Giai đoạn đỉnh dịch Covid-19 tại Hà Nội vào tháng 3, cũng giống như nhiều người khác, chị N.B.H. (sống tại Hoàng Mai) trở thành F0.
Covid-19 khiến chị H. phải chật vật chống chọi với những trận sốt 39 - 40 độ gần một tuần lễ.
4 tháng sau, với cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn, chị H. lại nhận "cú đánh bồi" từ cúm A.
"Lần này tôi còn bị nặng hơn hồi mắc Covid-19", chị H. vừa nói vừa thở dốc, "Ban đầu tôi cảm thấy bị sốt và rét run, đau buốt xương và nhức người. Đinh ninh rằng mình bị tái nhiễm Covid-19 chủng mới nhưng đến khi làm test nhanh tại nhà lại cho kết quả âm tính SARS-CoV-2. Sốt 39 - 40 độ C nhưng uống thuốc hạ sốt lại không hề giảm, tôi hoang mang cực độ vì không biết mình đang mắc bệnh gì".
Chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ, chị H. từ một người khỏe mạnh phải nhập viện cấp cứu vì sốt cao.
Sau 2 ngày được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, chị dù đã cắt sốt nhưng vẫn mệt mỏi.
"Trải qua một trận ốm vì cúm A mới thấy nó nguy hiểm như thế nào. Bệnh dễ lây lại diễn biến rất nhanh. Nhiều ngày sốt li bì liên tục khiến tôi mệt lả vì không ăn uống được gì", chị H. chia sẻ.
"Vỡ mộng" miễn nhiễm bệnh tật
Đã tiêm 3 mũi vaccine, cộng thêm từng bị mắc Covid-19, chị N.M.T. (25 tuổi, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội) từng rất tự tin về khả năng "miễn nhiễm bệnh tật" của mình cho đến khi… bị cúm A tấn công.
"Sau 2 năm bị trói chân vì dịch, tôi "bung" hết mức kể từ khi các hoạt động được mở cửa trở lại. Tự tin vì mình còn trẻ lại có quá đủ kháng thể trước Covid-19, suốt 2 tháng qua tôi gần như "quên" luôn khẩu trang hay các biện pháp bảo vệ khác ngay cả khi đến nơi đông người hay đi du lịch", chị T. chia sẻ.
Tuy nhiên, vừa kết thúc chuyến du lịch cùng nhóm bạn vào phía Nam cuối tuần trước, chị T. lại bị một trận ốm như "trời hành".
"Buổi tối vừa về đến Hà Nội thì sáng hôm sau, một người bạn trong đoàn đã thông báo có triệu chứng sốt, mỏi người. Đến đầu giờ chiều, tôi bắt đầu hâm hẩm nóng. Mặc dù đã uống hạ sốt và vitamin C nhưng chỉ vài tiếng sau, tôi sốt cao đến 40 độ, đi không vững nên người nhà phải đưa vào viện. Các bác sĩ xét nghiệm xác định tôi bị mắc cúm A", chị T. chia sẻ.
Cấp cứu vì đồng nhiễm Covid-19 - Sốt xuất huyết
Một trường hợp khác là người đàn ông 35 tuổi, vào cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng sốt rất cao kèm co giật.
Sau khi xét nghiệm sàng lọc đã cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Đáng chú ý, tiến hành tầm soát thêm các bác sĩ còn phát hiện bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Về trường hợp này, ThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn nhận định: "Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là bệnh do virus gây ra nên các triệu chứng được chồng lấp khiến bệnh tăng nặng. Do đó, với những bệnh nhân sốt xuất huyết trên nền mắc Covid-19 thì bệnh thường tiến triển nặng hơn, sốt cao hơn, tình trạng mệt mỏi hơn và kéo dài thời gian điều trị, so với các ca mắc Covid-19 thông thường", BS Hường nhấn mạnh.
Bên cạnh Covid-19, nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: tay chân miệng, cúm A, sốt xuất huyết cũng đang "leo thang" ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Ca tay chân miệng tại Hà Nội tăng gấp 5 lần cùng kỳ
Theo số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong tuần 26 khu vực miền Bắc ghi nhận 174 trường hợp mắc tay chân miệng, không có ca tử vong. Lũy tích năm 2022, miền Bắc ghi nhận 4.888 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (1.387), số ca mắc đã tăng 252%.
Đáng chú ý, dịch tay chân miệng đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Những tuần gần đây, Thủ đô đều ghi nhận trên 100 ca tay chân miệng. Số ca tay chân miệng cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay đã gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê đến ngày 30/6, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đều đã ghi nhận ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, 3 khu vực ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng nhất tại Hà Nội là: Chương Mỹ (133 ca), Đông Anh (104 ca), Mê Linh (91 ca).
Trước thực trạng này, Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh thành về việc tăng cường công tác phòng chống dịch tay chân miệng.
Bộ Y tế dự báo dịch tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây. Để hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.
Nhiều người mắc sốt xuất huyết sau khi trở về từ phía Nam
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang vào mùa với diễn biến rất phức tạp. Đáng chú ý, có hàng chục bệnh nhân sốt xuất huyết có tiền sử trở về từ phía Nam (khu vực sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh).
Ngành y tế Hà nội nhận định, trong thời gian tới dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tiếp tục gia tăng do đang vào cao điểm mùa dịch.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết phức tạp, Sở Y tế Hà nội cũng đã có công văn chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Dịch cúm A bùng phát bất thường giữa trời hè
Dịch cúm A cũng đang bùng phát một cách bất thường tại Thủ đô giữa trời hè. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn có ngày ghi nhận đến 20 bệnh nhân mắc cúm A, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ các năm. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhân cúm A tăng đột biến.
"Thông thường, mùa hè là thời điểm bệnh cúm mùa ít xuất hiện. Nguyên nhân là bởi thời tiết khô nóng, không thích hợp về nhiệt độ và độ ẩm cho virus cúm phát triển và gây bệnh", TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phân tích.
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ "dịch chồng dịch" nếu người dân chủ quan trước dịch bệnh.
BS Nguyễn Thu Hường chia sẻ: "Hiện tại chúng tôi dành toàn bộ tầng 9 để điều trị các bệnh truyền nhiễm như Covid-19, cúm, sốt xuất huyết... Các dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp và nếu cùng lúc "bùng nổ" sẽ là thách thức lớn đối với lực lượng điều trị".
Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng hậu Covid-19 vẫn hiện hữu.
Di chứng hậu Covid-19 có 200 biến chứng khác nhau. Hầu hết, người bị biến chứng hậu Covid-19 đều sẽ cảm thấy uể oải, mệt mỏi đi kèm các vấn đề bất thưởng ở hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương.
Một khảo sát do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiến hành trên 17.000 người cho thấy, có 68% "cựu F0" còn tồn tại triệu chứng hậu Covid-19 trong khoảng thời gian 2 - 5 tháng từ khi có xét nghiệm âm tính; 17,4% tồn tại triệu chứng hậu Covid-19 nhiều hơn 5 tháng; gần 5% tồn tại triệu chứng sau 10 tháng.
Đáng chú ý, bất kỳ ai đã bị Covid-19 đều có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19, ngay cả những người bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng trong quá trình là F0.
Theo các chuyên gia, với những trường hợp đã từng mắc Covid-19 nhưng cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn, vẫn đang mang các di chứng hậu Covid-19 sẽ "yếu thế" hơn khi mắc các bệnh khác.
Cụ thể, các trường hợp này sẽ dễ chuyển biến nặng hơn, thời gian điều trị lâu hơn so với thông thường.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch có tiền sử mắc Covid-19.
Để bảo vệ sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dân (đặc biệt là những người vẫn đang mắc các di chứng hậu Covid-19) nên tiếp tục duy trì những giải pháp tối thiểu như V2K (tiêm vaccine, khử khuẩn, mang khẩu trang) mà Bộ Y tế vừa công bố thay cho biện pháp 5K như trước đây.
"Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế ra những nơi đông người. Đặc biệt, những người yếu thế càng cần phải chú ý bảo vệ sức khỏe", BS Nguyễn Thu Hường khuyến cáo.
Nội dung: Minh Nhật
Thiết kế: Thủy Tiên
Ảnh: Mạnh Quân - Trịnh Nguyễn
Link nội dung: https://biztoday.vn/dich-chong-dich-sot-xuat-huyet-tay-chan-mieng-cum-mua-dong-loat-bung-no-340197.html