Ngày 7/7, trước Văn phòng thủ tướng ở phố Downing, London, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức, thừa nhận ông cảm thấy "buồn" vì phải "từ bỏ công việc tốt nhất trên thế giới".
Bài phát biểu từ nhiệm trước công chúng được đưa ra sau khi khoảng 50 thành viên chính phủ Anh, bao gồm các bộ trưởng nội các nộp đơn xin từ chức chỉ trong 48 giờ đồng hồ. Họ nói rằng, họ không còn niềm tin vào sự lãnh đạo của ông Johnson, sau nhiều bê bối dồn dập "bủa vây" chính phủ do ông lãnh đạo.
Ba năm trước, ông Johnson bước lên đỉnh cao quyền lực nhờ lời cam kết sẽ hoàn thành tiến trình Brexit - màn chia tay tốn kém của Anh với Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc bầu cử năm 2019, đảng Bảo thủ dưới sự lãnh đạo của ông giành chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, sự ủng hộ giành cho ông dần phai nhạt sau một chuỗi các bê bối liên tiếp nhau.
Hồi tháng 4, Thủ tướng Johnson bị phạt vì đã vi phạm quy tắc phong tỏa toàn quốc chống Covid-19 hồi năm 2020. Khi cả nước Anh bị cấm tụ tập đông người để phòng dịch, ông Johnson đã tham gia một bữa tiệc được tổ chức nhân dịp sinh nhật ông.
Thêm vào đó, ông cũng đã phải xin lỗi vì tham gia một bữa tiệc khác ở văn phòng tại phố Downing trong lần Anh ban hành lệnh phong tỏa đầu tiên.
Mặt khác, cảnh sát Anh đã ban hành tổng cộng 126 vé phạt cho 83 người vì đã vi phạm các quy tắc phong tỏa chống dịch ở phố Downing và Whitehall (khu vực ở London có tập trung nhiều cơ quan chính phủ Anh).
Vụ việc gây ra phản ứng phẫn nộ trong công chúng Anh khi vào thời điểm ông Johnson và cấp dưới vi phạm, người dân nước này đang phải tuân thủ nghiêm ngặt các mệnh lệnh phong tỏa nhằm phòng chống dịch bệnh.
Vào thời điểm đó, Thị trưởng London Sadiq Khan đã kêu gọi ông Johnson từ chức. "Các gia đình đã phải hy sinh và tuân thủ quy định. Nhiều người đã nói lời tạm biệt cuối cùng tới người thân qua điện thoại trong khi Thủ tướng Johnson lại tham gia tiệc tùng", ông Khan nói.
Tháng 12 năm ngoái, ông Johnson nói với quốc hội Anh rằng "mọi quy tắc đều được tuân thủ tại dinh thủ tướng (về phòng dịch)". Giờ đây ông lại tiếp tục bị một ủy ban quốc hội điều tra về việc ông có cố ý cung cấp thông tin sai lệch cho cơ quan lập pháp hay không.
Đây không chỉ là vụ bê bối duy nhất ông Johnson vướng phải. Hồi tháng 10/2021, một ủy ban của Hạ viện đã đề nghị đình chỉ 30 ngày đối với Owen Paterson - khi đó là một nghị sĩ của đảng Bảo thủ cầm quyền.
Ủy ban trên cáo buộc ông Paterson đã phá vỡ các quy tắc vận động hành lang, để cố gắng mang lại lợi ích cho các công ty đã trả phí cố vấn cho chính trị gia này.
Tuy nhiên, đảng Bảo thủ do ông Johnson dẫn đầu đã bỏ phiếu để trì hoãn việc đình chỉ ông Paterson và lập ra một ủy ban nhằm xem xét quy trình điều tra của hạ viện Anh.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, chính phủ của ông Johnson đã phải đảo ngược quyết định khi bị dư luận phản ứng dữ dội. Công chúng và cử tri Anh đã đặt câu hỏi về tính liêm chính của các nhà làm luật và động thái của chính phủ.
Sau hàng loạt tranh cãi, ông Paterson cuối cùng đã nộp đơn xin từ chức, trong khi ông Johnson thừa nhận đã xử lý vụ việc không xác đáng.
Chưa dừng lại ở đó, vụ bê bối gần nhất liên quan tới ông Johnson được cho đã khiến dư luận và thậm chí các đồng minh của ông quay lưng với nhà lãnh đạo này.
Ngày 29/6, nghị sĩ đảng Bảo thủ Chris Pincher tới một câu lạc bộ ở London và thừa nhận ông "đã uống quá chén" và có hành động "tự làm xấu mặt chính mình". Ông Pincher đã từ chức sau đó.
Chính trị gia trên bị cáo buộc "đụng chạm" 2 người đàn ông, và bê bối này đã khiến truyền thông Anh "khai quật" lại hàng loạt thông tin trong quá khứ.
Theo BBC, ông Pincher từng đối mặt với những cáo buộc tương tự về hành vi quấy rối tình dục vào năm trước. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi ở đây là ông Johnson đã bổ nhiệm ông Pincher vào vị trí quan chức chịu trách nhiệm cho việc đảm bảo kỷ luật của các nghị sĩ đảng Bảo thủ hồi tháng 2.
Ban đầu, phía ông Johnson nói rằng, ông "không biết về các cáo buộc" chống lại ông Pincher trước đó. Nhưng sau đó, ông Johnson thừa nhận đã biết về các thông tin nói trên vào năm 2019 nhưng vẫn bổ nhiệm ông Pincher. Ông Johnson đã xin lỗi nhưng điều này không đủ để xoa dịu dư luận bày tỏ sự bất bình với người đứng đầu chính phủ vì hàng loạt những bê bối liên tiếp xảy ra.
Việc ông Johnson bị sụt giảm tỷ lệ ủng hộ không chỉ xuất phát từ những bê bối đơn lẻ, mà theo BBC, đó là tổng hòa của nhiều động thái và chính sách gây tranh cãi ông đưa ra trong vài năm qua.
Theo giới quan sát, ông Johnson mang lại chiến thắng cho đảng Bảo thủ với một cam kết rõ ràng về thực hiện Brexit khi tiến trình này bị đình trệ và bế tắc trong thời gian dài.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kể từ đó tới nay, chính quyền của ông Johnson bị chỉ trích là "thiếu tập trung và thiếu ý tưởng".
Cựu cố vấn của ông Johnson, Dominic Cummings, nhận định lãnh đạo cũ của ông là một người dễ thay đổi, dễ mất kiểm soát. Trên thực tế, hình ảnh của ông Johnson được biết tới là một lãnh đạo khác biệt so với những chính trị gia "theo tiêu chuẩn". Ông thường có các phát ngôn thẳng thắn, nhưng đôi khi cũng gây tranh cãi. Nghị sĩ đảng Bảo thủ và Jeremy Hunt thậm chí nhận định ông Johnson thiếu tầm nhìn của một nhà lãnh đạo.
Một trong những yếu tố khiến công chúng Anh giảm đi sự ủng hộ với ông Johnson trong thời gian qua là do tình hình kinh tế có dấu hiệu gặp phải khủng hoảng ở Anh.
Lạm phát ở Anh đang gia tăng nhanh chóng vào năm 2022, lên mức 9,1% vào thời điểm hiện tại. Nhiều nguyên nhân, như tác động từ chiến sự Nga - Ukraine, đã làm giá dầu và lương thực tăng phi mã.
Sự quyết liệt của ông Johnson trong việc kêu gọi trừng phạt Nga vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, được xem là một trong những yếu tố thúc đẩy phương Tây ban hành "bão" trừng phạt lên Moscow.
Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu với cường quốc năng lượng, "vựa lương thực của thế giới" là Nga, phương Tây, trong đó có Anh, không tránh khỏi việc bị tác động ngược.
Trong khi lãnh đạo các cường quốc châu Âu khác như nước Pháp, Đức tích cực vận động Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán để tìm cách tháo gỡ xung đột và làm giảm thiểu tác động của chiến sự tới thế giới, chính phủ của ông Johnson lại chủ trương ủng hộ đường lối cứng rắn với Nga, thông qua việc tăng viện trợ vũ khí và kêu gọi gia tăng trừng phạt Moscow. Kết quả là, cuộc chiến đang kéo dài và chưa biết bao giờ sẽ tiến tới hồi kết.
Nền kinh tế Anh đã bị tác động tiêu cực bởi chiến sự một cách gián tiếp , ngay khi họ đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực đã gây ra ảnh hưởng lớn lên xã hội Anh, khiến sự ủng hộ với chính quyền giảm sút.
Trong khi chính phủ Anh đã thực hiện một số động thái làm dịu cuộc khủng hoảng - ví dụ cắt giảm thuế nhiên liệu 5% mỗi lít - họ cũng có động thái gây tranh cãi khi quyết định tăng thuế đóng vào quỹ bảo hiểm quốc gia vào tháng 4.
Chính phủ Anh giải thích, việc tăng thuế nhằm chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, việc tăng thuế trong lúc cả nước đang gặp khó khăn về kinh tế khiến nhiều người dân Anh bất bình.
"Giữa cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong hàng thập niên, chính phủ quyết định tăng thuế trên nhóm người lao động", lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer chỉ trích.
Theo AP, ông Johnson luôn muốn trở thành thần tượng Winston Churchill - cố Thủ tướng Anh, người đã chèo lái quốc gia này qua thời điểm khủng hoảng tồi tệ.
Tuy nhiên, khi ông Johnso vẫn đang cố gắng giải quyết các vấn đề trong và ngoài nước, những bê bối và quyết định gây tranh cãi đã khiến chính phủ của ông mất đi cơ hội để thực hiện các chính sách mà họ mong muốn.
Sau làn sóng từ nhiệm đầu tiên từ các quan chức, ông Johnson ngày 6/7 vẫn tuyên bố ông không có ý định rời bỏ vị trí thủ tướng, viện dẫn sự ủng hộ rất lớn từ cử tri trong cuộc bầu cử năm 2019.
Tuy nhiên, sự cố khiến "giọt nước tràn ly" đã xảy ra khi Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Sajid Javid và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nộp đơn xin từ chức cách nhau chỉ 10 phút. Hai ông Javid và Sunak lý giải rằng họ xin từ chức vì bất bình với việc cách điều hành chính phủ của ông Johnson, đặc biệt với vụ việc nghị sĩ Pincher.
Đây được xem là yếu tố kích hoạt làn sóng từ chức ồ ạt trong chính phủ Anh khi 2 bộ trưởng nội các xin thôi việc. Bộ trưởng Giáo dục Michelle Donelan, người mới chỉ được bổ nhiệm vài ngày trước, cũng xin từ chức. Cho tới sáng 7/7, khoảng 50 quan chức đã bày tỏ sự bất tín nhiệm với ông Johnson khi xin nghỉ việc.
Sự rời đi của ông Sunak và Javid - 2 quan chức nắm giữ vị trí quan trọng, đã khiến tình hình đổi khác và áp lực lên ông Johnson đã gia tăng dồn dập. BBC đã gọi sự kiện này bằng từ "bom tấn" khi nó tác động mạnh tới cục diện chính trường Anh.
Thêm vào đó, hai quan chức vốn là đồng minh của ông Johnson đã sử dụng các ngôn từ mạnh mẽ để chỉ trích ông.
"Công chúng thực sự mong đợi chính phủ được điều hành một cách đúng đắn và nghiêm túc. Tôi tin rằng những tiêu chuẩn này đáng để đấu tranh và đó là lý do tại sao tôi từ chức", ông Sunak nói.
Trong bài phát biểu từ chức, ông Javid nói: "Tại một thời điểm, chúng ta phải chấp nhận rằng như vậy là quá đủ rồi. Tôi tin thời điểm đó đã tới. Vấn đề nằm ở chính người đứng đầu".
Sự từ chức của các bộ trưởng nội các và đồng minh đã gây áp lực rất lớn lên ông Johnson và ông thừa nhận rằng, các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ muốn có một lãnh đạo và thủ tướng mới. Ông cuối cùng đã chấp nhận việc rời bỏ vị trí lãnh đạo chính phủ.
Tuyên bố từ chức của ông Johnson đã gây ra 2 thái cực trái ngược ở Nga và Ukraine - 2 quốc gia đang trong xung đột quân sự hơn 4 tháng qua.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính quyền Anh do ông Johnson lãnh đạo cùng với Ba Lan và các nước Baltic là những bên thường xuyên đưa ra các phát ngôn mạnh mẽ và kêu gọi phương Tây có động thái cứng rắn với Moscow.
Điện Kremlin đã gọi ông Johnson là "lãnh đạo có quan điểm chống Nga tích cực nhất", theo Guardian. "Ông ấy không thích chúng tôi. Chúng tôi cũng không thích ông ấy", phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov cho biết. Ông Peskov cũng nói rằng, ông hy vọng lãnh đạo mới của Anh sẽ "chuyên nghiệp hơn" và có thể "ra quyết định thông qua đối thoại".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, ông Johnson gặp phải phản ứng ngược khi cố gắng gây tổn hại cho Nga. Bà nói rằng, bài học rút ra trong sự việc này là: "Đừng cố tìm cách phá hủy Nga".
Theo giới quan sát, phát ngôn của bà Zakharova ẩn chứa thông điệp rằng, các biện pháp chống Nga cứng rắn của Anh nói riêng và phương Tây nói chung đang khiến chính các nước này phải chịu tổn thương. Trên thực tế, không chỉ Anh mà nhiều quốc gia phương Tây đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giá năng lượng tăng phi mã, kéo theo lạm phát gia tăng vì các biện pháp trừng phạt Nga.
Diễn biến này khiến giới chuyên gia hoài nghi về khả năng chống chịu của phương Tây khi cuộc chiến Nga - Ukraine có nguy cơ kéo dài. Trước áp lực từ dư luận trong nước, phương Tây có thể đối mặt với kịch bản không thể thống nhất sách lược đối phó với Nga, hoặc không thể duy trì sự kiên nhẫn chiến lược để tiếp tục trừng phạt Moscow.
Gần đây nhất, chính phủ thân phương Tây của Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đã không thể vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và phải giải thể. Một trong những nguyên nhân dẫn tới kịch bản này chính là việc Nga cắt khí đốt cho Bulgaria vì nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Một cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng đã khiến chính phủ Bulgaria mất đi sự ủng hộ cần thiết để tiếp tục duy trì.
Phó chủ tịch hội đồng an ninh của Nga, Dmitry Medvedev, cho rằng việc ông Johnson từ chức là "kết quả hợp lý của sự kiêu ngạo và chính sách có vấn đề của Anh".
"Những người bạn thân nhất của Ukraine đang rời đi. Chúng tôi đang chờ tin tức từ Đức, Ba Lan và các nước Baltic", cựu tổng thống Nga viết trên Telegram.
Theo Guardian, tuyên bố từ chức của ông Johnson có thể khiến cho Ukraine hoang mang khi ông là một trong những lãnh đạo ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine suốt thời gian qua.
Cố vấn tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak đã gửi lời cảm ơn sự ủng hộ của ông Johnson với Ukraine, nhấn mạnh ông luôn đi đầu khi viện trợ cho Kiev.
Một khảo sát hồi tháng 6 cho thấy ông Johnson là lãnh đạo nước ngoài nổi tiếng nhất ở Ukraine, với 90% người trả lời bày tỏ sự ủng hộ. Con số này chỉ thấp hơn 3% so với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Một quan chức giấu tên của Ukraine tin rằng, Anh sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng hỗ trợ Kiev trong chiến sự với Nga.
Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ phụ thuộc vào việc lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ và của Anh là ai. Liệu người này sẽ có quan điểm với Nga cứng rắn như ông Johnson hay không? Liệu người kế nhiệm ông có chủ trương theo chính sách ủng hộ giải pháp thúc đẩy thương lượng hay vẫn sẽ theo đường lối của ông Johnson? Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới cục diện chiến sự Nga - Ukraine và rộng hơn là các diễn biến tiếp theo trên thế giới.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhung-be-boi-va-giot-nuoc-tran-ly-khien-thu-tuong-anh-phai-tu-chuc-335424.html