Euro lao dốc: Xuất khẩu lo mất giá, nhập khẩu có hưởng lợi?

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Trong ngắn hạn, việc đồng euro mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp có hợp đồng thanh toán bằng đồng euro.

Chia sẻ với TTXVN, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu và sẽ có lợi hơn.

Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Hải, những khó khăn, thách thức này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định từ đầu năm khi đánh giá về cơ hội và thách thức đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt là thúc đẩy tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đang tiếp tục được giảm thuế theo lộ trình cam kết.

Mặt khác, Bộ Công Thương còn thực hiện kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, ứng dụng môi trường Internet; phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may đi châu Âu, việc đồng euro lao dốc tới 12% so với hồi đầu năm nay đang khiến hàng hóa xuất khẩu ảnh hưởng khá nhiều.

Theo báo Công Thương, Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM phân tích: Ảnh hưởng trước mắt với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may chính là giá trị sụt giảm. Theo đó, tất cả các khách hàng tại châu Âu đều thanh toán bằng đồng euro và doanh nghiệp Việt nhận tiền về nước đều phải đổi qua USD. Nay đồng euro giảm gần bằng với đồng đô la Mỹ sẽ đồng nghĩa với việc giá trị xuất khẩu của mỗi lô hàng giảm theo. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp vốn đang thấp bởi các chi phí đầu vào như xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công… đều tăng, nay thêm giá euro lao dốc sẽ càng kéo lợi giảm thấp hơn.

Bên cạnh đó, việc đồng euro mất giá chứng tỏ thị trường châu Âu đang bất ổn, sức mua của người tiêu dùng giảm. Bằng chứng là thời gian qua chúng tôi không có nhiều đơn hàng mới. Tuy vậy, hiện doanh nghiệp vẫn đang vận hành đều đặn nên số lượng hàng tồn kho theo đó sẽ nhiều lên, gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng chịu tác động tiêu cực từ việc đồng euro lao dốc. Ông TS Sử Ngọc Khương - Chuyên gia kinh tế, Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu tin học và Khoa học Ứng dụng TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Đúng là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào thị trường châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng lớn trước biến động hiện nay song nhìn rộng hơn sẽ không hẳn như vậy. Cụ thể, với những doanh nghiệp đang nhập khẩu nguyên liệu thường thanh toán bằng đồng USD. Khi giá USD và euro gần như tương đương nhau đồng nghĩa giá trị sản phẩm nhập khẩu cũng sẽ giảm theo.

“Và trong 6 tháng đầu năm, cán cân xuất nhập khẩu của việt Nam gần như bằng nhau, chứ không phải xuất siêu nên kinh tế Việt Nam cũng không ảnh hưởng nhiều khi euro mất giá”- ông Sử Ngọc Khương nói.

Link nội dung: https://biztoday.vn/euro-lao-doc-xuat-khau-lo-mat-gia-nhap-khau-co-huong-loi-339830.html