CNBC đưa tin hôm 13/7, công ty cho vay tiền mã hóa Celsius đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau một tháng hỗn loạn.
Trong tuyên bố, Celsius khẳng định sẽ tìm cách ổn định hoạt động kinh doanh bằng cách tái cấu trúc nhằm "tối đa hóa giá trị cho mọi bên liên quan".
"Đây là quyết định đúng đắn cho cộng đồng và công ty chúng tôi", ông Alex Mashinsky - đồng sáng lập kiêm CEO của Celsius - cho biết trong một tuyên bố.
Cách đây một tháng, công ty gây xôn xao dư luận sau khi đóng băng tài khoản của khách hàng. Người dùng Celsius không thể rút hay chuyển tiền.
Đây là vụ phá sản lớn nhất kể từ khi thị trường tiền mã hóa lao dốc trong năm nay. Tuần trước, Voyager Digital cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi quỹ đầu cơ tiền mã hóa Three Arrows Capital (3AC) vỡ nợ khoản vay trị giá hơn 660 triệu USD.
3AC cũng thua lỗ nặng vì chiến lược vay nợ đầy rủi ro. CNBC đưa tin theo hồ sơ tòa án, 2 nhà đồng sáng lập của quỹ dường như đang lẩn trốn các chủ nợ.
"Thật không may, điều này đã được dự đoán từ trước", ông Joseph Rotunda - Giám đốc thực thi tại Ủy ban Chứng khoán bang Texas - bình luận về vụ việc của Celsius. "Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra công ty và làm việc để bảo vệ khách hàng, ngay cả khi công ty đã mất khả năng thanh toán", ông nhấn mạnh.
Celsius có hơn 100.000 chủ nợ, bao gồm cả khách hàng gửi tiền và các bên cho vay. Khoản vay không có tài sản bảo đảm lớn nhất của công ty trị giá 81 triệu USD, đến từ quỹ Pharos Fund (có trụ sở tại Đảo Caymans).
Theo hồ sơ, công ty thương mại Alameda Research của tỷ phú Sam Bankman-Fried - CEO FTX - cũng là chủ nợ của Celsius với khoản vay không thế chấp trị giá 12 triệu USD.
Celsius là một công ty lớn trong ngành công nghệ tiền mã hóa. Tính đến tháng 5, công ty có dư nợ 8 tỷ USD và quản lý khối tài sản trị giá 12 tỷ USD.
Theo công ty, tính đến tháng 6, công ty có 1,7 triệu khách hàng và đang tiếp tục đánh chiếm thị phần với lãi suất huy động lên tới 17%.
Công ty này trả lãi trên trời đối với những khách hàng gửi tiền bằng tiền mã hóa. Sau đó, Celsius cho các nhà giao dịch khác vay nhằm kiếm lời từ phần chênh lệch lãi suất. Những nhà đầu tư tiền mã hóa sẵn sàng trả lãi cao để vay tiền.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này đã sụp đổ trong bối cảnh thanh khoản của ngành suy yếu mạnh. Khi thông báo tạm dừng cho phép rút tiền, Celsius trích dẫn "điều kiện thị trường khắc nghiệt".
"Các vấn đề của Celsius đã phơi bày những lỗ hổng trong các mô hình cho vay được sử dụng trong ngành công nghiệp tiền mã hóa. Ở đó, những nền tảng cho vay thường trả lãi cao cho khách hàng", CNBC nhận định.
Tuần trước, một cựu giám đốc đầu tư đã nộp đơn kiện Celsius. Người này cáo buộc công ty không phòng ngừa rủi ro, thao túng giá và tham gia vào các hoạt động có nguy cơ lừa đảo.
6 cơ quan quản lý đã mở các cuộc điều tra đối với Celsius.
Theo ông Adam Levitin - giáo sư luật tại Đại học Georgetown, khách hàng của Celsius sẽ không được nhận lại tiền trong nhiều năm. Đáng nói, khoản tiền mã hóa được hoàn trả có thể giảm giá trị đáng kể so với ban đầu.
Trong mắt tòa án, những khách hàng tham gia vào chương trình tiền gửi lãi suất cao của Celsius có thể được coi là chủ nợ không có tài sản bảo đảm - nhóm có rủi ro không lấy lại tiền cao hơn.
Tiền mã hóa của khách hàng trên thực tế là tài sản của công ty. Với tư cách một chủ nợ không có tài sản bảo đảm, các vị có thể không lấy lại được số Bitcoin của mình
Ông Adam Levitin - giáo sư luật tại Đại học Georgetown
"Khả năng cao cách xử lý sẽ đi theo hướng như thế này. Tiền mã hóa của khách hàng trên thực tế là tài sản của công ty. Với tư cách một chủ nợ không có tài sản bảo đảm, các vị có thể không lấy lại được số Bitcoin của mình", ông Levitin nói với CNBC.
Ông cảnh báo sau Celsius, có thể có thêm nhiều công ty tiền mã hóa phá sản. "Thủy triều vẫn đang rút mạnh. Chúng tôi chỉ đang chờ xem làn sóng sụp đổ sẽ nghiêm trọng tới mức nào", vị giáo sư bình luận.
Ngành công nghiệp tiền mã hóa đang chao đảo khi thị trường suy yếu nghiêm trọng. Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - vừa ghi nhận quý tồi tệ nhất trong vòng hơn thập kỷ qua.
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã mất khoảng 58% giá trị trong quý II. Khoảng 1.200 tỷ USD bị xóa sổ khỏi toàn bộ thị trường tiền mã hóa.
Cú rơi của thị trường khiến các công ty tiền mã hóa phải sa thải hàng loạt nhân viên, thậm chí trượt tới bờ vực phá sản.
Link nội dung: https://biztoday.vn/cu-soc-moi-voi-thi-truong-tien-ma-hoa-339011.html