Khu Công nghiệp Tân Tạo. Ảnh: Internet
Vừa qua, ngày 15/4, TAND TP HCM tiếp tục chỉ định thêm quản tài viên Chu Minh Đức thuộc Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Sen Việt (Công ty Sen Việt) làm quản tài viên quản lý, thanh lý tài sản đối Công ty Tân Tạo.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) cũng có văn bản nhắc nhở Công ty Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) công bố công khai thông tin mở thủ tục phá sản.
TAND TP HCM ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Tân Tạo. Ảnh: NL |
Công ty Tân Tạo bị mở thủ tục phá sản vì còn có nhiều chủ nợ khác ngoài Công ty Quốc Linh
Mới đây, ngày 28/6, bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Tạo đã có thông tin phản hồi về vấn đề mở thủ tục phá sản. Thông tin được cung cấp dưới dạng "đơn kêu cứu" tới lãnh đạo Nhà nước.
Trong đơn, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết, vào tháng 5, 6/2022, HOSE, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi nhiều công văn yêu cầu ITA công bố thông tin tòa án mở thủ tục phá sản đối với ITA. Quyết định mở thủ tục phá sản số 56 ngày 25/1/2018 của TAND TP HCM căn cứ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Quốc Linh. Công ty Quốc Linh không đề nghị thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự mà yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhằm buộc Công ty Tân Tạo phải thanh toán cho Công ty Quốc Linh theo bản án xét xử năm 2017 là hơn 21 tỷ đồng. Bản án phúc thẩm ngày 5/1/2021 của TAND tỉnh Long An là hơn 27 tỷ đồng (tiền lãi 13,54 tỷ đồng)...
Công ty Tân Tạo đang đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm trên và Bản án sơ thẩm ngày 18/9/2020 của TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho rằng bản án sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều sai phạm... Công ty Tân Tạo không có bất cứ giao dịch kinh tế nào với Công ty Quốc Linh. Công ty Tân Tạo chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến cho rằng, việc buộc phá sản Công ty Tân Tạo là dựa trên hồ sơ giả mạo và bất bình thường, lộ rõ "sự vô lý đến kinh ngạc" trong khi đơn vị có tổng giá trị tài sản là 13.273 tỷ đồng và là công ty niêm yết, công ty đầu đàn trong việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam nhưng chỉ vì một khoản giả mạo chiếm chưa tới 0,2% tổng giá trị tài sản mà lại phải công bố phá sản.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tòa tuyên buộc Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Việt Nam (VNLand) và Công ty Tân Tạo liên đới phải trả cho Công ty Quốc Linh khoản nợ hơn 27 tỷ đồng, đã trải qua 4 phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm rồi đến thủ tục giám đốc thẩm tại TAND Cấp cao.
Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm lần 2, tòa án vẫn xác định và căn cứ vào những chứng cứ do Công ty Quốc Linh nộp lên là chính xác, đúng sự thật.
Vì sao Công ty Tân Tạo phải liên đới chịu trách nhiệm cùng VNLand trả nợ cho Công ty Quốc Linh số tiền gốc và lãi hơn 27 tỷ đồng?
Về phía Công ty Quốc Linh cho biết, ông Jimmy đại diện VNLand là chồng cũ bà Đặng Thị Hoàng Yến, ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Quốc Linh. Tại thời điểm này 2 người chưa ly hôn và mặc dù ông Jimmy sa thải, bỏ trốn sang Mỹ, trên thực tế, tất cả những công trình san lấp của Công ty Quốc Linh, Công ty Tân Tạo vẫn đang sở hữu, sử dụng và hưởng lợi.
Vì sao sau những vấn đề Công ty Tân tạo nêu, thì Quyết định mở thủ tục phá sản số 56 năm 2018 của TAND TP HCM đối với Công ty Tân Tạo vẫn có hiệu lực.
Luật sư Đỗ Xuân Hiệu - Giám đốc Công ty Luật TNHH SLF Luật giải thích, sau khi tòa ban hành quyết định mở thủ tục phá sản (năm 2018) đối với Công ty Tân tạo vì có đơn đề nghị của Công ty Quốc Linh, thì phát sinh các chủ nợ khác (Công ty Tân Tạo cũng đã mất khả năng thanh toán với các chủ nợ này), như ông Dương Văn Sương, Công ty CP XDGT Đức Hạnh, Cục Thuế TP HCM...
Theo quy định, tất cả các chủ nợ đều có quyền, nghĩa vụ như nhau, vì vậy Công ty Tân Tạo có còn nợ Công ty Quốc Linh hay không cũng không ảnh hưởng tới quyền yêu cầu phá sản của các chủ nợ khác. Vì vậy, quyết định mở thủ tục phá sản (số 56 năm 2018) đối với Công ty Tân tạo vẫn tiếp tục có hiệu lực.
Văn bản nêu rõ, Công ty Tân Tạo mất khả năng thanh toán nhiều chủ nợ khác ngoài Công ty Quốc Linh. Ảnh: NL |
Tại Văn bản số 241 ngày 15/3/2021 của TAND TP HCM trả lời đơn của ông Dương Văn Sương (một chủ nợ đã nộp đơn đề nghị TAND TP HCM đình chỉ thủ tục phá sản đối với Công ty Tân Tạo) nêu: “Hiện tại Công ty Tân Tạo có đang hoạt động hay không? Công ty Quốc Linh có còn là chủ nợ của Công ty Tân Tạo hay không? Không phải là căn cứ để đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 86 Luật Phá sản năm 2014 vì không có tài liệu, chứng cứ chứng minh Công ty Tân Tạo đã giải quyết xong các khoản nợ của các chủ nợ khác (trong đó có ông Sương) và Công ty Tân Tạo không còn mất khả năng thanh toán”.
"Như vậy, ngoài Công ty Quốc Linh, Công ty Tân tạo còn mất khả năng thanh toán với các chủ nợ khác, nên không có căn cứ đình chỉ quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Tân Tạo? Lý do Công ty Tân Tạo đưa ra để từ chối công bố công khai quyết định mở thủ tục phá sản vì liên quan đến khoản nợ với Công ty Quốc Linh là không đúng", luật sư Hiệu nói.
Các giao dịch có thể bị hủy
Quản tài viên Chu Minh Đức cho biết, việc ITA đã hơn 4 năm vẫn không công khai quyết định mở thủ tục phá sản của tòa trên HOSE, không có bất kỳ việc báo cáo nào trong các giao dịch của mình cho các chủ nợ, người mắc nợ, các đối tác, sẽ dẫn đến rất nhiều giao dịch được thực hiện trong hơn 4 năm đó phải đối diện nguy cơ bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của rất nhiều đối tác, cổ đông...
Quản tài viên Chu Minh Đức cho hay, Khoản 3 Điều 20 Luật Phá sản 2014 quy định, doanh nghiệp phải thông báo công khai về quyết định mở thủ tục phá sản ngay sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản. Do đó, Công ty Tân Tạo cho rằng “các tòa án đến các cấp ngành buộc Công ty Tân Tạo công bố phá sản” là một lập luận đánh tráo khái niệm. Bởi, thủ tục phá sản gồm nhiều giai đoạn, để đi đến kết luận tuyên bố phá sản của tòa án phải trải qua nhiều giai đoạn và việc công bố thông tin Công ty Tân Tạo đang mở thủ tục phá sản chỉ là bước đầu của quá trình.
Quản tài viên báo cáo tòa án và thẩm phán quá trình giải quyết mở thủ tục phá sản đối với công tyTân Tạo. Ảnh: NL |
Quản tài viên Chu Minh Đức cũng cho biết, do sự không hợp tác cung cấp danh sách chủ nợ, người mắc nợ, danh sách tài sản của Công ty Tân Tạo cho tòa án, cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nên đến nay, chúng tôi không thể lập được danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản theo quy định tại Điều 65, Điều 68 Luật Phá sản năm 2014, chỉ xác định được một số chủ nợ. Cụ thể:
Ngày 8/7, quản tài viên đã gửi “báo cáo giải quyết phá sản Công ty Tân Tạo” đến TAND TP HCM, với tổng nợ là hơn 214 tỷ đồng (tất cả đều có chứng từ), gồm các chủ nợ sau: Công ty Quốc Linh hơn 27 tỷ đồng; Công ty Cổ phần XDGT Đức Hạnh hơn 21 tỷ đồng; Cục Thuế TP HCM hơn 137 tỷ đồng; ông Dương Văn Sương hơn 27 tỷ đồng
Quản tài viên tiếp tục đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE công bố thông tin về việc Công ty Tân Tạo bị mở thủ tục phá sản theo Quyết định số 56 ngày 25/1/2018 của TAND TP HCM và hạn chế, kiểm soát giao dịch đối với mã chứng khoán ITA, đồng thời thông báo cho quản tài viên về giao dịch của ITA.
Link nội dung: https://biztoday.vn/toa-du-can-cu-ra-quyet-dinh-mo-thu-tuc-pha-san-cong-ty-tan-tao-339008.html