Theo các chuyên gia, tăng lãi suất sẽ khiến kinh tế suy thoái nếu tăng nhanh quá mà chưa chắc cứu được lạm phát, vì lạm phát là do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tốc độ tăng lãi suất chưa chắc là đã thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ. Bởi, mỗi một lần tăng lãi suất có 4 rủi ro, gồm: Rủi ro tỷ giá, rủi ro vỡ nợ tăng, rút vốn khỏi thị trường mới nổi và rủi ro địa chính trị.
Lãi suất tại Việt Nam ngược chiều với thế giới
Các chuyên gia cho biết, trên thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất ở hầu hết các quốc gia, trừ lãi suất của Trung Quốc là đi ngang hoặc đi xuống vì họ muốn phục hồi, kích cầu. Thậm chí trong quý vừa rồi họ cũng mới giảm thêm lãi suất cơ bản.
Theo thống kê của TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), có 80 lượt tăng lãi suất toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022. Các nước phát triển bao gồm Mỹ và EU có mức độ tăng khá lớn, nhưng số lần tăng không nhiều. Trong khi, các nước đang phát triển khác có số lần tăng lãi suất rất nhiều (60 lần) nhưng chỉ tăng nhỏ giọt 0,2%/lần.
Trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất trên thế giới tiếp tục diễn ra, tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, được tổ chức cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đầu năm nay, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho NHNN phấn đấu điều hành giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1% trong 2 năm; ổn định tỷ giá; kiểm soát lạm phát bình quân 4%.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh lạm phát trên thế giới tăng cao, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát hiện hữu. Đặc biệt, việc triển khai gói cấp bù lãi suất với lượng tiền lớn khi lạm phát đang tăng cũng đặt ra những thách thức nhất định.
Với các thách thức trong nước cũng như quốc tế, NHNN tiếp tục khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm nay là 14%, không “nới” thêm như kỳ vọng của các ngân hàng thương mại trước đó.
Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng cần chọn lọc, thẩm định, cho vay các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
"Lãi suất cho vay đang chịu áp lực tăng. Nếu chúng ta để lãi suất cho vay tăng thì người dân và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đi ngược với chương trình phục hồi. Còn lãi suất cho vay bằng USD chắc chắn tăng theo đà tăng của thế giới”
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Đồng thời, NHNN đưa ra thông điệp tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Vì sao Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất?
Đặt câu hỏi vì sao NHNN chưa tăng lãi suất, TS Cấn Văn Lực lý giải, nếu NHNN tăng lãi suất điều hành chưa chắc phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế. Cùng với đó, chương trình phục hồi kinh tế đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất. “Nên nếu như chúng ta tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này”, chuyên gia cho hay.
Trao đổi về vấn đề này, TS Võ Trí Thành cho rằng, bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo. Muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách, can thiệp trực tiếp vào lãi suất cơ bản. Nhưng nếu chỉ nói do chính sách tiền tệ ít quan hệ lạm phát thì không phải.
Về vấn đề tăng hay hạ lãi suất của NHNN, ông Thành cho rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây.
Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam nổi lên như một ngôi sao bởi duy trì được mức độ tăng trưởng dương. Thế nhưng, trong 6 tháng cuối năm 2021 thì ngược lại, khi nền kinh tế thế giới phục hồi tốt thì Việt Nam lại "lạc nhịp". Hay như 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng thế giới xấu nhưng Việt Nam lại phục hồi rất tốt. Chính những điểm khác biệt này khiến chúng ta không thể điều hành lãi suất như thế giới được.
"Trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, chúng ta đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên các điều hành liên quan đến vấn đề này vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng ta buộc phải thận trọng", ông Thành cho hay.
Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết. “Đây là vấn đề mà Việt Nam cần phải quan sát kỹ vì chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, nếu tăng lãi suất, càng phá giá đồng tiền thì nền kinh tế càng ảnh hưởng đến nhập khẩu”, ông Thành nói.
Đồng quan điểm đó, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia đánh giá, hiện nay, lạm phát của Việt Nam là lạm phát do chi phí đẩy, nên vai trò của ngân hàng trong câu chuyện này là nhỏ.
"Lạm phát khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực, do đó việc NHNN tăng lãi suất như Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Cùng với đó, nếu lãi suất tăng ở thời điểm hiện tại thì thị trường chứng khoán sẽ nguy hiểm", ông Nghĩa nói.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ap-luc-lam-phat-tang-cao-vi-sao-ngan-hang-nha-nuoc-khong-tang-lai-suat-341414.html