Khơi thông 'xương sống' cao tốc Bắc - Nam: Lộ diện hàng loạt 'ông lớn'

Dự kiến gần cuối năm nay mới tới bước chọn thầu cao tốc Bắc - Nam, song ngay từ sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2 (2021 - 2025), hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã xin được chỉ định thầu.

Xếp hàng xin ứng tuyển

Theo Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ về triển khai đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm (2022 và 2023) với gói thầu xây lắp các dự án thành phần; tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết.

cao-toc-bac-nam-1657854816.jpg

Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Cam Lộ - La Sơn QUANG TOÀN

Quyết định cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án giai đoạn 2 của Chính phủ đã hấp dẫn rất nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn. Từ tháng 3 - 4 đã có nhiều DN có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng xin được chọn làm nhà thầu thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh xin được thi công dự án Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị) với cam kết vượt tiến độ 6 tháng. Dự án dài 67,8 m với tổng kinh phí đầu tư là 9.563 tỉ đồng. Trường Thịnh cũng là cái tên quen thuộc, từng là nhà thầu chính các gói thầu thuộc dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn Mai Sơn - QL45.

DN xây dựng Xuân Trường cũng có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận chỉ định thi công xây dựng đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh) chiều dài khoảng 53 km. Trước đó đầu năm 2022, DN này đã hoàn thành tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc giai đoạn 1. Tập đoàn Sơn Hải cũng đề xuất được chỉ định thầu xây lắp dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình) với chiều dài 50 km, tổng mức đầu tư 10.526 tỉ đồng.

Nhiều tên tuổi đáng chú ý như Đèo Cả, Trung Nam, Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Phương Thành, Hưng Thịnh... cũng đã có đơn xin được chỉ định thầu thông qua việc lập các liên danh hoặc nhận thầu với tư cách là nhà thầu độc lập. Đa số các DN xin ứng tuyển đều nêu ra các cam kết mạnh mẽ như rút ngắn tiến độ 3 - 6 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu. Có liên danh cho biết đã làm việc với các tổ chức tín dụng để đảm bảo nguồn vốn thi công công trình.

“Với vai trò là một trong những DN dẫn đầu trong ngành thi công hạ tầng cùng mong muốn đồng hành với Chính phủ góp sức trong một công trình quan trọng của đất nước, Đèo Cả không thể đứng ngoài” là chia sẻ của ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, khi nói về đề xuất được chỉ định thầu làm nhà thầu cho một số dự án thành phần khu vực miền Trung thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Với giai đoạn 2, Bộ GTVT nên rút kinh nghiệm, có cơ chế thích hợp để các nhà thầu linh hoạt, xử lý khi có bất cập trong quá trình thi công, tránh tình trạng chuyện gì cũng phải trình lên trình xuống, xin ý kiến nhiều cấp, kéo lùi tiến độ dự án.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM

Đang trực tiếp thi công giai đoạn 1 của dự án, ông Phan Văn Thắng cho biết Đèo Cả hiểu rõ những khó khăn, thách thức khi đi vào triển khai thực tế nên xác định từ đầu rằng cao tốc Bắc - Nam không phải “miếng bánh” để nhảy vào “xí phần”. Tham gia vào một công trình hạ tầng có vai trò quan trọng như vậy, đồng nghĩa gánh vác cùng Chính phủ trọng trách rất lớn. Vì thế, DN phải sẵn sàng tiềm lực, đủ sức chạy đường dài và vượt qua những khó khăn có thể rất khốc liệt như giai đoạn 1 thời gian vừa qua.

Hiện Đèo Cả đã bắt đầu quá trình chuẩn bị từ đào tạo con người, máy móc thiết bị tới các vấn đề về nguồn lực tài chính. Về mặt nhân sự, bên cạnh chủ động đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân, kỹ sư hiện nay, DN này đang liên kết với các trường nghề, mở rộng nguồn nhân lực và thu hút thêm lao động từ địa phương. Trong bối cảnh nhiều dự án hạ tầng PPP đang tất bật triển khai, hệ thống máy móc, thiết bị cũng được đầu tư mạnh để tăng năng suất, nâng hiệu quả công trình, sớm hoàn thiện các dự án, đảm bảo nếu được chỉ định thầu cho cao tốc Bắc - Nam sẽ có thể tập trung được ngay, tránh dàn trải nguồn lực.

Doanh nghiệp mong được san sẻ khó khăn

Trả lời Thanh Niên, giám đốc một DN lớn từng làm nhà đầu tư và nhà thầu chính nhiều dự án cao tốc lớn cũng đã nộp đơn xin được chỉ định thầu một dự án thành phần giai đoạn 2 cho biết, hiện chưa có bộ tiêu chí chỉ định thầu nên DN vẫn chưa nắm được có khả năng đáp ứng hay không.

“Các dự án thành phần giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư rất lớn, đều tầm 5.000 - 7.000 tỉ thậm chí hơn 10.000 tỉ đồng/dự án. Nếu áp theo bộ tiêu chí trước đây như phải có hợp đồng tương tự có giá trị hơn hơn 70% giá gói thầu thì chỉ 3 - 5 DN “khủng” đáp ứng được, còn lại các DN vừa và nhỏ rất khó tham gia. Hơn nữa, mấy năm qua các DN ngành giao thông hoặc hạ tầng đều rất khó khăn. Dự án ít, giá trị sản lượng hằng năm chỉ đạt được tầm 1.000 tỉ đồng thậm chí vài trăm tỉ”, vị này cho biết.

Cũng theo lãnh đạo DN nói trên, nên áp dụng các tiêu chí linh hoạt như chỉ tính kinh nghiệm áp với hợp đồng tương đương có giá trị 50% giá gói thầu. Với sức ép tiến độ như giai đoạn 2, phải có cơ chế linh hoạt để huy động được nhiều nhà thầu tham gia, nếu tiêu chí chỉ vài nhà thầu đáp ứng được thì rất khó kịp tiến độ.

Ông Phan Văn Thắng nhận định giai đoạn 1 của dự án đã cho thấy nhiều bài học. Một số nhà thầu dù ban đầu chứng minh năng lực tốt, nhưng đi được một chặng đường đã bắt đầu đuối sức, trì trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ công trình. Sau giai đoạn kiệt quệ vì khó khăn như hiện nay, bài toán tiềm lực, lợi nhuận của các DN càng trở nên nan giải. Năng lực của DN cần phải chứng minh cụ thể qua thực tế các sản phẩm đã làm. Nếu cứ hoài niệm sức mạnh cũ hoặc kỳ vọng chiếm phần dự án này để bù lỗ cho dự án khác thì chắc chắn không thể tham gia nổi.

Đồng tình, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, lưu ý Bộ GTVT cần nhanh chóng công khai tiêu chí lựa chọn nhà thầu, đảm bảo chặn nhà thầu kém năng lực ngay từ khâu đấu thầu để tránh làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án. DN được chọn phải có tiềm lực tài chính, năng lực về kỹ thuật được chứng minh qua những công trình đã hoàn thành. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng giải quyết những khó khăn cho các nhà thầu đang thi công giai đoạn 1 để tạo niềm tin, sự an tâm cho các DN đang quan tâm tới giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là giá nguyên vật liệu, vật tư tăng đột biến. Nhiều nhà thầu tuy có năng lực, nhiệt tình, cố gắng cầm cự nhưng chịu tác động, ảnh hưởng rất lớn. Cần nhanh chóng quan tâm, tháo gỡ cơ chế đền bù giá để giúp cho họ. Với giai đoạn 2, Bộ GTVT nên rút kinh nghiệm, có cơ chế thích hợp để các nhà thầu linh hoạt, xử lý khi có bất cập trong quá trình thi công, tránh tình trạng chuyện gì cũng phải trình lên trình xuống, xin ý kiến nhiều cấp, kéo lùi tiến độ dự án”, ông Hà Ngọc Trường đề xuất.

Đèo Cả đã có sẵn mạng lưới đối tác lâu năm, uy tín, từ nhà cung cấp nguyên vật liệu để bình ổn giá cho tới các tổ chức tín dụng cho vay lưu động dựng nguồn vốn. Dù khó khăn nhưng nếu được xác lập sớm phương án, với phương pháp quản trị thông minh, liên kết tốt với các đối tác, cùng sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thì chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Ông Phan Văn Thắng (Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả)

Link nội dung: https://biztoday.vn/khoi-thong-xuong-song-cao-toc-bac-nam-lo-dien-hang-loat-ong-lon-339633.html