Tính đến ngày 11/7, theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, Việt Nam đang có tổng cộng 7 cái tên, bao gồm bao gồm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Thaco Group Trần Bá Dương.
Trong đó, người giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, người sở hữu khối tài sản ròng trị giá 5,1 tỷ USD. Ông Vượng đồng thời cũng là người giàu thứ 497 trên thế giới. Dù vậy, theo dữ liệu của Forbes, tính đến 3h chiều 11/7 (giờ Việt Nam), giá trị khối tài sản ròng của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã giảm khoảng 283 triệu USD so với ngày hôm trước.
Nguyên nhân dẫn tới việc khối tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng giảm mạnh có thể đến từ việc trong phiên giao dịch sáng 11/7, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM và VRE đồng loạt giảm mạnh. Kết phiên giao dịch ngày 11/7, giá đóng cửa bộ ba cổ phiếu họ Vingroup lần lượt là VIC (70.000 đồng/cổ phiếu), VHM (60.500 đồng/cổ phiếu) và VRE (26.000 đồng/cổ phiếu).
Không chỉ tỷ phú Phạm Nhật Vượng mà phần lớn tỷ phú Việt trong danh sách của Forbes đều chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm so với ngày hôm trước. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chứng kiến khối tài sản ròng giảm 12 triệu USD, ông Bùi Thành Nhơn giảm 20 triệu USD, ông Trần Đình Long giảm 18 triệu USD, ông Hồ Hùng Anh giảm 65 triệu USD và ông Nguyễn Đăng Quang giảm 48 triệu USD.
Trong số các tỷ phú Việt, chỉ duy nhất ông Trần Bá Dương và gia đình chứng kiến giá trị khối tài sản ròng tăng lên, song mức tăng cũng không đáng kể, chỉ khoảng 0,32 triệu USD, tương đương 0,02%.
Năm nay, tạp chí Forbes đã chốt danh sách tỷ phú toàn cầu từ tháng 3. Thời điểm mới chốt danh sách tỷ phú toàn cầu, nhóm tỷ phú Việt nắm giữ khối tài sản ròng có tổng giá trị 21,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tính tới hiện tại, tức ngày 11/7, nhóm tỷ phú Việt đang nắm giữ khối tài sản ròng có tổng giá trị 17,4 tỷ USD, đồng nghĩa với việc gần 4 tỷ USD đã “bốc hơi” chỉ sau 4 tháng.
Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ duy nhất tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người lọt vào danh sách top 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới. Trong khi đó, các tỷ phú Việt khác đều nằm ngoài top 1.000.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (1.085), ông Bùi Thành Nhơn (1.103), ông Trần Đình Long (1.553), ông Hồ Hùng Anh (1.563), ông Nguyễn Đăng Quang (1.818) và ông Trần Bá Dương & Gia đình (1.876).
Thực tế, một số tỷ phú Việt khác cũng từng có thời điểm lọt vào top 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới. Chẳng hạn, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long từng giữ vị trí thứ 892, khi ông sở hữu khối tài sản ròng trị giá 3,4 tỷ USD.
Dù vậy, từ tháng 3, ông Trần Đình Long là người chứng kiến giá trị khối tài sản ròng “bốc hơi” nhiều nhất so với các tỷ phú Việt khác. Khi tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú năm 2022, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nắm giữ khối tài sản ròng trị giá 3,2 tỷ USD, nhưng hiện chỉ còn 1,9 tỷ USD, giảm 1,3 tỷ USD, tương đương hơn 40%.
Một phần nguyên nhân dẫn tới việc ông Long chứng kiến khối tài sản ròng của mình “bốc hơi” cả tỷ USD đến từ việc giá cổ phiếu HPG tụt dốc. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HPG đóng cửa ở phiên giao dịch ngày 11/3, tức ngày Forbes chốt danh sách tỷ phú toàn cầu năm 2022 là 45.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, kết phiên giao dịch ngày 11/7, giá cổ phiếu HPG chỉ đóng cửa ở mức 22.050 đồng/cổ phiếu.
Tỷ phú Bùi Thành Nhơn, người mới nhất của Việt Nam gia nhập danh sách tỷ phú Forbes cũng chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm tương đối. Thời điểm mới công bố danh sách tỷ phú toàn cầu năm 2022, ông Nhơn nắm giữ khối tài sản ròng trị giá 2,9 tỷ USD, giảm 200 triệu USD so với con số vào ngày 11/7.
Tuy nhiên, khi so với mức đỉnh mà ông từng đạt được vào sáng 6/4, giá trị khối tài sản ròng của ông Nhơn đã giảm 0,6 tỷ USD. Cụ thể, theo The Real Time Billionaires List của Forbes, tính đến sáng 6/4, ông Nhơn đã có bước nhảy vọt từ vị trí 1.053 thế giới lên 904 thế giới, sở hữu khối tài sản ròng có giá trị lên tới 3,5 tỷ USD, đồng thời cũng trở thành người giàu thứ hai Việt Nam vào thời điểm đó dù mới xuất hiện.
Mặc dù đây là năm mà Việt Nam có nhiều tỷ phú USD nhất xuất hiện trong danh sách được tạp chí Forbes công bố, nhưng thực tế con số này vẫn còn kém so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, trong danh sách năm 2022 của Forbes, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia có ít nhất một tỷ phú được vinh danh, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, theo số liệu được cập nhật trên The Real Time Billionaires List sáng 8/4.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ong-pham-nhat-vuong-mat-hon-280-trieu-usd-trong-mot-ngay-duy-nhat-ong-tran-ba-duong-co-tai-san-tang-337309.html