Đề xuất chuyển khu chế xuất Tân Thuận thành nơi hậu cần cho trung tâm Tài chính quốc tế

Khu chế xuất Tân Thuận đang được đề xuất trở thành khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao, làm hậu cần cho Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm. Khu vực này sẽ kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành một quần thể, tạo điểm nhấn đối xứng hai bên sông Sài Gòn.

Ngày 28/6, Quận ủy quận 7 phối hợp với Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cho rằng, cần nghiên cứu điều chỉnh chức năng Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao, làm hậu cần cho Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo ông Nguyễn Văn Đua, việc này nếu làm đồng bộ với điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đang được tiến hành thì "rất thuận lợi, khả thi".

Một góc Khu chế xuất Tân Thuận.

Bên cạnh đó, nghiên cứu chính sách hỗ trợ, tác động đến các nhà đầu tư hạ tầng khu chế xuất, hạ tầng khu công nghiệp, đến các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp Việt Nam và FDI để di dời nhà máy. Bao gồm cả việc xem xét cho kéo dài thêm thời gian cho thuê đất so với thời gian còn lại của nhà đầu tư hạ tầng Khu chế xuất Tân Thuận đã được thuê, đủ để nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư dịch vụ an tâm đầu tư; cũng như chính sách cho thuê đất, kéo dài thêm thời gian thuê đất thỏa đáng ở Khu công nghiệp Hiệp Phước.

Ngoài ra, chính sách cần đạt tác động kép sao cho quá trình dịch chuyển đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, các nhà máy này được đổi mới công nghệ đạt trình độ tiên tiến hơn, với năng suất lao động hơn, gắn với việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ.

Phó chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành cho biết, khu chế xuất Tân Thuận được lập cách đây hơn 30 năm, là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, mô hình kiểu mẫu, tiền đề ra đời hàng loạt khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM và cả nước.

Khu chế xuất Tân Thuận nằm ở phường Tân Thuận Đông, cửa ngõ quận 7 gồm 10 phường, với hơn 360.000 dân. Nơi đây giáp sông Sài Gòn, cách quận 1 khoảng 5 km. Khu có gần 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công sản xuất truyền thống. Hiện, 195 ha đất tại đây được dùng để xây nhà máy, kho. Khu chế xuất sẽ hết hạn thuê đất vào ngày 23/9/2041.

Theo ông Thành, công năng sử dụng của Khu chế xuất Tân Thuận không còn phù hợp định hướng phát triển của quận, đem nguồn thu ngân sách thấp, không tương xứng quy mô diện tích, vị trí và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, quận đề xuất thành phố sớm chuyển đổi nơi đây thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở và dịch vụ thương mại. Khu vực này sẽ kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành một quần thể, tạo điểm nhấn đối xứng hai bên sông Sài Gòn.

PGS.TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM cũng đề nghị, cần xem lại và có thể ngưng phát triển công nghiệp tại quận 7. Trước hết, nơi đây không thành lập mới cơ sở tiểu thủ công nghiệp, nhà máy, có lộ trình di dời cơ sở sản xuất ra ngoại thành hoặc tỉnh lân cận.

Với Khu chế xuất Tân Thuận, bà Hiền cho rằng cần có lộ trình chuyển đổi dần ngành sản xuất công nghiệp, gia công lắp ráp sang ngành công nghệ cao, tự động hóa, hạn chế tối đa sử dụng công nhân lắp ráp, gia công. Về lâu dài, nơi đây cần được chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu, thí nghiệm ngành tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, sản xuất phần mềm.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, TPHCM cần đánh giá lại công năng của Khu chế xuất Tân Thuận để tái cơ cấu. Đồng thời, địa phương phải tính toán xem nơi đây có còn dư địa để phát triển theo hướng công nghiệp hay không.

Theo ông Mãi, nếu chỉ định vị quận 7 trong khu Nam của TPHCM và trong TPHCM là chưa đủ, bởi ngoài vị trí là cửa ngõ phía Nam của TPHCM theo trục kết nối Đông-Tây, quận còn có vị trí là trục ven biển. Như vậy, quận 7 có thuận lợi cả về đường bộ và đường thủy. Ông Phan Văn Mãi cho rằng, nếu chiến lược phát triển ra biển tốt, quận 7 sẽ là nơi tiếp cận và khai thác lợi thế mặt tiền biển rất hiệu quả.

Nhắc đến mục tiêu phát triển TPHCM thành trung tâm giao thương quốc tế, là điểm đến hấp dẫn của thế giới và đến năm 2030 là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa, ông Mãi yêu cầu quận 7 phải phát triển theo định hướng trên; đồng thời phải xác định được mình ở đâu trong trung tâm giao thương quốc tế, sẽ chiếm bao nhiêu thị phần của điểm đến hấp dẫn này.

Với sứ mệnh đó, ông Mãi lưu ý quận 7 phải nhanh chóng cụ thể hóa mục tiêu là trung tâm dịch vụ thương mại; tập trung phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các lợi thế, nhất là lợi thế sông nước để phát triển du lịch giải trí, trung tâm về y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao.

Link nội dung: https://biztoday.vn/de-xuat-chuyen-khu-che-xuat-tan-thuan-thanh-noi-hau-can-cho-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-331517.html