Loạt dự án BĐS bỏ hoang tại Tập đoàn Bảo Việt sẽ ra sao khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sắp có hiệu lực?

Tập đoàn Bảo Việt được giao nhiều khu “đất vàng” với diện tích hàng nghìn m2, thế nhưng nhiều năm qua hàng loạt dự án bất động sản bị bỏ hoang, chậm tiến độ

Khi nhắc đến Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH), người ta nghĩ ngay đến một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu Việt Nam nhưng nhiều năm gần đây, Tập đoàn Bảo Việt đã mở rộng đầu tư đa ngành với các dịch vụ tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản…

Đáng chú ý, một số lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn này cho đến nay đều có kết quả không mấy khả quan, điển hình là lĩnh vực bất động sản.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Bảo Việt hiện có 6 công ty con, trong đó Công ty TNHH MTV Đầu tư Bảo Việt (BVInvest) có tỷ lệ sở hữu 100%. Đây là công ty con chuyên kinh doanh bất động sản, tư vấn đầu tư xây dựng và cung cấp máy móc thiết bị.

Đáng nói, kết quả kinh doanh của BVInvest ít được Tập đoàn Bảo Việt nhắc tới trong hệ sinh thái của mình.

Theo báo cáo thường niên năm 2019, BVInvest ghi nhận 265 tỷ đồng doanh thu nhưng đến năm 2020 doanh thu giảm nhẹ, mang về 263 tỷ đồng. Về phần lợi nhuận, phía công ty mẹ không công bố cụ thể.

bao-viet-1657256964.jpg

Nhiều dự án bất động sản tại Tập đoàn Bảo Việt bị bỏ hoang

Theo thông tin trên Petrotimes, hàng loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư bị bỏ hoang, chậm tiến độ, bị thanh tra trên địa bàn Thành phố Hà Nội bao gồm: Dự án Tháp tài chính quốc tế IFT địa chỉ 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; Dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy. Dự án Nhà ở cao tầng để bán thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì.

Trong cuộc họp của HĐND TP. Hà Nội năm 2021, TP đã có Báo cáo kết quả tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.Trong đó, thường trực HĐND TP. Hà Nội nhắc đến Dự án Nhà ở cao tầng để bán (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) của Tập đoàn Bảo Việt là 1 trong số 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng.

Theo tìm hiểu, năm 2019 dự án Dự án Nhà ở cao tầng để bán do Tập đoàn Bảo Việt - Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt – Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt làm chủ đầu tư có Quy mô xây dựng: 32.973m2”, tổng mức đầu tư 300 tỷ đã được UBND TP. Hà Nội tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra số 727/KL-STNMT-TTr ngày 8/4/2019. Bên cạnh đó, dự án này cũng đã được gia hạn 24 tháng tại Quyết định số 3661/QĐ-UBND ngày 9/7/2019. Thế nhưng, đến nay, dự án Nhà ở cao tầng Bảo Việt trên vẫn chỉ là một bãi đất trống bị bỏ hoang.

bao-viet-2-1657256965.jpg

bao-viet-3-1657257003.jpg Dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT của Tập đoàn Bảo Việt tại 220 Trần Duy Hưng quây tôn, cây cối mọc um tùm, gây mất mỹ quan đô thị/Ảnh: Mạnh Tưởng (Petrotimes)

Bên cạnh đó, năm 2005, Tập đoàn Bảo Việt đã được giao đất để triển khai dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 tại số 220 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, vào năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt thành lập Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt với vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt Nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, SCIC là 50%.

Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, dự án “khủng” này của Bảo Việt hiện vẫn chỉ là một bãi đất trống, cây cối mọc um tùm dù Tập đoàn Bảo việt đã góp gần 119 tỷ đồng để cùng SCIC thực hiện dự án (số tiền SCIC bỏ ra cho dự án cho đến lúc này cũng là gần 200 tỷ).

Tập đoàn Bảo Việt còn một dự án khác tại huyện Mê Linh, Hà Nội từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm, đó là Dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Bảo Việt đã liên kết với Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt với phần góp vốn hơn 65 tỷ đồng để đầu tư dự án này. Công ty Long Việt cũng chính là là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội).

Sau gần 20 năm được giao đất, hiện dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh vẫn đang bị bỏ hoang.

Ngoài các dự án chậm triển khai trên, Tập đoàn Bảo Việt hiện là chủ đầu tư dự án xây văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại là Seven Star) tại lô đất D27 2,2 ha quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011. Dự án có tổng mức đầu tư 4.436,790 tỷ đồng; trong đó: tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng.

Đáng nói, dự án này cũng đang nằm \'trên giấy\', chưa có dấu hiệu được liên danh chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản

Sáng ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 469 đại biểu (bằng 94,18% tổng số đại biểu) tán thành. Luật này có 157 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là luật quy định rõ, doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng.

Doanh nghiệp bảo hiểm cũng được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.

Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm khi đầu tư ra nước ngoài phải tách biệt việc đầu tư và không được dùng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Về người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm, theo quy định của luật thì "phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc có chứng chỉ bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm hoặc chứng chỉ môi giới bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.

Trước khi đại biểu bấm nút biểu quyết, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tra cho hay, có ý kiến cho rằng việc tổ chức thi, cấp, cấp đổi, thu hồi chứng chỉ bảo hiểm... nên để tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia thực hiện.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy, do kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

”Để bảo đảm chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực, cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm tương tự như quy định đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán”, ông Thanh nói.

Có thể thấy, việc doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản chắc chắn sẽ là trở ngại lớn đối với Tập đoàn Bảo Việt.

Link nội dung: https://biztoday.vn/loat-du-an-bds-bo-hoang-tai-tap-doan-bao-viet-se-ra-sao-khi-luat-kinh-doanh-bao-hiem-sap-co-hieu-luc-335449.html