Điểm danh địa phương, bộ ngành “đội sổ”
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, trong cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau, có địa phương, bộ, ngành lại có kết quả giải ngân cao, nhưng có đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào.
Dự án metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) đang giải phóng mặt bằng, vốn ODA giải ngân bằng 0 ảnh: Đin Lê
Là một trong những đầu tàu kinh tế cả nước, năm 2022, các dự án của TP Hồ Chí Minh có tổng vốn ODA trên 10.000 tỷ đồng. Nhưng đã hết 6 tháng đầu năm, con số giải ngân vốn của địa phương này vẫn bằng 0. Một số dự án chậm giải ngân tiêu biểu như: Dự án metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương), tiến độ đạt khoảng 3,9%, vốn ODA giải ngân 0 đồng. Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 2), tiến độ đạt khoảng 86,7%, vốn ODA và vốn đối ứng đều giải ngân 0 đồng. Dự án vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2, tiến độ đạt khoảng 59%, vốn ODA giải ngân 0 đồng.
Theo lí giải của địa phương này, thì chậm giải ngân là do đang thực hiện thủ tục về giao kế hoạch vốn hằng năm. Một số dự án đang điều chỉnh, đàm phán ký kết các phụ lục hợp đồng với nhà thầu.
Cũng là một trong những địa phương xếp “đội sổ” trong giải ngân ODA, đại diện tỉnh Bến Tre cho biết, Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre vốn đầu tư 210 tỷ đồng giải ngân đang chậm nhất. Khó khăn lớn nhất của dự án do nhà tư vấn mới, lần đầu làm thủ tục tại Việt Nam nên thủ tục phức tạp. Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân, tỉnh Bến Tre kiến nghị cơ quan chức năng cho phép thanh toán theo cơ chế trong nước.
“Dự án vay ốn ODA nên phải thực hiện thủ tục, cam kết như hợp đồng vay vốn và thông lệ quốc tế, không thể thanh toán theo cơ chế trong nước. Bộ Tài chính đề nghị tỉnh Bến Tre cố gắng thực hiện”, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nói.
Không chỉ địa phương, nhiều bộ, ngành chậm giải ngân vốn ODA. Dù là cơ quan tham mưu, xây dựng Luật Đầu tư công sửa đổi song nửa đầu năm 2022, giải ngân vốn của Bộ KH&ĐT cũng rơi vào tình trạng “rùa bò”. Lí giải về con số giải ngân vốn ODA vẫn “giậm chân tại chỗ”, ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT) cho biết, dự án xây dựng quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (vay vốn ODA của Bộ KH&ĐT) không giải ngân được.
“Theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý, sử dụng vốn ODA, nguồn vốn này không được sử dụng cho chi thường xuyên. Đây cũng là điểm nghẽn của rất nhiều dự án của địa phương, bộ ngành hiện nay”, đại diện Bộ KH&ĐT chỉ rõ.
Cũng theo ông Mai, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT tổng hợp ý kiến của bộ ngành, địa phương về vướng mắc của Nghị định 114 để sửa đổi, nhằm tạo điều kiện giải ngân vốn ODA và báo cáo Chính phủ trước ngày 30/6. Dù nhiều lần thông báo, đôn đốc nhưng chỉ có Bộ GTVT gửi góp ý tới Bộ KH&ĐT, trong khi bộ ngành, địa phương “hững hờ”.
Thẳng tay cắt vốn đơn vị đòi trả ODA
Để biện minh cho tình trạng chậm giải ngân ODA, lí do muôn thuở được các địa phương, bộ ngành nêu ra như: Chậm giải phóng mặt bằng; khác biệt về quản lý hợp đồng giữa Việt Nam với nhà tài trợ nước ngoài; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư mất nhiều thời gian…
“Nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân vốn vay nước ngoài chủ yếu xuất phát từ thực tế không có khối lượng công việc hoàn thành để giải ngân. Ngoài ra, còn có nhiều vướng mắc liên quan nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu...”, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết.
“Vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 rất lớn khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng cho phục hồi nền kinh tế”. Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết
Sau nửa năm gặp vướng mắc trong giải ngân, hiện một số bộ, ngành rục rịch gửi văn bản tới Bộ KH&ĐT xin trả lại vốn ODA. Tình trạng này thực chất đã diễn ra từ các năm trước đây, tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất mà các đơn vị đòi trả lại vốn cần lưu ý đó là: Từ năm 2022 sau khi Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực, bộ ngành xin trả lại vốn ODA sẽ bị điều chuyển vốn và giảm vốn trong kế hoạch vốn trung hạn.
Để thúc đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, Bộ Tài chính yêu cầu, bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án; kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân. Điều chuyển kế hoạch vốn giữa dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Đối với trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao.
“Vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 rất lớn khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng cho phục hồi nền kinh tế”, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết.
Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 114 theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, nhằm tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn nước ngoài.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chậm giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA sẽ gây ra lãng phí. Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính cần có biện pháp để nâng cao trách nhiệm của người đứng ra xin vốn và trực tiếp thực hiện.
“Cơ quan chức năng cần quy định chặt chẽ trách nhiệm giải trình, trách nhiệm tài chính. Bộ, ngành, địa phương nhận vốn nhưng giải ngân chậm, xin trả lại, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, cần vốn phục hồi sau dịch bệnh, việc nhận vốn rồi trả lại gây lãng phí, cần xử lý nghiêm”, ông Doanh kiến nghị.
Link nội dung: https://biztoday.vn/hang-chuc-ngan-ty-von-oda-dang-mac-ket-338315.html