LTS: Hiện cả nước có khoảng 13.000 bệnh viện và phòng khám tư nhân. Theo số liệu thống kê năm 2021 của Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), hàng ngày, các cơ sở y tế trên thải ra khoảng 45 tấn rác và từ 30.000 đến 100.000 m3 nước thải.
Theo quy định, rác thải y tế phải được phân loại tương ứng và có quy trình xử lý đúng phương pháp để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động đến môi trường. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội buông lỏng những quy định về xử lý rác thải y tế. Đây là hiểm họa đối với môi trường sống của các thế hệ tương lai bởi nếu không được xử lý đúng cách, chất thải độc hại có trong chất thải y tế có thể gây nhiễm độc nguồn nước, ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Rác thải y tế nhưng xử lý theo quy trình thông thường
Tại Bệnh viện E, bệnh viện đa khoa trung ương hạng I trực thuộc Bộ Y tế với quy mô hơn 1.000 giường bệnh. Người Đưa Tin đã liên tục theo dõi trong nhiều ngày và nhận thấy nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định về phân loại, xử lý chất thải y tế tại cơ sở này.
Theo quy định, chất thải thông thường và chất thải y tế sẽ được bao gói trong các túi bóng mang màu sắc khác nhau, lần lượt là màu xanh và màu vàng.
Khu tập kết của Bệnh viện E cũng được phân chia thành 2 khu riêng biệt, tương ứng với từng loại chất thải.
Tuy nhiên, khi ghi nhận, chúng tôi nhận thấy rất nhiều rác thải y tế được bao gói thành chất thải thông thường để đưa đi xử lý theo quy trình của rác thải sinh hoạt. Ngay cả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều nhân viên y tế tại đây cũng hết sức lơ là trong khâu phân loại từ nguồn.
Qua quan sát, có thể dễ dàng nhận thấy các lọ đựng hóa chất, kim tiêm, thậm chí là dịch truyền còn dính nguyên máu bệnh nhân được “núp bóng” rác thải sinh hoạt.
Để loại trừ trường hợp đây chỉ là nhầm lẫn nhất thời, liên tục trong 3 ngày, phóng viên Người Đưa Tin theo sát hoạt động thu gom, xử lý rác thải y tế tại đây thì tình trạng trên đều xuất hiện.
Tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Nhi TW (La Thành, Đống Đa, Hà Nội), có quy mô 1300 giường bệnh, ước tính, mỗi ngày bệnh viện Nhi tiếp đón khoảng 2000 lượt bệnh nhân. Tình trạng tương tự cũng xảy ra khi cả 4 ngày phóng viên xâm nhập khu tập kết rác thải của cơ sở này, đều phát hiện chất thải y tế, có cả chất thải dính mẫu bệnh phẩm thải bỏ, được trộn lẫn với rác thải sinh hoạt để đưa đi xử lý theo phương pháp thông thường.
Mở rộng tìm hiểu tại hơn 20 bệnh viện khác trên địa bàn thành phố Hà Nội như bệnh viện Việt Nam- Cu Ba; Bệnh viện 19/8; Bệnh viện Đống Đa; Bệnh viện Nội tiết TW…. tất cả đều xuất hiện tình trạng trên. Thậm chí, tại Bệnh viện 19/8, xuất hiện những vật sắc nhọn như kim tiêm đã qua sử dụng, băng gạc còn dính máu người bệnh
Hiểm họa khôn lường từ sự tắc trách
Theo quan sát của phóng viên, Công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên là đơn vị thu gom và xử lý rác của Bệnh viện E, còn tại bệnh viện Nội tiết TW là Công ty môi trường Sông Hồng.
Đi sâu vào tìm hiểu phương pháp xử lý rác thải của hai đơn vị này, phóng viên nhận thấy, đây là hai đơn vị chỉ có kinh nghiệm trong việc xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt bằng phương pháp truyền thống, chôn lấp. Không hề có kinh nghiệm hay phương pháp xử lý đặc thù đối với rác thải y tế.
Người Đưa Tin đã theo dấu những túi rác y tế “núp bóng” rác thải sinh hoạt về bãi rác Nam Sơn, thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nơi rác thải sẽ được xử lý cuối cùng bằng phương pháp chôn lấp.
Theo quan sát, bãi rác Nam Sơn hiện nay chỉ có duy nhất một hình thức xử lý là chôn lấp rác tại các hố tập thể. Như vậy, về lâu dài, số rác thải y tế tích tụ theo ngày tháng sẽ gây nhiễm độc nguồn nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, chất thải y tế được phân ra thành bốn loại chính.
Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu hủy hoàn toàn.
Chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn (bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền dịch, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác), chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (bông, băng, gạc); chất thải có nguy cơ lây nhiễm (bệnh phẩm và dụng cụ đựng dính bệnh phẩm); chất thải giải phẫu (các mô, cơ quan, bộ phân cơ thể người, rau thai, bào thai); chất thải hóa học nguy hại (dược phẩm quá hạn, kém phẩm chất không còn khả năng sử dụng, chất hóa học ngy hại sử dụng trong y tế), chất thải chứa kim loại nặng (thủy ngân từ nhiệt kế, huyết áp kế bị vỡ)…
Chất thải lỏng y tế nguy hại được phát sinh từ các hoạt động chuyên môn (từ các phòng phẫu thuật, xét nghiệm, thí nghiệm…) và sinh hoạt của nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người chăm nuôi (từ các nhà vệ sinh, giặt giũ, từ việc làm vệ sinh phòng bệnh. Đối với nước thải bệnh viện ngoài những yếu tố ô nhiễm thông thường như chất hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn thông thường còn có những chất bẩn khoáng và hữu cơ đặc thù như các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh, các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Chất thải thông thường (hay chất thải không nguy hại) là chất thải không chứa các yếu tố lây nhiễm, hóa học nguy hại, phóng xạ, dễ cháy nổ, bao gồm: chất thải sinh hoạt phát sinh từ các buồng bệnh (trừ các buồng bệnh cách ly); chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế (chai, lọ thủy tinh, chai lọ huyết thanh, các vật liệu nhựa, các loại bột bó trong gãy xương kín. Những chất thải này không dính máu, dịch sinh học và các chất hóa học nguy hại); chất thải phát sinh từ các công việc hành chính (giấy , báo, tài liệu, túi nilon…); chất thải ngoại cảnh (lá cây, rác ở các khu vực ngoại cảnh.
“Các vật sắc nhọn như kim tiêm không chỉ gây nên những vết cắt, đâm gây nên bệnh tật, tổn thương cơ thể mà còn gây nhiễm trùng vết thương nếu vật sắc nhọn đó bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Nếu không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng qui định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái” PGS.TS Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh.
Như vậy, mối nguy từ rác thải y tế đến sức khỏe con người, môi trường sống đã rõ. Vấn đề ở đây là các bệnh viện có biết những hàng động này của các đơn vị thu gom, xử lý rác? Bởi trong quá trình thực hiện phóng sự, phóng viên không hề thấy có bất kỳ sự kiểm tra, giám sát nào từ phía các bệnh viện.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường đã phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm tại nhiều cơ sở y tế như quản lý chất thải y tế nguy hại không đúng quy định, để lẫn chất thải y tế nguy hại với các chất thải y tế thông thường, để nước thải y tế xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Điển hình nhất là vụ việc xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khi hệ thống xử lý nước thải và khí lò đốt của cơ sở này khiến cho người dân không khỏi bức xúc.
Để hoạt động xử lý rác thải y tế đi vào quy củ, gìn giữ môi trường sống, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, rất cần sự vào cuộc của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường để chấm dứt những vi phạm tại các cơ sở y tế.
Theo quy định tại Thông tư 20/2021/TT-BYT, chất thải y tế được phân định làm hai loại, chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.
Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ ở gần nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh bằng thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải, trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM CAO”, được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải lây nhiễm để xử lý hoặc chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định;
Điều 12 của Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định rõ về quá trình chuyển giao chất thải y tế đối với các cơ sở không tự xử lý chất thải y tế. Theo đó, chất thải y tế nguy hại phải được chuyển giao cho đơn vị có giấy phép phù hợp theo quy định của pháp luật và phải có sự giám sát, theo dõi đầy đủ về số lượng.
Đơn vị nhận chuyển giao chất thải y tế phải thực hiện vận chuyển theo quy định, không làm thất thoát chất thải y tế ra bên ngoài. Chất thải y tế phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Cụ thể là sử dụng lò đốt hoặc sử dụng hệ thống hấp tiệt trùng kết hợp nghiền cắt để giảm thể tích của rác thải. Với các bệnh phẩm, nhu mô bắt buộc phải xử lý đốt.
Link nội dung: https://biztoday.vn/rac-thai-y-te-nup-bong-rac-sinh-hoat-331571.html