Vì sao các công ty 'mua trước, trả sau' Đông Nam Á vẫn sống khoẻ khi nhiều 'ông lớn' Phương Tây lao đao?

Nhiều diễn biến kinh tế vĩ mô đang tỏ ra bất lợi đối với các công ty cung cấp dịch vụ "mua trước trả sau".

dich-vu-mua-truoc-tra-sau-1657339667.jpeg
Mới chỉ gần đây “mua trước trả sau” (hay BNPL, buy-now-pay-later) vẫn là một “cơn sốt” fintech mới trên toàn cầu. Thế nhưng, hiện tại, dường như gió đã đổi chiều với “cơn sốt” này. (Ảnhh: WSJ). 

Với lạm phát tăng, lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái, việc vận hành một công ty dịch vụ "mua trước trả sau" (BNPL) đang trở nên đắt đỏ hơn.

Nhiều công ty BNPL ở Phương Tây đã bắt đầu chịu sức ép đến từ việc trả nợ không đúng hạn và chi phí vay cao hơn. Klarna, một trong những công ty tiên phong ở mảng BNPL, chứng kiến định giá rơi từ 45,6 tỷ USD hồi năm ngoái xuống còn 6 triệu USD sau khi thực hiện sa thải nhân sự. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Affirm giảm xuống mức 17,20 USD ở thời điểm thực hiện bài viết, từ mức đỉnh 168,5 USD hồi tháng 11 năm ngoái.

Thêm vào đó, cạnh tranh ở mảng BNPL cũng đang tăng mạnh khi nhiều ngân hàng cũng như các ông lớn công nghệ như Apple đã tham gia vào “bữa tiệc”.

Dù vậy, nhiều công ty BNPL tại Châu Á như Atome hay Hoolah vẫn chia sẻ với Tech in Asia sự lạc quan rằng sản phẩm trả sau vẫn đang thu hút mạnh sự chú ý đồng thời đang trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng.

Thực tế, ông David Chen, CEO Atome, tin rằng mức lạm phát hiện tại “có thể tăng việc sử dụng các sản phẩm BNPL” vì BNPL giúp người dùng quản lý dòng tiền và ngân sách hàng tháng. Điều này đặc biệt chính xác ở các thị trường Đông Nam Á, nơi nhiều người chưa tiếp cận được với các hình thức tín dụng ngân hàng.

“Kinh doanh vẫn đang diễn ra như bình thường”

Akulaku, một công ty fintech Indonesia, kỳ vọng thị trường tín dụng nói chung vẫn sẽ tăng trưởng “với tốc độ cao” khi các nền kinh tế mở cửa, giám đốc tài chính Akulaku Fan Zhang nói với Tech in Asia hồi tháng trước.

Khác với Atome (chỉ cung cấp các dịch vụ BNPL), các công ty như Akulaku hoạt động ở nhiều mảng hơn. Bên cạnh BNPL, nó còn cung cấp các dịch vụ như tín dụng tiêu dùng, ngân hàng số, quản lý tài sản và môi giới bảo hiểm. Akulaku và các công ty như Kredivo cung cấp sự kết hợp của cả 2 giải pháp là trả góp không có lãi suất và có lãi suất, trong đó giải pháp có lãi suất mang đến thêm nguồn doanh thu cho các công ty.

Ngược lại, Atome không thu lãi cho các gói thanh toán trả góp của mình, ngay ở các thị trường có tỷ lệ mất thanh khoản với khoản vay cao và người dùng mới tiếp cận với các khoản tín dụng như Indonesia, Việt Nam hay Philippines. Atome hiện đang hoạt động tại 9 thị trường ở Châu Á.

Một số người cho rằng mô hình kinh doanh của Atome, mặc dù hấp dẫn khách hàng, là một mô hình kém bền vững khi doanh thu chủ yếu đến từ phí từ các nhà bán hàng. Ông Greg Knasnow, CEO Tonik, nhận định nguồn doanh thu này thường không đủ để bao phủ được chi phí đến từ việc cho vay ngắn hạn.

Dù vậy, theo Atome, tỷ lệ mất khả năng thanh toán của nó “chưa đến 1% ở tất cả các thị trường”, tương đương với tỷ lệ của Klarna hồi năm ngoái.

Bên cạnh vấn đề tỷ lệ mất khả năng thanh toán các khoản vay, mức độ đón nhận Atome ở các thị trường như Indonesia, Philippines và Thái Lan vẫn “rất tích cực”, ông Chen nói. Ở Thái Lan, tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) đã tăng 10 lần trong năm ngoái.

Tương tự, Hoolah, một công ty BNPL mà ShopBack thâu tóm hồi năm ngoái, cho biết mục tiêu tăng trưởng doanh thu và người dùng trong năm 2022 không bị ảnh hưởng cho tới thời điểm hiện tại, theo ông Arvin Singh, CEO Hoolah.

Tỷ lệ nợ xấu vẫn “rất thấp” khi phần lớn các giao dịch được hoàn trả đúng hạn, ông Singh nói thêm.

Với việc mới chỉ chiếm được ước tính 3% thị trường bán lẻ, các công ty BNPL trong khu vực vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Bên cạnh đó, mức độ trưởng thành và bão hoà của thị trường cũng có nhiều điểm khác biệt so với các thị trường Phương Tây, ông Singh chia sẻ thêm.

Dù vậy, môi trường vĩ mô khắc nghiệt hơn đã khiến ít nhất một công ty BNPL ở Ấn Độ phải thay đổi mô hình kinh doanh. Slice bắt đầu áp dụng mức lãi suất 36% cho các khoản thanh toán nhiều hơn 1 lần trả góp vào tháng này. Ban đầu, Slice công bố sản phẩm trả góp “Pay-in-3” không áp dụng lãi suất.

Tìm kiếm nguồn vốn

Các công ty BNPL tìm kiếm nguồn vốn theo nhiều cách khác nhau. Klarna có vốn từ các khoản tiền gửi khi đồng thời hoạt động như một ngân hàng. Trong khi đó, một phần ba hoạt động của Affirm có nguồn từ hoạt động chứng khoán hoá. Hiểu một cách đơn giản, công ty này “đóng gói” các khoản vay cá nhân cho khách hàng và bán một phần cho các nhà đầu tư.

Tương tự, tại Đông Nam Á, cả Akulaku và Kredivo đều có chiến lược ngân hàng số, tuy nhiên hiện tại mới chỉ tập trung tại Indonesia.

Một số công ty khác không có lợi thế nguồn vốn từ tiền gửi khách hàng như Hoolah và Atome tìm nguồn từ vốn vay từ các đơn vị cho vay quốc tế, ngân hàng hoặc các nền tảng tín dụng thay thế khác. Những hợp đồng tín dụng này sẽ có lãi suất thả nổi và sẽ tăng theo lãi suất tham chiếu của FED, theo Tech in Asia.

Lend East, công ty chuyên kết nối giữa bên cho vay và bên cần vốn, nói rằng “có mức tăng lãi suất đáng kể” mà nó đang thu từ bên đi vay, mặc dù mức tăng chưa tương xứng với tỷ lệ FED tăng lãi suất. Hồi tháng 3, công ty này mở rộng khoản vay 10 triệu USD cho Akulaku.

Ở thời điểm hiện tại, các công ty như Hoolah và Atome dường như chưa bị ảnh hưởng nhiều từ đợt tăng lãi suất nhờ các hợp đồng tín dụng kéo dài nhiều năm mà họ đã ký trước đó.

Về phần mình, Atome nói rằng công ty này “không dựa vào vốn vay” để vận hành hoặc mở rộng. Thay vào đó, Atome tìm kiếm các hợp tác chiến lược, ví dụ như với Standard Chartered Bank, để tiếp cận khoản vốn 500 triệu USD trong 10 năm tới.

Mặc dù chi tiết của hợp tác không được chia sẻ công khai, nhiều khả năng cả 2 bên đã cùng thoả thuận chốt với nhau một mức lãi suất cố định. CEO Atome cho biết các hợp tác như đối với Standard Chartered Bank “là cực kỳ quan trọng trong việc phòng vệ lãi suất tăng”.

Mới đây, Apple công bố sản phẩm mua trước, trả sau của riêng mình. Dù vậy, ngay cả với Apple, mở rộng vào Châu Á không phải một điều dễ dàng. Đặc biệt là trong bối cảnhh Android vẫn là hệ điều hành phố biến nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, lịch sử tín dụng của khách hàng trong khu vực này cũng có nhiều điểm khác biệt và thậm chí không tồn tại, theo Tech in Asia.

Link nội dung: https://biztoday.vn/vi-sao-cac-cong-ty-mua-truoc-tra-sau-dong-nam-a-van-song-khoe-khi-nhieu-ong-lon-phuong-tay-lao-dao-336047.html