Theo đó, ông Nguyễn Văn Bình mua thành công 1 triệu cổ phiếu VPG từ ngày 24/06-12/07. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Bình tại VPG tăng lên 25,79%, tương ứng gần 20,7 triệu cổ phiếu. Chiếu theo giá trung bình giai đoạn 24/06-12/07, ước tính ông Bình đã chi số tiền khoảng 28 tỷ đồng. Được biết, tổng tỷ lệ sở hữu của ông Bình và người có liên quan tại VPG đạt 30,31%, tương ứng 24,3 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VPG đã “lao dốc” từ gần 60.000 đồng/cp từ thời điểm tháng 4/2022 xuống dưới 30.000 đồng/cp. Đến phiên sáng 15/07, cổ phiếu VPG đang giao dịch quanh mức 28.000 đồng/cp.
Trong quý 2/2022, diễn biến tình hình thế giới phức tạp, đặc biệt là thời kỳ hậu Covid-19, vấn đề cạnh tranh thương mại, xung đột vũ trang xảy ra một số nơi… làm đứt gãy nguồn cung về năng lượng nói chung, gây khó khăn cho quá trình mua bán, thanh toán của các vật tư chiến lược bao gồm xăng dầu, khí đốt và than. Do đó, việc chủ động đảm bảo nguồn cung với các đối tác đã giúp Việt Phát gia tăng sản lượng than cốc, than nhiệt cũng như quặng sắt cho các hợp đồng đã ký.
Theo đại diện Việt Phát cho biết: Trong quý 2, Việt Phát đã cung cấp cho khách hàng sản lượng than cốc 35.000 tấn, than nhiệt 48.000 tấn, quặng sắt 164.000 tấn. Do đó doanh thu quý 2 ước đạt 1.700 tỷ đồng tăng trưởng gần 54% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ước đạt 120 tỷ đồng đạt 98,3% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm doanh thu ước đạt gần 2.700 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế ước đạt 172 tỷ, hoàn thành 31,3% kế hoạch doanh thu và 61,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Kết quả kinh doanh quý 2/2022 rất tích cực và vượt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân đến từ giá nguyên liệu tăng cao và việc ký kết được nhiều hợp đồng với các khách hàng lớn trong nước như CTCP Thép Hòa Phát Hải Dương, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất, CTCP Luyện Kim Đen Thái Nguyên, CTCP Xây lắp điện 1;…
Theo đại diện Việt Phát chia sẻ: Trong vòng từ 10 đến 20 năm tới, ngành nhiệt điện than vẫn tiếp tục được phát triển và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu điện năng sản xuất. Vì vậy, tổng nhu cầu than cho sản xuất nhiệt điện dự kiến vẫn duy trì ở mức cao, mặc dù dự báo hiện nay đã thấp hơn so với trước đây. Công ty đã đẩy mạnh chiến lược kinh doanh sang mảng than nhiệt điển hình là việc trúng thầu gói thầu gần 12.000 tỷ đồng Gói thầu Cung cấp nhiên liệu than cho quá trình vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 năm 2022. VPG bắt đầu thực hiện và ghi nhận doanh thu từ tháng 5/2022. Dự kiến sản lượng cung cấp than nhiệt sẽ rất lớn vào 2 quý cuối năm 2022 đảm bảo Doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng trưởng mạnh.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2022, Việt Phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 966,68 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 52,19 tỷ đồng, lần lượt giảm 1,4% và 62,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Phát cho biết, trong quý I/2021, Công ty thực hiện hợp đồng than cốc giá nhập vào thấp, giá bán ra cao, trong khi quý II/2022 không có lợi thế này. Cụ thể, doanh thu than coke quý I/2022 giảm 18,84% so với quý I/2021, lợi nhuận gộp than coke quý I/2022 giảm 82,15% so với quý I/2021, khiến lãi sau thuế quý I năm nay giảm mạnh.
Còn trong năm 2021, Việt Phát thực hiện các hợp đồng đầu ra than cốc và quặng sắt với sản lượng lớn cho các đối tác, do vậy doanh thu cả năm tăng 65,7% so với năm trước đó, đạt 3.864 tỷ đồng.
Bên cạnh đó chi phí giá vốn thấp dẫn tới lợi nhuận tăng cao. BCTC năm 2021 đã kiểm toán ghi nhận lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 421 tỷ đồng, gấp 4,8 lần so với số lãi hơn 88 tỷ đồng đạt được năm 2020. EPS đạt 9.282 đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu bán than cốc đạt 2.214 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ và đóng góp khoảng 57% vào tổng doanh thu công ty. Doanh thu bán quặng sắt tăng hơn gấp 5 lần năm 2020, lên 1.339 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 35% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ bất động sản, xây dựng và bán hàng hóa khác.
Link nội dung: https://biztoday.vn/co-phieu-vpg-viet-phat-lao-doc-chu-tich-nhanh-tay-bat-day-339689.html