Chính phủ Argentina mới đây đã quyết định kéo dài thêm 3 tháng chương trình “đóng băng" giá các mặt hàng thiết yếu nhằm giảm thiểu tình trạng lạm phát đã ở mức cao. Cụ thể, Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernández đã ban hành sắc lệnh ấn định mức giá trần của 949 mặt hàng đến ngày 7-10 tới. Ngoài ra, chính phủ cũng đang tiến hành đàm phán với các doanh nghiệp để thống nhất biểu giá mới cho giỏ tiêu dùng cơ bản tại nước này.
Ngay từ tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Argentina đã thiết lập mức giá tham chiếu của 1.432 mặt hàng thực phẩm và gia dụng để chặn đà tăng lạm phát. Sau đó 3 tháng, danh sách này tăng lên thành 1.763 sản phẩm và được kéo dài đến ngày 7-7.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc “đóng băng” giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa đủ để giúp kìm được lạm phát vốn ngày càng leo thang do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát tại Argentina trong tháng 5 tăng 60,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong ba thập kỷ qua.
Chẳng riêng nền kinh tế Mỹ Latin, các quốc gia châu Á cũng đang trải qua làn sóng lạm phát ảnh hưởng đáng kể đến sinh kế và đời sống người dân. Ngay cả những nền kinh tế hàng đầu châu lục như Ấn Độ và Hàn Quốc cũng không thoát khỏi mối lo trước áp lực giá cả tăng nhanh.
Lạm phát lương thực ở Ấn Độ dự kiến sẽ vượt 9% trong nửa cuối năm nay, trong khi tại Hàn Quốc, Ngân hàng Trung ương cho biết lạm phát trong năm nay có thể sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm.
Trong một nỗ lực giúp các hộ gia đình thu nhập thấp chống chọi bão giá, một số nước Đông Nam Á còn đưa ra các gói trợ cấp trực tiếp tiền mặt cho người dân. Theo Nikkei Asia, Singapore đã công bố một gói kích thích trị giá 1,5 tỷ SGD (tương đương 1,07 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.
Những cá nhân có thu nhập dưới 34 nghìn SGD/năm sẽ được hỗ trợ tối đa 300 SGD vào tháng 8 tới. Tài xế taxi và người giao hàng đang gặp khó khăn với giá nhiên liệu cao sẽ nhận được khoản hỗ trợ 150-300SGD. Ngoài ra, tất cả các hộ gia đình sẽ nhận được một khoản tín dụng tiện ích trị giá 100SGD. Chính phủ cũng sẽ trợ cấp tài chính cho các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm vừa và nhỏ đang sử dụng thiết bị tiết kiệm nhiên liệu.
Tại Malaysia, chính phủ nước này đã thông qua gói hỗ trợ khổng lồ trị giá 70 tỷ Ringgit (tương đương gần 16 tỷ USD) nhằm giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao. 8,6 triệu đối tượng thuộc các hộ nghèo sẽ được chính phủ hỗ trợ tiền mặt với tổng trị giá 142 triệu USD. Chính phủ Malaysia cũng đã ngừng tăng phí điện và nước vào ngày 24-6.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đã gia hạn các biện pháp hỗ trợ đang thực hiện cho đến tháng 9. Hỗ trợ này bao gồm trợ cấp hằng tháng chi phí gas nấu ăn cho những người có thu nhập thấp và giữ ổn định giá xăng cho các tài xế taxi.
Các biện pháp này được thực hiện trong bối cảnh giá hàng hóa, thực phẩm và nhiên liệu tăng cao gây áp lực lạm phát rất lớn đối với các nền kinh tế châu Á. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Thái Lan đã tăng 7,66% so với một năm trước đó, đánh dấu mức cao nhất trong 14 năm. CPI tháng 5 của Singapore cũng tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc tung ra các gói hỗ trợ mới vào lúc này sẽ gây rủi ro cho tình hình tài chính quốc gia của các nước khi mà họ vốn đã chịu nhiều áp lực trong thời gian ứng phó với đại dịch Covid-19. Năm ngoái, Thái Lan đã nâng trần nợ công từ mức 60% lên 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cùng năm, Malaysia cũng nâng trần nợ công từ 60% lên 65% GDP.
Mục tiêu đặt ra cho các quốc gia hiện nay là chú trọng kiềm chế sức ép lạm phát nhưng không làm giảm quá mức tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là thách thức lớn nhất mà các nền kinh tế đang phải giải quyết. Bên cạnh đó, tăng sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài, bảo đảm đủ dự trữ nguồn cung những mặt hàng thiết yếu, trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa được đẩy lùi, cũng vô cùng cần thiết.
Link nội dung: https://biztoday.vn/muon-kieu-chong-bao-gia-337376.html