Lợi dụng "số 0 tuyệt đối" nồng độ cồn, Bảo hiểm BSH chối bỏ trách nhiệm?

Công an và bệnh viện đã lập biên bản xác nhận người lái xe có “chỉ số bình thường” về nồng độ cồn, nhưng bảo hiểm vẫn từ chối bồi thường.

Gửi đơn đến Báo Giao thông, ông Tạ Văn Phong - chủ xe Mitsubishi Xpander BKS 30G-873.47 tường thuật sự việc ngày 2/10/2021, xe của ông do lái xe Lê Tiến Dũng (sinh năm 1980, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) điều khiển gặp tai nạn giao thông trên QL32 đoạn qua địa phận thôn Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Hậu quả vụ tai nạn khiến một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Ngọc đi xe đạp điện qua đường và lái xe Lê Tiến Dũng bị thương phải nhập viện, các phương tiện gồm 1 ô tô và 2 xe đạp hư hỏng.

hien-truong-vu-tngt-ngay-2-thang10-nam-2022-tai-thon-tay-dang-1656295486.jpg
Hiện trường vụ TNGT ngày 2/10/2022 tại thôn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), do lái xe thiếu chú ý quan sát

Theo hồ sơ do Đội CSGT số 9 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) cung cấp, biên bản cuộc làm việc giữa Đội CSGT số 9 với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, trực tiếp do bác sỹ Nguyễn Việt Hà - Trưởng khoa xét nghiệm sinh hóa của bệnh viện làm việc, ghi biên bản như sau:

“Tiến hành xét nghiệm nồng độ cồn (máu) của người bệnh Lê Tiến Dũng, chỉ định xét nghiệm lúc 13h35 ngày 2/10/2021. Kết quả 1,85mmol/L, chỉ số bình thường <10. Qua kết quả đo như trên, bác sỹ Nguyễn Việt Hà kết luận chỉ số nồng độ cồn của anh Lê Tiến Dũng là 8,53miligam/100ml máu (quy đổi từ 1,85mmol/L = 8,53miligam/100ml)”, trích biên bản làm việc.

ket-qua-xet-nghiem-nong-do-con-cua-anh-le-tien-dung-tai-benh-vien-da-khoa-ba-vi-1656295523.jpg
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của anh Lê Tiến Dũng tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì ngày 2/10/2021

Vì vậy, cơ quan công an ra kết luận vụ TNGT ngày 2/10/2021 của lái xe Lê Tiến Dũng là do thiếu tập trung chú ý quan sát, CSGT không xử phạt mà chỉ tuyên truyền nhắc nhở đối với anh Dũng để phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, quá trình thu thập hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm, chủ xe Tạ Văn Phong bị Tổng công ty CP bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (Bảo hiểm BSH) từ chối bồi thường với lý do “người điều khiển xe ô tô 30G-873.47 có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Tạ Văn Phong cho hay: “Người lái xe của tôi lúc đó không hề sử dụng rượu bia. Thực tế anh Dũng lái xe cũng bị thương dập ổ bụng, được nhập viện cấp cứu sau tai nạn chỉ 30 phút, ngay lập tức được chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn và kết quả thì như bác sỹ trưởng khoa đã xác nhận, nồng độ cồn là tự nhiên của cơ thể, mức 8,53mg quá thấp so với ngưỡng vi phạm là 50mg/100ml máu”.

Bởi vậy, ngày 22/4/2022 anh Tạ Văn Phong tiếp tục gửi văn bản khiếu nại bảo hiểm BSH về việc từ chối bồi thường, ngày 4/5/2022 phía bảo hiểm BSH phúc đáp bằng quan điểm “BSH bảo lưu việc từ chối bồi thường” đối với xe 30G-873.47 của anh Phong.

“BSH sẵn sàng phối hợp với quý khách hàng giải quyết vụ việc tại tòa khi có tranh chấp giữa khách hàng với BSH”, trích công văn trả lời khách hàng của Tổng công ty CP bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội.

ket-luan-cua-csgt-ve-nguyen-nhan-tai-nan-giao-thong-1656295559.jpg
Kết luận của CSGT về nguyên nhân tai nạn giao thông ngày 2/10/2021 giữa anh Lê Tiến Dũng và chị Nguyễn Thị Ngọc

Khi nghị định 100/2019 đặt ra các ngưỡng nồng độ cồn kèm theo mức xử phạt tương ứng, tức là ngưỡng đó được Nhà nước ấn định. Trường hợp của anh Dũng được công an lập biên bản tại bệnh viện đa khoa ghi nhận là 8,53mg/100ml máu, nghĩa là cơ quan có thẩm quyền đã xác nhận tình trạng cồn trong máu anh này ở ngưỡng bình thường, không phải nguyên nhân do bia rượu”.

“Nồng độ cồn sinh ra do chuyển hóa thức ăn là chuyện khoa học đã thừa nhận, còn nồng độ cồn đề cập trong các quy định pháp luật là cồn do sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khi lái xe, đương nhiên bị cấm. Chữ “nồng độ cồn” ở đây có 2 nội hàm rất khác nhau cần tách bạch rõ. Nếu không làm rõ, sẽ có rất nhiều người lái xe ra đường bị từ chối bảo hiểm oan, do tự nhiên trong cơ thể có cồn”, ông Đỗ Hồng Sơn lập luận.

Link nội dung: https://biztoday.vn/loi-dung-so-0-tuyet-doi-nong-do-con-bao-hiem-bsh-choi-bo-trach-nhiem-331067.html