Trong khi Nga đã vượt qua Ả Rập Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc, thì chỉ riêng tháng trước, Ấn Độ cũng đã mua khoảng 25 triệu thùng dầu thô giá chiết khấu từ Mátxcơva. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lưu ý tại diễn đàn BRICS về “mức tăng đáng chú ý trong việc xuất khẩu dầu Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ”.
Việc này khiến nhiều người suy đoán rằng các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ có thể đang “tái xuất khẩu” dầu thô Nga sang các thị trường khác, và quốc gia Nam Á này có thể đang đóng vai trò như “cửa sau” để dầu Nga tìm đường đến châu Âu.
Tờ The Guardian trích dẫn một số chuyên gia phương Tây cho biết việc Ấn Độ bán lại dầu thô đã qua chế biến của Nga là một bài toán thương mại dễ hiểu.
“Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ rõ ràng đang mua một lượng đáng kể dầu thô (với giá chiết khấu) của Nga và sau đó tái xuất khẩu dầu tinh chế sang nước khác”, Craig Howie - một nhà phân tích tại Shore Capital nói.
“Với mức giá xăng và dầu diesel hiện tại, việc này có lẽ sẽ mang lại lợi nhuận khủng cho các doanh nghiệp Ấn Độ”, ông Howie nói thêm.
Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) nhấn mạnh rằng khoảng 20% lượng hàng xuất khẩu từ nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ấn Độ ở Jamnagar (bang Gujarat) đã được đưa qua Kênh đào Suez trong tháng trước.
“Các lô hàng này được đưa đến Pháp, Ý và Anh. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy những lô hàng bao gồm dầu của Nga”, cơ quan này nói thêm.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng khoảng 27% sản lượng dầu thô nhập khẩu của nhà máy lọc dầu Jamnagar trong tháng 5 là đến từ Nga. Vào tháng 4, con số này chỉ là khoảng 5%.
Giữa những đồn đoán liên quan đến các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, tờ The Guardian dẫn lời một số nguồn tin trong ngành cho biết việc "truy vết các sản phẩm hydrocacbon" là gần như không thể.
Một số phương pháp có thể đang được sử dụng để “che giấu nguồn gốc dầu Nga”, là thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thay vì đô la, chuyển hàng sang các tàu khác, hoặc trao đổi dầu với các mặt hàng khác như vàng, thực phẩm hoặc vũ khí.
Nhiều con tàu cũng được cho là đang sử dụng phương pháp “đi đêm” bằng cách tắt hệ thống nhận dạng tự động của họ khi ở trên biển.
Giá dầu thô hiện đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy loại bỏ dần nguồn cung dầu thô của Nga để trả đũa chiến dịch quân sự đặc biệt của Mátxcơva ở Ukraine.
Người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel hồi tháng trước cho biết khối 27 quốc gia sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vào cuối năm nay. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm ngoái, khoảng 23% lượng dầu nhập khẩu của EU là đến từ Nga.
Kể từ khi Nga bị áp đặt các lệnh trừng phạt đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng cường thu mua dầu thô của Nga. Việc này vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Tuần trước, điều phối viên chiến lược truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) John Kirby nói rằng Tổng thống Biden muốn Ấn Độ “tham gia” vào làn sóng giảm mua dầu của Nga.
Ấn Độ - trong khi đó - liên tục bảo vệ quyết định tăng cường quan hệ năng lượng với Mátxcơva vì quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 8 năm, phần lớn là do giá dầu leo thang và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tại một hội nghị an ninh ở thủ đô Bratislava của Slovakia vào tháng này, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã phản ứng với lời chỉ trích của Brussels về việc New Delhi mua dầu thô Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông S. Jaishankar kêu gọi châu Âu loại bỏ suy nghĩ rằng "vấn đề của họ là vấn đề của thế giới, nhưng vấn đề của thế giới lại không phải là vấn đề của châu Âu".
Link nội dung: https://biztoday.vn/bao-anh-nghi-an-do-la-cua-sau-de-dua-dau-nga-vao-chau-au-331398.html