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu), huy động vốn của các doanh nghiệp.

Rất dễ thấy, so với quý I/2022 các điều kiện kinh doanh của công ty chứng khoán trong quý II/2022 đã kém thuận lợi hơn đáng kể: Thanh khoản trung bình của thị trường chứng khoán quý II/2022 giảm mạnh so với quý I. Dư nợ cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán cũng giảm từ 25 - 30%, do nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Diễn biến thị trường cũng không thuận lợi cho hoạt động tự doanh. Cuối cùng, hoạt động tư vấn và phân phối trái phiếu, một mảng kinh doanh hiệu quả, cũng đã giảm về quy mô.

Tất cả các yếu tố là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào các cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán diễn biến không thuận lợi trong thời gian vừa qua.

PV: Về thanh khoản, dù đúng là có giảm so với đỉnh cao năm 2021, nhưng thực tế thì mức 15.000 tỷ đồng/phiên đã là lý tưởng nếu so với trước đây. Theo ông, đâu là cơ hội cho các cổ phiếu công ty chứng khoán trong năm nay?

Ông Trần Hoàng Sơn: Trong bối cảnh điều kiện tài chính quốc tế đang trở nên eo hẹp và trở lại mức trước đại dịch Covid-19, khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất và giảm bớt các gói kích thích đã khiến thị trường chứng khoán trở nên bớt “nóng” hơn so với 2 năm trước. Dòng tiền rồi dào sẽ dần bị thu hẹp và kênh đầu tư chứng khoán sẽ phải cạnh tranh với kênh đầu tư vốn được xem là an toàn như trái phiếu, khi lãi suất đang nhích lên.

Thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE trong 3 tuần gần đây duy trì ở mức 15.000 tỷ đồng/phiên, thanh khoản toàn thị trường (cả 3 sàn) kể từ đầu năm tới nay đạt 26.000 tỷ đồng/phiên, tương đương với bình quân năm 2021. Tuy nhiên so với 6 tháng cùng kỳ năm ngoái, thanh khoản toàn thị trường vẫn tăng 15,65%.

Theo thống kê trên có thể thấy, thanh khoản kể từ đâu năm tới nay không tệ trong bối cảnh điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên eo hẹp. Theo đó, cổ phiểu của các công ty chứng khoán chủ yếu làm dịch vụ tài chính vẫn sẽ tích cực, trong khi đó cổ phiếu của công ty chứng khoán bị ảnh hưởng từ hoạt động tự doanh sẽ ít tích cực hơn, do thị trường quý II khó khăn và chỉ số VN-Index vẫn đang giảm hơn 20% kể từ đầu năm.

PV: Không được như năm ngoái, năm nay mảng doanh thu tư vấn và phân phối trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ khó khăn hơn. Theo ông, các mảng trên sẽ tác động thế nào tới kế hoạch kinh doanh mà các công ty chứng khoán đã đề ra?

Ông Trần Hoàng Sơn: Chúng tôi đánh giá mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của mảng này so với doanh thu và lợi nhuận tổng thể đối với từng công ty chứng khoán cụ thể. Trên thị trường hiện nay đa phần các công ty chứng khoán vẫn chủ yếu dựa vào mảng môi giới và cho vay ký quỹ là nền tảng cho kết quả kinh doanh, mặc dù mảng tư vấn và phân phối trái phiếu đã phát triển mạnh mẽ các năm gần đây. Chỉ một vài công ty chứng khoán mà doanh thu lợi nhuận phụ thuộc vào mảng tư vấn và phân phối trái phiếu và các công ty này là số ít.

Tác động chính đến kế hoạch kinh doanh của các công ty chứng khoán đang niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay phụ thuộc đáng kể vào thanh khoản thị trường chứng khoán, mức độ lạc quan của các nhà đầu tư trong quyết định sử dụng đòn bẩy. Do đó, chúng tôi không cho rằng, mức độ suy giảm của mảng doanh thu tư vấn và phân phối trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều đến các công ty chứng khoán niêm yết hiện nay.

PV: Giá cổ phiếu chứng khoán đã rất thấp, kể cả những doanh nghiệp nhóm đầu. Đặt vị thế là người đầu tư đang cầm tiền, ông có lựa chọn cổ phiếu nhóm này không? Vì sao và rủi ro nếu có là gì?

Ông Trần Hoàng Sơn: Nhóm cổ phiếu chứng khoán rất nhạy cảm với triển vọng tăng trưởng của thị trường và mức thanh khoản. Theo thống kê ở trên, thanh khoản thị trường năm nay vẫn được duy trì tương đương như năm ngoái, trong khi giá cổ phiếu nhóm này đã giảm rất sâu (bình quân giảm 58%), thậm chí có những cổ phiếu có mức giảm như giai đoạn khủng hoảng năm 2008.

Do đó, có thể chọn lọc đối với nhóm cổ phiếu này với các cổ phiếu có mảng dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng cao. Rủi ro đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chính là rủi ro thị trường chung, rất khó dự đoán.

PV: Xin cảm ơn ông!

Link nội dung: https://biztoday.vn/gia-co-phieu-chung-khoan-giam-sau-co-hoi-dau-tu-da-den-330300.html